(TG) - Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc hành chính”, thời gian qua, các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực để xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn nhiều “hạt sạn” cần phải tiếp tục “đãi” bỏ hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày một tốt hơn.
Năm 2021 là năm thứ 8 liên tiếp Tuyên Quang vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với vị trí 29/63 tỉnh, thành phố với điểm chỉ số tăng từ 63,46 năm 2020 lên 64,76 năm 2021. Chỉ số CCHC (PARINDEX) của tỉnh Tuyên Quang đạt 86,57%, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,76%, tăng 1 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS) đạt 86,27%, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 4,02% và tăng 7 bậc so với năm 2020.
Kết quả này cũng phản ánh rõ thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC. Cụ thể như: UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh để chủ động chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC; tổ chức tự chấm điểm xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh; xác định rõ từng tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm, chưa đạt điểm tối đa, từ đó có giải pháp khắc phục. Cùng với đó UBND tỉnh đã tăng cường kiểm tra công tác CCHC tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế...
Trong cải cách TTHC, ở cấp tỉnh Trung tâm Phục vụ hành chính công là đầu mối tập trung của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh bố trí cán bộ, công chức, viên chức đến để thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC cho cá nhân, tổ chức. Ở cấp xã, tất cả trụ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh kể cả các xã vùng sâu, vùng xa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, có kết nối Internet, sử dụng các phần mềm quản lý, tích hợp hệ thống đáp ứng yêu cầu cho người dân đến giao dịch. Đội ngũ cán bộ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp xã luôn được kiện toàn có năng lực, trình độ, đảm bảo đủ cơ cấu theo chức danh quy định, do đồng chí Chủ tịch UBND phụ trách. Hệ thống Một cửa điện tử cấp xã được tích hợp Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, TTHC của chính quyền cấp xã được tiếp nhận, giải quyết công khai trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh.
Tuy nhiên, nhiều chỉ số thành phần trong bộ Chỉ số CCHC cho thấy CCHC của tỉnh còn nhiều hạn chế. Trong đó Chỉ số cải cách TTHC của tỉnh giảm 33 bậc (từ vị trí thứ 25 xuống thứ 58). Báo cáo cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân cơ bản mà điểm chỉ số này tụt bậc như: thiếu công khai TTHC; tiến độ, kết quả thực hiện TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ; còn có hồ sơ chưa giải quyết đúng hạn...
Mặc dù báo cáo kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ đúng hạn, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng kết quả thống kê trên hệ thống thông tin một cửa điện tử chưa thật sự phản ánh đúng tình hình thực tế.
Theo kết quả điều tra Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS), có 71,32% người dân, người đại diện tổ chức được hỏi có câu trả lời phải đi lại 2 lần để giải quyết công việc liên quan đến TTHC; 6,23% trả lời phải đi lại 3 lần; 3,74% trả lời phải đi lại 4 lần; 52,37% mong muốn tiếp tục đơn giản hóa TTHC; 54,36% mong muốn rút ngắn thời gian giải quyết TTHC...
Chị Hoàng Thị Thanh, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) phản ánh việc đi làm thủ tục chứng thực hồ sơ tại một số phường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang để giải quyết nhưng kết quả chạy vòng thành phố mất cả buổi chiều mà không xong. Chị Thanh chia sẻ, đến phường nào, cán bộ Bộ phận Một cửa đều tiếp nhận hồ sơ nhưng đều phải bảo đợi vì lãnh đạo phường bận nên chưa thể có được chữ ký. Vì việc vội nên chạy sang phường khác cũng phải đợi như vậy.
Ông Nguyễn Văn Toại, phường Hưng Thành chia sẻ, mình đi giải quyết TTHC, hồ sơ TTHC về đất đai được cán bộ Bộ phận tiếp nhận những tưởng sẽ đúng hẹn nhưng mấy ngày được cán bộ gọi là thiếu Căn cước công dân. Vậy là phải đi làm Căn cước công dân nhưng Chứng minh thư cũ và giấy khai sinh bị mất từ lâu nên phải làm giấy xác minh ở quê tận miền Trung. Đến nay thì mọi việc bế tắc không thể giải quyết và mảnh đất của ông Toại đang sinh sống cũng không thể hợp pháp hóa để làm thủ tục chuyển nhượng.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CCHC, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, những vấn đề còn hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính, nguyên nhân chủ quan là cơ bản, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, coi nhẹ việc quản lý, giám sát. CCHC phải đặt ra mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, hạn chế tối đa việc đi lại cho người dân. Để cho người dân phải đi lại nhiều lần giải quyết TTHC là trách nhiệm của chính cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu các sở, ngành, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thay đổi Chỉ số CCHC.
Để tiếp tục cải thiện Chỉ số CCHC trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đặt ra các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, rõ ràng. Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện ngay việc công khai TTHC trên cổng dịch vụ công. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính; báo cáo trung thực kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tất cả hồ sơ phải được cập nhật trên phần mềm một cửa điện tử, không để xảy ra trường hợp hồ sơ giải quyết đúng hạn thì cập nhật, hồ sơ giải quyết trễ hạn thì không./.
Thanh Phúc