Thứ Năm, 21/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 16/10/2023 16:17'(GMT+7)

Nghĩa Lộ đi lên từ các giá trị văn hóa truyền thống

Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023.

Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023.

MIỀN ĐẤT DI SẢN

Với diện tích tự nhiên 107,78 km2, dân số hơn 74.000 người (77% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 52%), Nghĩa Lộ là cái nôi của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, là “nguồn cội” của nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng của cư dân vùng miền núi Tây Bắc,.. Trong “dòng chảy chung” của nhịp sống hiện đại, mỗi cộng đồng người Thái, Kinh, Tày, Mường... nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn được những bản sắc của dân tộc mình.

Nói đến Nghĩa Lộ là nói đến Mường Lò - một trong những cái nôi phát tích của người Thái cổ, nơi có cánh đồng lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Dòng chảy lịch sử đã sản sinh, bồi tụ, lưu truyền, hòa quyện bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, tạo nên một vùng văn hóa Mường Lò đa sắc màu, độc đáo, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Nói đến Mường Lò là nói đến xứ sở của nhiều lễ hội, nhiều loại hình văn hóa với những sắc thái riêng biệt, trong đó nổi tiếng là Xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh năm 2021.


Màn đại xòe của người Thái - Mường Lò, Nghĩa Lộ

Với nhiều tiềm năng về kinh tế, văn hóa, Nghĩa Lộ đang được kỳ vọng sẽ trở thành “trái tim thứ 2” của tỉnh Yên Bái. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác bảo tồn các giá trị văn hoá đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn, thị xã đã tích cực phát huy các thế mạnh vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Đồng chí Đỗ Thị Thanh Nga, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ cho biết, cấp ủy, chính quyền thị xã luôn xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc anh em trên địa bàn là nền tảng, nhân tố quan trọng để xây dựng và phát triển quê hương Nghĩa Lộ, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Trong đó, trọng tâm là khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch và xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch.


Phần lớn học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đều rất hào hứng học hỏi, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Theo đó, từ nhiều năm nay, cùng với Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên, thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực triển khai mở các lớp truyền dạy Xòe Thái thông qua mạng lưới bảo tồn, các nghệ nhân, những người am hiểu về Xòe Thái; thành lập các đội văn nghệ nòng cốt, các đội văn nghệ dân gian để duy trì hoạt động Xòe Thái trong cộng đồng, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa, những lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống như: Lễ hội Xên đông, Rằm tháng Giêng, lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò...

Đặc biệt, Phòng Giáo dục thị xã triển khai đưa nghệ thuật Xòe Thái vào nhiều hoạt động trong hệ thống trường học. Cụ thể là các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tổ chức múa Xòe trong giải lao giữa giờ, đưa nghệ thuật xòe Thái vào phát triển xây dựng trường học thân thiện, trường học hạnh phúc, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm…


Trong tương lai, Nghĩa Lộ - Mường Lò hứa hẹn có một thế hệ nghệ nhân mới với nhiều đam mê, hiểu biết sâu về văn hóa dân tộc mình.

Ngoài ra, các giá trị văn hóa và lễ hội độc đáo khác như: Hội Hạn Khuống (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017), tục Đâm Đuống, múa Mỡi, thờ thần Đất, Thành hoàng làng... cũng được duy trì, trở thành nét đẹp trong văn hóa cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn. Công tác bảo tồn, phục dựng và duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống tại cơ sở đã tạo nên bức tranh văn hóa sinh động, đa sắc màu dân tộc như: Lễ hội Rằm tháng Giêng, Tết Xíp xí, lễ hội Xên bản, Xên mường, lễ hội Xên Đông, Hội Hạn khuống, Lễ hội Khai Hạ...

Danh thơm lan tỏa, Nghĩa Lộ dần trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Chỉ riêng tháng 9/2023, Nghĩa Lộ đón 63.800 lượt khách, nâng tổng số khách đến với thị xã từ đầu năm lên gần 259.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 235 tỷ đồng. Bình quân hàng năm Nghĩa Lộ đón 30% du khách đến Yên Bái.

Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023 ảnh 3
Tay trong tay vòng xòe.

Mặc dù kết quả đạt được chưa như mong muốn, nhưng có thể khẳng định, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong chuỗi  giá trị, tiềm năng của địa phương đã và đang tạo ra những tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghĩa Lộ kiên định với mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững. 

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, lễ hội cùng với dân ca, dân vũ và nhiều loại hình văn hóa đặc trưng khác đã tạo nên sức hấp dẫn và “thương hiệu” riêng có của Mường Lò - Nghĩa Lộ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với đất và người nơi đây.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN ĐỂ KHƠI DẬY LÒNG TỰ HÀO ĐỐI VỚI DI SẢN VĂN HÓA

Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” xác định: Bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

Phát biểu tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực; tiếp tục nhân rộng các mô hình, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Với vai trò là trung tâm của khu vực miền Tây Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ đã sớm khai thác những di sản văn hóa để phát triển du lịch, bước đầu xây dựng được sản phẩm du lịch cộng đồng mang thương hiệu, đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái và dân tộc Mường.

Đồng chí Lê Trí Hà, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết, cấp ủy, chính quyền thị xã quyết tâm thực hiện thành công Đề án “Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025”.


Thung lũng Mường Lò.

Nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả các định hướng, mục tiêu đã đề ra, đồng thời đưa chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái vào cuộc sống, đồng chí Lê Trí Hà nêu ra 7 giải pháp cơ bản được cấp ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ xác định:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thị xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. Khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc đối với di sản văn hóa tốt đẹp của cộng đồng mình.

Hai là, gắn liền nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch để tạo ra những mô hình du lịch đặc trưng, bản sắc và riêng có. Tập trung nguồn lực xây dựng các bản văn hóa truyền thống gắn với xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng hiện có. Chú trọng giữ gìn tập tục truyền thống tốt đẹp, kiến trúc nhà ở đặc trưng, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, lối sống cộng đồng; khôi phục nghề truyền thống như: Nghề dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, làm đệm, chế tác nhạc cụ dân tộc… Lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch; lấy người dân làm chủ thể và cũng là động lực, là mục tiêu để phát triển thị xã văn hóa - du lịch.

Ba là, quan tâm thực hiện truyền dạy và thực hành các giá trị văn hóa truyền thống trong các trường học, bậc học, trong cộng đồng dân cư tại địa phương thông qua các đội văn nghệ quần chúng, các Hội bảo tồn tri thức bản địa. Tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực trình diễn văn hóa dân gian để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa.


Mùa lúa chín.

Tiếp tục thực hiện một số đề án, dự án nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng một số giá trị văn hoá đặc thù của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Triển khai việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể quốc tế và quốc gia là Nghệ thuật xòe Thái và Hội Hạn Khuống. Tiếp tục đề nghị ghi danh một số giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc ở Mường Lò vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khôi phục các nghề truyền thống như: Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái, Mường, đan lát thủ công, làm đệm, chế tác nhạc cụ dân tộc… Đồng thời khuyến khích mở rộng sản xuất, tìm đầu ra cho nghề truyền thống theo tiêu chí phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung xây dựng các phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống văn minh nơi công cộng, văn hóa giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp... Vận động xây dựng các mô hình “Khu dân cư hạnh phúc”, trong đó, các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng là những mô hình tiên phong, kiểu mẫu của thị xã. Từ đó, lan tỏa những nét đẹp của văn hóa truyền thống và đời sống mới trong cộng đồng dân cư và từ người dân đến với du khách.

20230210-duy4.jpg
Mường Lò - miền đất di sản.

Năm là, phát huy, sử dụng các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc để phát triển du lịch, đặc biệt là văn hóa các dân tộc Thái, Mường. Tiếp tục tổ chức thành chuỗi các hoạt động lớn như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò dịp tháng Chín hằng năm; Hội thi "Lung linh vòng Xòe" dịp 30/4 hằng năm; Triển lãm văn hóa các dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá các bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc, địa phương đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước...

Tập trung xây dựng “Con người văn hóa” và “Cộng đồng làm du lịch” để phát huy vai trò của mỗi công dân thị xã và của cả cộng đồng trong mục tiêu phát triển du lịch và văn hóa du lịch của thị xã. Góp phần xây dựng hình ảnh con người Nghĩa Lộ - Mường Lò “Thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, hội nhập" trong thời đại mới.

Sáu là, tập trung đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa ở cơ sở; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, liên kết trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tốt đẹp các dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ cho sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Màn diễu diễn đường phố của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Màn diễu diễn đường phố của đồng bào các dân tộc tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023.

Bảy là, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch gắn với số hóa dữ liệu văn hóa và tăng cường quảng bá, giới thiệu về văn hóa, du lịch thị xã Nghĩa Lộ trên không gian Internet, trong đó tập trung vào: Số hóa các dữ liệu về văn hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc văn hóa vật thể, nhất là số hóa 6 điệu xòe cổ, các kiến trúc nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt, chữ viết,  tập quán xã hội, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Nghĩa Lộ đang chuyển mình trở thành điểm đến hấp dẫn, giàu bản sắc, thực hiện phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”./.

DUY HƯNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất