Đến hẹn lại lên, từ sáng sớm mùng 4 Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ, đông
đảo người dân Phong Hiền lại "trống giong, cờ mở," tề tựu đông đủ trước
đình làng tưng bừng mở hội đu tiên.
Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của các vùng quê thuộc huyện
Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong những ngày đầu Xuân năm mới.
Có mặt ở lễ hội từ rất sớm, ông Hồ Văn Nam giải thích mở đầu từ mùng 4,
kéo dài đến mùng 10 Tết, trong mấy ngày liền, lễ hội đu tiên Phong Hiền
trở thành một trong những trò chơi phổ biến tại địa phương, thu hút đông
đảo người dân trong vùng đến tham gia.
Trong dân gian, có rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau, nhưng
ở Phong Hiền phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, mà mọi người vẫn
quen gọi là đu tiên, tức từng cặp (một nam, một nữ) thanh niên cùng lên
đu so tài.
Lúc cao hứng, ông Nam còn ngân nga: "Nhún mình như thể nhún đu/Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm."
Giá đu được chọn làm từ những cây tre già và thẳng, chọn khắp trong
vùng. Bên cạnh cây đu, người ta trồng một cây cột và treo một chiếc khăn
hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu.
Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn hồng ở chiếc cột kia, mới được coi là thắng cuộc.
Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, từng cặp đôi phải tạo đà cùng lúc để đu bay càng cao càng tốt.
Đến với lễ hội năm nay, lần lượt các cặp đu biểu diễn những điệu đu rất
đẹp, bay bổng. Khi cây đu đưa người chơi lên cao, xa mặt đất, sẽ tạo cảm
giác như bay trong không trung, đang đến gần cõi tiên.
Theo các vị cao niên trong làng, thắng thua đối với hội đu tiên không quan trọng bằng việc tạo không khí vui Xuân đầu năm.
Vì thế, đu tiên Phong Hiền thường thu hút hàng vạn người dân trong vùng
và lân cận đến cùng tham gia, cổ vũ; không chỉ ở lứa tuổi thanh niên,
thiếu niên mà còn có cả người lớn tuổi cũng đến chung vui, bắt thành
từng cặp để đu tiên.
Ngoài hội đu tiên ở Phong Hiền, vào dịp Tết ở Thừa Thiên-Huế còn có lễ
hội đu tiên ở Điền Hòa, đây không chỉ là món ăn tinh thần của người dân
trong những ngày đầu xuân năm mới, mà còn là hoạt động cầu mong cho mưa
thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.
Chính lẽ đó, các lễ hội đu tiên ở Thừa Thiên-Huế bao giờ cũng thu hút
đông đảo người dân và khách thập phương đến chung vui.../.
(Vietnam+)