Chủ Nhật, 11/8/2013 10:4'(GMT+7)
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng
Qua hơn một năm triển khai thực hiện, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa
XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thu hút sự quan tâm, đồng
tình hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhờ vậy đã thu được
những kết quả bước đầu quan trọng.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân đều
cho rằng, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết là rất cần thiết, đúng
đắn, kịp thời nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi những tiêu cực, suy thoái
trong Đảng, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng
trong sạch, vững mạnh.
Quá trình chuẩn bị và tiến hành tự kiểm điểm phê bình
và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thực sự trở thành một đợt
sinh hoạt chính trị sâu rộng trọng toàn Đảng. Các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến
cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về ý
nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nói chung, việc thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 nói riêng, thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp
tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh;
xác định rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, đề
cao ý thức trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
* Nhận rõ khuyết
điểm, yếu kém
Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, lắng nghe ý kiến đóng
góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và từng cán
bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn ưu, khuyết điểm của mình; đồng
thời phân tích, làm rõ nguyên nhân của các yếu kém khuyết điểm, hạn chế, nhất là
các khuyết điểm, hạn chế kéo dài qua một số nhiệm kỳ để đề ra phương hướng, giải
pháp sửa chữa khắc phục. Ở những mức độ khác nhau đã nhận diện rõ hơn những biểu
hiện và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ,
đảng viên ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Qua kiểm điểm tập thể và cá
nhân theo 3 nội dung của Nghị quyết Trung ương 4, các ban thường vụ cấp ủy thuộc
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương xác định: Một số nơi, một số đơn vị thời
gian qua có cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý suy thoái về đạo đức lối sống, vi
phạm pháp luật. Một số người đứng đầu doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, yếu kém về
năng lực, độc đoán chuyên quyền, làm thất thoát tài sản, vi phạm pháp luật hoặc
coi nhẹ công tác đảng. Một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ được
phân tích làm rõ: Các quy định về công tác cán bộ còn thiếu, chưa đồng bộ. Công
tác quản lý cán bộ chưa chặt chẽ, thiếu toàn diện, còn để một số lãnh đạo chủ
chốt vi phạm pháp luật Nhà nước và các quy định của Đảng. Việc đánh giá cán bộ
vẫn là khâu yếu, tình trạng hụt hẫng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi,
doanh nghiệp, đơn vị còn kéo dài…
Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết quá trình kiểm
điểm tự phê bình và phê bình của tập thể cấp ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở đã
trực tiếp đề cập đến các nội dung đang từng ngày diễn ra ở cơ sở như: Công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương,
nghị quyết của Đảng, về đạo đức, lối sống, về lãnh đạo công tác cán bộ, xử lý
cán bộ đảng viên sai phạm, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; quản lý đất
đai, quản lý rừng. Qua kiểm điểm, các đảng ủy cơ sở đã làm rõ một số khuyết điểm
như: Công tác giáo dục ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa sâu, hiệu quả tuyên
truyền còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức chưa toàn
diện, vẫn còn trường hợp vi phạm kỷ luật. Một bộ phận cán bộ, công chức có biểu
hiện ngại khó, ngại khổ. Công tác xây dựng tổ chức đảng chưa được quan tâm đúng
mức. Trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở chưa đồng đều. Việc luân chuyển cán bộ chưa
thường xuyên… Qua kiểm điểm, 1 tập thể và 1 cá nhân đã nhận hình thức kỷ luật
khiển trách, 11 trường hợp đang tiếp tục xác minh làm rõ để có biện pháp xử lý.
Kết quả kiểm điểm chi bộ thuộc đảng bộ cơ sở và đảng viên đã có 21 đảng viên vi
phạm bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo và một đảng viên đang tiến
hành kiểm tra, xác minh để xử lý. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tây Ninh, qua kiểm
điểm cá nhân, nhiều đồng chí thừa nhận bản thân trong công tác và sinh hoạt còn
nể nang, né tránh, “ dĩ hòa vi quý”, “ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không
dám đấu tranh”, ngại va chạm, chưa làm tròn bổn phận, chức trách được giao…
Kết quả qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nhận
diện rõ hơn, sâu sắc hơn tình trạng và những biểu hiện suy thoái về chính trị,
đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Qua kiểm điểm, một số đảng viên bị
thi hành kỷ luật, nhiều người đã thừa nhận bản thân có khuyết điểm. Năm 2012,
Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 6 cá nhân và 1 tổ chức Đảng. Ủy ban Kiểm tra
Trung ương đã thi hành kỷ luật 8 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các địa
phương, đơn vị đã thi hành kỷ luật 15.913 đảng viên.
* Tập trung giải quyết
những vấn đề nổi cộm, bức xúc
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã khắc phục khuyết
điểm, tập trung triển khai ngay các giải pháp kiên quyết xử lý những vấn đề nổi
cộm, bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tại Tây Ninh, nhiều cấp ủy đảng
đã chỉ ra được những tồn tại, khuyết điểm kết hợp triển khai các giải pháp có
tính phòng ngừa vi phạm: Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thu hồi
các dự án treo, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng họp
trực tuyến, dành thời gian đi cơ sở. Các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành kiên
quyết xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến xây dựng cơ bản… Nhiều địa
phương, đơn vị ban hành quy định tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn
minh trong việc cưới việc tang, không uống rượu bia trong giờ làm việc, tổ chức
các cuộc thanh tra công vụ để chấn chỉnh giờ giấc làm việc của cán bộ công chức,
phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại Đảng bộ
tỉnh Ninh Thuận, các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế,
khuyết điểm sau kiểm điểm bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Tỉnh ủy điều
động, phân công 13 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong nội bộ các
sở, ngành; luân chuyển 3 cán bộ trẻ từ tỉnh xuống huyện để tăng cường công tác
lãnh đạo, chỉ đạo và rèn luyện cán bộ. Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo khắc phục hạn
chế, khuyết điểm trong công tác giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng cơ bản;
công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; các dự án gây ô
nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
về thủ tục hành chính, đất đai, tiếp cận nguồn vốn… Công tác quy hoạch cán bộ
nhiệm kỳ 2015-2020 được tập trung thực hiện. Tỉnh đã thực hiện xong các bước quy
trình quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt
của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Hai năm qua, Ninh Thuận đã thu hút được 130 sinh
viên, cán bộ khoa học trẻ có trình độ về địa phương công tác, tuyển dụng 43 trí
thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại các xã thuộc huyện Bác Ái
theo chương trình 30a.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã
xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm
điểm với 4 nhóm giải pháp chung và 18 giải pháp cụ thể. Ban Thường vụ Đảng ủy
Khối đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tư tưởng, nắm sát diễn biến tư tưởng của cán
bộ, công nhân viên và người lao động để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường,
nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các sai phạm
theo quy định của Điều lệ Đảng. Ban Thường vụ Đảng ủy khối triển khai những giải
pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng có nhiều
giải pháp ứng phó với khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm các cân đối
lớn của nền kinh tế, tích cực tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ
mô, bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện được vai trò là lực lượng chủ đạo giúp
Đảng, Nhà nước điều tiết nền kinh tế. Khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong
công tác cán bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối triển khai các Kết luận của Bộ Chính
trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ; đã ban
hành kế hoạch về quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ khối từ nay đến năm 2015 và
nhiệm kỳ 2015-2020; hướng dẫn về công tác quy hoạch Ban chấp hành đảng bộ trực
thuộc, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các ban, đơn vị tham mưu, giúp việc
của Đảng ủy Khối. Đảng ủy Khối đã ban hành các quy định về công tác cán bộ (tiêu
chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp ban, đơn vị tham mưu giúp việc
Đảng ủy Khối, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, Quy định về việc thôi giữ chức vụ,
miễn nhiệm, từ chức của cán bộ; sửa đổi quy định tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ;
kiện toàn cấp ủy, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý các tập đoàn,
tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trực thuộc. Nhiều cấp ủy đã chỉ đạo rà soát lại,
bãi bỏ những quy định, quy chế không còn phù hợp, xây dựng mới, ban hành đồng bộ
quy chế, quy định mới để đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, ngăn chặn hành
vi lợi dụng sơ hở trong quản lý để vun vén cá nhân, thu lợi bất chính..
Quá
trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhất là chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm
tự phê bình và phê bình đã tạo được một số chuyển biến tích cực siết lại kỷ
luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh, góp phần ngăn chặn các
hành vi tiêu cực. Đội ngũ cán bộ các cấp có điều kiện hiểu biết, học hỏi lẫn
nhau, nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo thực
tiễn, đổi mới lề lối làm việc, nghiêm khắc hơn với mình, giữ gìn đạo đức lối
sống; bước đầu có tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt
động của mình trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, vợ con
và người thân.
Thực tiễn tại các Đảng bộ cho thấy, trong bối cảnh có nhiều
khó khăn thách thức, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây
dựng Đảng được tiến hành nghiêm túc, bài bản, đã góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ
phát triển kinh tế- xã hội, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã tạo chuyển biến bước đầu
tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Qua đây, các cấp ủy Đảng từ Trung ương
đến cơ sở có thêm kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây
dựng Đảng nói chung và chỉ đạo việc kiểm điểm tự phê bình và phê
bình nói riêng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng,
sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội./.
Hương Thủy- Ngọc
Thảo (TTXVN)