Năm 1987, anh bộ đội pháo binh Lò Minh Phiệng
phục viên về quê. Bố mẹ già yếu, đời sống anh em, họ hàng, bà con trong
bản, trong xã đều khó khăn. Điều làm anh Phiệng day dứt: Làm gì để
thoát đói nghèo? Người đảng viên từ quân ngũ trở về địa phương đã được
giao trọng trách làm Phó Trưởng Công an xã, sau đó Trưởng Công an xã,
Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Đảng ủy xã Mường Giôn.
Bắt đầu phát triển kinh tế, vốn liếng chỉ có hai con bò, nay gia đình
anh Phiệng có hơn 270 con trâu, bò; 50 con dê; 10 ha rừng. Anh còn đầu
tư hai máy ủi, một máy xúc, một ô-tô, tổng giá trị tài sản nhiều tỷ
đồng. Sau mấy chục năm lăn lộn làm ăn, anh Phiệng rút ra công thức: “Ở
Mường Giôn, chỉ trồng rừng, gắn với chăn nuôi gia súc mới giàu được!”.
Anh tâm sự : “Mình giàu mà bà con khổ thì giàu như thế chẳng vui, mình
có ăn mà bà con đói thì xấu hổ, thế thì làm cán bộ làm gì!”. Được tỉnh,
huyện khuyến khích, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, anh đứng ra
thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng rừng, ban đầu có gần 20 thành viên. Anh
Phiệng cho biết: “Hiện toàn xã có 800 ha rừng thông với đường kính
trung bình 30 cm, đối tác đề nghị trả 80 nghìn đồng/cây để thu hoạch
nhựa thông. Riêng tiền khai thác nhựa, mỗi ha rừng thông cũng có 200
triệu đồng. Năm 2015, HTX xã Mường Giôn tự bỏ vốn 3,3 tỷ đồng trồng
thêm 600 ha rừng cây xoan đào, thông mã vĩ. Những năm tới sẽ phủ xanh
tiếp 975 ha rừng kinh tế, lúc ấy đến Mường Giôn chỉ toàn mầu xanh...”.
Mười năm qua, Bí thư Đảng ủy xã Lò Minh Phiệng cùng tập thể lãnh đạo
xã Mường Giôn thực hiện tốt công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn
La, tiếp nhận gần 400 hộ dân về cùng sinh sống làm ăn. Mô hình trồng
rừng, gắn với chăn nuôi gia súc đang là con đường giúp bà con ở đây
thoát nghèo bền vững. Công cuộc đổi mới hôm nay rất cần những người dám
nghĩ, dám làm, hết lòng vì dân như Bí thư Đảng ủy xã Mường Giôn Lò
Minh Phiệng.