Phát biểu tại buổi Lễ, bày tỏ vinh dự khi Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, hiện thành phố đang chỉ đạo các ngành chức năng triển khai lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích gắn với phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ.
Hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, xây dựng các quy định, quy chế, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức kiểm tra, giám sát, giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử-văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật và cảnh quan môi trường.
Thành phố xây dựng phương án khai thác du lịch-văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác và các tỉnh lân cận, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng địa phương cũng như du khách, cùng chung tay bảo vệ, phát huy bền vững các giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn…
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy tối đa giá trị di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đề nghị, thành phố Đà Nẵng sớm lập quy hoạch tổng thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn, gắn với phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương cũng như trong khu vực; quan tâm tu bổ các yếu tố gốc tại di tích; thiết lập không gian trưng bày các sản phẩm làng nghề đá Non Nước để quảng bá rộng rãi tới thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cần liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực để đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng ngày càng lớn.
Ngũ Hành Sơn, tên thường gọi là Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Danh xưng này có từ năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là Kim Sơn-Mộc Sơn-Thủy Sơn-Hỏa Sơn-Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có hai ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Tuy nhiên, người dân địa phương còn gọi cụm núi này với những cái tên như: hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay-vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có năm ngón cắm xuống đất).
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm về phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1980. Nhận thức được giá trị quan trọng của di tích, để có cơ sở pháp lý vững chắc, quản lý, bảo vệ di tích kết hợp phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững ở địa phương, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn xây dựng hồ sơ khoa học báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Danh thắng này.
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố./.
Theo TTXVN