Thứ Năm, 9/10/2014 10:20'(GMT+7)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2014
(TG)-Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Chín năm 2014. Sau đây là toàn văn Nghị quyết:
1. Về tình hình kinh tế-xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2014; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014
Chính phủ thống nhất đánh giá: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát. Lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý III cao hơn mức tăng 2 quý trước, 9 tháng đầu năm ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, liên tục có xuất siêu.
Tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá. Công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng. Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều đổi mới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, còn nổi lên một số khó khăn, thách thức: Tổng cầu phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh còn khó khăn; nợ xấu chưa được xử lý hiệu quả; vốn đối ứng thiếu; nợ công có xu hướng gia tăng. Năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp. Việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh diễn ra phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong những tháng cuối năm, để phấn đấu đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ đầu năm đến nay; tích cực triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, nhất là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc các giải pháp tăng cường quản lý thu chi ngân sách theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Các Bộ, ngành, địa phương tích cực khai thác tiềm lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển sản xuất, kinh doanh trên cả ba khu vực kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển các công trình, dự án. Tiếp tục triển khai đồng bộ Đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhất là sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng theo kế hoạch đã đề ra, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; xử lý hiệu quả nợ xấu; xem xét kéo dài thời hạn cho vay, thời gian ân hạn trả gốc và trả lãi đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; xem xét, nghiên cứu cơ cấu lại thời hạn cho vay vốn tín dụng xuất khẩu đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị thua lỗ trong năm 2014.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tăng cường kiểm soát để hạn chế tối đa việc điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện dự án; theo dõi, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh xúc tiến thu hút vốn FDI, nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường; đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2015.
- Bộ Tài chính phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2014; tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, tăng cường công tác thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, chuyển giá, gây thất thu thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 cao hơn dự toán, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và hiệu quả; rà soát cụ thể để xây dựng báo cáo đánh giá tổng thể về tình hình nợ công, trong đó phân tích hiệu quả, những tồn tại, hạn chế và giải pháp điều hành trong thời gian tới. Báo cáo này sẽ đưa ra thảo luận tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan xúc tiến đàm phán với Nga về thuế đối với mặt hàng thuỷ sản; chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, sửa đổi các quy định để giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hải quan.
- Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị các phương án đàm phán nhằm tháo gỡ vướng mắc trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và tính đến lợi ích cốt lõi của quốc gia để khẩn trương kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) và với Hàn Quốc vào cuối năm 2014; thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các đối tác khác để mở thêm thị trường xuất khẩu cho những sản phẩm ta có lợi thế cạnh tranh như: dệt may, da giầy, thủy sản, nông sản, góp phần hỗ trợ sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động các nước mở cửa thị trường trái cây; thúc đẩy, khai thác thị trường trong nước; quảng bá, tuyên truyền, khuyến khích thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.” Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng thông tư liên tịch để giảm tối đa thủ tục liên quan đến việc tiếp cận điện của doanh nghiệp.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên gắn với phát triển khoa học và công nghệ; đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới, nhất là huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ về hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng chính sách nghiên cứu giống phù hợp điều kiện vùng, miền, thổ nhưỡng để ứng dụng hiệu quả; phối hợp Bộ Tài chính xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giống lúa chất lượng cao; khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014.
- Bộ Giao thông vận tải đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án giao thông trọng điểm; nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh lộ trình mở cửa bầu trời trong hợp tác quốc tế song phương, đa phương về hàng không dân dụng, mở rộng trao đổi thương quyền 5 trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và kinh tế-xã hội.
- Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà roát, nghiên cứu, đề xuất mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực gắn với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, cải tiến việc cấp thị thực theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tích cực nghiên cứu các giải pháp tổng thể thúc đẩy phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; đồng thời có chính sách phù hợp khuyến khích thị trường du lịch nội địa phát triển.
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp.
- Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng trong phòng, chống dịch bệnh ở người; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống lao quốc gia; khẩn trương xây dựng đề án sản xuất vắc-xin, Trung tâm kỹ thuật cao bệnh phổi; xây dựng dự thảo Chỉ thị về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2014.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, chống phá; bảo vệ vững chắc chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các khu vực trọng điểm, biên giới, vùng biển; thực hiện quyết liệt đấu tranh, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; tăng cường công tác tuần tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường chỉ đạo, ngăn chặn xử lý thông tin không chính thống, xuyên tạc. Các Bộ, cơ quan chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ cho các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về các cơ chế, chính sách, các vấn đề mà người dân quan tâm thuộc lĩnh vực Bộ, cơ quan quản lý để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
- Các Bộ, cơ quan chuẩn bị báo cáo, đề án, dự án luật trình Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 theo phân công; chuẩn bị kỹ giải trình đối với các dự án luật, đề án của Chính phủ trình Quốc hội; trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri và thông qua phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
2. Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và việc giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ có những chuyển biến bước đầu và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một số Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, nhất là những vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương triển khai chậm, thiếu quyết tâm cải cách gây cản trở môi trường kinh doanh, kìm hãm năng lực cạnh tranh của đất nước.
Chính phủ yêu cầu những Bộ, cơ quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 cần rút kinh nghiệm, khẩn trương ban hành ngay Kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Phấn đấu đến hết năm 2014 đạt được các chỉ tiêu đã đề ra về thời gian nộp thuế, số lần nộp thuế, số doanh nghiệp tham gia vào kê khai thuế điện tử, số lần và số giờ thu, nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc, thời gian thực hiện thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, thời gian tiến hành thủ tục đầu tư và cấp phép xây dựng, quản lý đất đai, thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, tiếp cận nguồn điện…
Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, phân tích, đánh giá, công khai thông tin về năng suất lao động của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và thực trạng trong nước; đề xuất giải pháp để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện Nghị quyết; tổng hợp báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2014. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP sẽ được đưa vào đánh giá chất lượng hoạt động của từng Bộ, cơ quan và địa phương năm 2014.
Các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ xem xét, giải quyết các kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
3. Về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính Quý III năm 2014; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý III năm 2014; tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ quý III năm 2014 và nhiệm vụ trong quý IV năm 2014; tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh quý III; tình hình thực hiện các Nghị quyết phiên họp Chính phủ và Chương trình công tác quý III năm 2014 của Chính phủ
Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ hoàn chỉnh các báo cáo liên quan; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, đề án, dự án, dự thảo văn bản trong những tháng cuối năm 2014.
4. Về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2014, nhiệm vụ đến hết năm 2014 và năm 2015
Công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn một số Bộ, cơ quan chậm triển khai việc thành lập Ban Chỉ đạo, xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa, rà soát bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa và thoái vốn.
Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành Kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đề ra; tiếp tục quán triệt tới các cấp, các ngành và doanh nghiệp nhà nước về kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian còn lại của năm 2014 và năm 2015.
Xử lý nghiêm các trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được phân công. Rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và phương án tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn sau năm 2015 bao gồm cả công ty nông, lâm nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2014.
5. Về việc thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để thực hiện mức trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ đối với người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không có nguồn nuôi dưỡng, đối tượng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội từ ngày 1/1/2015 phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2015. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng đối với các đối tượng này. Các đối tượng bảo trợ xã hội khác vẫn áp dụng mức hưởng theo các quy định trước khi ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
6. Về Báo cáo tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội.
7. Về một số biện pháp đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy và mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone
Chính phủ yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 và hoàn thành chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Methadone theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014; tăng cường công tác cai nghiện tại cộng đồng; khẩn trương thực hiện việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án, lộ trình triển khai đổi mới công tác cai nghiện trước ngày 31/12/2014, trong đó cần quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; mở rộng việc điều trị bằng Methadone bảo đảm đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2014 và 2015, lồng ghép chặt chẽ các dịch vụ điều trị bằng Methadone vào cơ sở, hệ thống sẵn có, tăng cường xã hội hóa hoạt động điều trị bằng Methadone.
Thống nhất thực hiện việc tính chi phí nhân công thuê ngoài (thuê theo hợp đồng lao động) vào giá dịch vụ điều trị bằng Methadone từ năm 2015.
Bộ Y tế bảo đảm cung cấp đủ thuốc Methadone; Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí mua thuốc Methadone để thực hiện Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở cai nghiện tự nguyện; chính sách hỗ trợ người nghiện thuộc hộ nghèo, người nghiện có hoàn cảnh khó khăn tự nguyện cai nghiện.
8. Về báo cáo đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước, hoàn chỉnh Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó nêu rõ sự cần thiết, phân kỳ đầu tư, nguồn vốn, phương án huy động vốn cho dự án và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án. Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của Dự án.
9. Về thẩm quyền quyết định việc dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới sử dụng đất có nguồn gốc là đất quốc phòng
Chính phủ thống nhất ủy quyền Thủ tướng Chính phủ xem xét từng trường hợp và quyết định việc dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới sử dụng đất có nguồn gốc là đất quốc phòng./.
TG