Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 1/7/2012 0:54'(GMT+7)

Cần một nền giáo dục thực học và thực nghề

 
 

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng

“Vì lấy tỷ lệ tốt nghiệp làm tiêu chí thi đua”

- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp là 97,63%. Giáo sư, đánh giá về “thành tích” này như thế nào?

- Chắc chắn đây là số “ảo” rồi. Bằng chứng là sau kỳ thi "phao" vẫn trắng sân trường. Các trường còn nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa mà kết quả không thua kém bao nhiêu so với ở các thành phố thì ai có thể tin được? Nhiều nguồn thông tin còn nêu đích danh có trường trước đây không lâu có tỷ lệ tốt nghiệp 0% nay bứt phá ngay lên 100%. 

-  Theo Giáo sư, tại sao lại có con số “ảo” về chất lượng học tập của học sinh như hiện nay?

- Khởi nguồn phát sinh con số "ảo" này là do học sinh chưa quan niệm được việc học là cho mình chứ không phải học để thi. Thầy cô giáo quá dễ dàng, không dám cho lưu ban các học sinh không đủ trình độ yêu cầu. Học sinh phần lớn chỉ tập trung học 3-4 môn sẽ dự định thi cao đẳng, đại học còn  các môn khác đợi khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT mới sờ đến sách vở để học. Thời gian gấp rút như thế thì làm sao mà học kịp. Đành phải cầu cứu đến "phao" thôi! Bên cạnh đó, các kỳ thi thực hiện không nghiêm túc. Dù mỗi phòng thi có hai giám thị nhưng tôi cho rằng nếu làm tròn trách nhiệm thì đố em nào có thể quay cóp, mở "phao" hay dùng điện thoại nhắn tin... Đồng thời, các thầy cô giáo chấm thi quan niệm không đúng, thấy các em giỏi các môn "chính" nếu hỏng thi môn "phụ" thì tiếc quá, thế là nâng điểm một cách tùy tiện. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là các tỉnh, các trường và cả cấp Bộ nữa coi kết quả thi là thành tích. Nhiều nơi muốn giữ thương hiệu để không ảnh hưởng đến tuyển sinh (!), nhiều cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương cũng mắc bệnh thành tích và ép các trường không để tỷ lệ tốt nghiệp thấp...

Cần nhìn lại “Hai không”

- Thưa Giáo sư, việc hai học sinh quay clip không bị xử lí vi phạm quy chế thi và đỗ tốt nghiệp bình thường, đó có phải là một tín hiệu vui mừng có tính chất động viên, khuyến khích những người dám đứng lên phanh phui, chống lại tiêu cực?

- Những kỷ luật đã được công bố vừa thỏa đáng, vừa không thỏa đáng. Thỏa đáng vì những hành động sai quy chế, vi phạm đạo đức làm thầy, làm  học sinh đã bị xử phạt. Còn không thỏa đáng là vì như tôi đã nói chuyện gian lận thi cử đâu chỉ có ở Đồi Ngô! Vậy tại sao không xử lý những sai trái tương tự ở rất nhiều nơi khác.

Còn nói các em phạm quy chế cũng chưa đúng. Bút camera chỉ có tác dụng thu chứ không có tác dụng phát, vì vậy không giúp ích được gì cho việc làm bài thi của các em ấy. Tuy nhiên việc tung video clip lên mạng thật ra cũng không hay ho gì, nhưng còn cách nào khác để phản ánh rõ rệt được thực trạng quá lộn xộn trong thi cử ở không ít nơi hiện nay. Các em làm việc này theo sự điều khiển của người lớn, trong đó có trách nhiệm của "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT chưa làm cho thầy Khoa thỏa mãn trước các bức xúc của thầy về các tiêu cực trong thi cử. Tôi tin việc làm của thầy xuất phát từ những bức xúc có thật chứ không phải muốn làm "người đốt đền" để được nổi tiếng.

- Sau sự việc Đồi Ngô, theo ông Bộ GD&ĐT nên làm những gì để lấy lại “uy tín, danh dự” của ngành?

- Thi cử gian lận chả đem lại lợi ích gì vì dù sao cũng không vượt được vũ môn khi muốn thi vào các trường đại học có uy tín hoặc muốn đi du học. Còn thi vào các trường kém chất lượng thì sau khi tốt nghiệp cũng rất khó xin được công việc làm thỏa đáng. Chuyện kỷ luật các giám thị và phụ trách coi thi ở Đồi Ngô giúp gióng lên hồi chuông báo động để toàn ngành nghiêm túc đánh giá lại kết quả thực tế của việc hưởng ứng phong trào "Hai không". Nhân dân sẽ song hành cùng với Bộ trong việc quyết tâm chấn hưng giáo dục. Các Hội khoa học chuyên ngành cũng sẵn sàng hợp tác với Bộ trong việc nhanh chóng rà soát lại chương trình từng môn học (sao lại phải chờ đến mãi tận năm 2015). Khi đã có một chương trình chuẩn thì việc biên soạn và phát hành các bộ sách giáo khoa chỉ còn là công việc có tính cạnh tranh về chất lượng của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản (như rất  nhiều nước khác). Nhà nước đâu cần chi rất  nhiều tiền cho việc này như dự án vừa qua. Việc lựa chọn bộ sách nào là hoàn toàn phụ thuộc vào thầy, trò và phụ huynh học sinh. Tinh thần dạy người phải đi kèm với dạy chữ. Có thế mới mong chất lượng giáo dục đi lên, lòng trung thực, học thực, thi thực mới trở thành ý thức trong các thế hệ được.

- Theo giáo sư có thuốc đặc trị nào dành cho căn bệnh trầm kha là thành tích của ngành giáo dục không?

- Đó là xác định lại cho đúng mục tiêu giáo dục đúng như tinh thần của Luật Giáo dục. Cần làm ngay những việc có thể làm ngay: Xem xét lại nội dung chương trình và sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Hỗ trợ về đời sống cho giáo viên các cấp, tổ chức nghiêm túc kỷ luật giảng dạy (tránh dạy thêm  tràn lan, nhất là dạy ngay chính học sinh của mình với thủ đoạn chỉ giảng các phần quan trọng trong lớp dạy thêm). Tổ chức kiểm tra nghiêm túc và thường xuyên để có những học bạ đúng với thực lực của từng học sinh, chuyển kỳ thi cuối cấp về cho từng Trường THPT với sự giám sát chặt chẽ, nghiêm túc của các Sở GD&ĐT. Không coi tỷ lệ tốt nghiệp là chỉ tiêu thi đua hoặc để đánh giá giáo viên...

Không hề khó để có kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc

- Việc tổ chức một kỳ thi vô cùng tốn kém, trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa phát huy được vai trò là đánh giá và phân loại chất lượng học sinh , theo giáo sư có nên tổ chức kỳ thi này không?

- Nếu bỏ ra biết bao nhiêu công sức, tiền bạc, trí tuệ, thời gian... chỉ để nghe báo cáo “thành tích” thì tổ chức kỳ thi này còn có ý nghĩa gì nữa? Nhưng nếu không thi thì học sinh sẽ không chịu học và khi đó giáo viên còn hứng thú gì để giảng dạy nữa. Tôi cho rằng nên chấn hưng toàn bộ sự nghiệp giáo dục theo định hướng thực học, thực nghiệp. Khi đó ta sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên để biết rõ thực lực của từng học sinh và mạnh dạn cho lưu ban với các học sinh vừa kém, vừa lười biếng, kể cả học sinh các lớp cuối cấp. Tôi không hiểu nổi tại sao học sinh lớp 12 không được lưu ban mà chỉ có thể đợi năm sau dự thi với cương vị "thí sinh tự do". Nên học tập nhiều nước phát triển: Quyết định cho học sinh học lên hay chuyển sang học nghề căn cứ vào học bạ. Tất nhiên phải là các học bạ trung thực và đây là trách nhiệm và lương tâm của từng thầy giáo, từng nhà trường. Nên mở rộng hệ thống dạy nghề để đào tạo các công nhân lành nghề phục vụ cho các khu công nghiệp.

- Có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, vậy thì chúng ta nên tổ chức như thế nào?

- Theo tôi việc tổ chức một kỳ thi nghiêm túc cũng đâu quá khó khăn. Nếu chúng ta quyết tâm chống bệnh thành tích, nếu học sinh thi trượt được quyền lưu ban hoặc được học các trường dạy nghề có chất lượng cao (dễ dàng có việc làm thỏa đáng), nếu giáo viên bỏ quan niệm "thương" học sinh một cách không chính đáng thì chỉ cần hai giám thị làm việc nghiêm túc trong mỗi phòng thi (học sinh đủ điều kiện ngồi cách xa nhau) thì tôi cho rằng học sinh có mang "phao" vào phòng thi cũng không có cách nào lọt được qua mắt giám thị. Chỉ còn lại khâu chấm thi nghiêm túc theo thang điểm rất cụ thể của Bộ và chịu trách nhiệm nếu chấm phúc khảo thấy cố tình chấm sai. Tôi thiết nghĩ tất cả những chuyện này đâu có quá khó nếu như toàn ngành giáo dục có quyết tâm thực hiện. Xã hội luôn ủng hộ và mong chờ những quyết tâm từ Bộ GD&ĐT.

Vũ Dung thực hiện

Nguồn: QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất