Các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc rằng quan điểm "lấy dân làm gốc", hay nội dung "dân thụ hưởng" mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra chỉ là hình thức, là khẩu hiệu suông để hô hào, là "chiêu trò" mị dân.
Thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" chính là sự hiện thực hóa quan điểm "lấy dân làm gốc" và thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống xã hội.
Đó không
chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực của
nhân dân, là quá trình hiện thực hóa chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Sự ra đời và phát triển của chủ
trương này những năm qua đã quán triệt, thực hiện tốt, góp phần đưa quy
chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đi vào thực chất,
hiệu quả trong thực tiễn.
Với nội dung ban đầu là "Dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra", đến Đại hội XIII đã được Đảng ta bổ sung,
hoàn thiện đó là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám
sát, dân thụ hưởng" (bổ sung thêm nội dung là "dân thụ hưởng", "dân giám
sát"), cho thấy đây không chỉ là sự hoàn thiện chủ trương của Đảng
trong thực hành dân chủ, tạo cơ sở chính trị, pháp lý thuận lợi để tổ
chức thực hiện, mở rộng, tăng cường, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể
của nhân dân; mà còn khẳng định mục tiêu quan trọng cuối cùng của mọi
chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta hướng tới
chính là vì lợi ích của nhân dân.
Bất chấp thực tế đó, các thế
lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc rằng quan điểm "lấy dân
làm gốc", hay nội dung "dân thụ hưởng" mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra chỉ
là hình thức, là khẩu hiệu suông để hô hào, là "chiêu trò" mị dân.
Các
đối tượng chống phá triệt để lợi dụng một số tiêu cực, sai phạm của một
bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý để xuyên tạc rằng "đầy tớ của nhân
dân" thì có cuộc sống sung sướng, hưởng thụ, có tài sản kếch xù, và chủ
thể đích thực được thụ hưởng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có
chức có quyền, thuộc một bộ phận nhỏ của xã hội chứ không phải là toàn
thể người dân, nhất là nhân dân lao động.
Từ đó các đối tượng cố
tình phủ nhận tất cả những nỗ lực và thành quả về dân chủ và bảo đảm
quyền lực thuộc về nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang
dày công gây dựng. Không khó để nhận thấy mục đích mà các đối tượng
hướng tới là nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Cần
nhận thức rằng, quan điểm về dân chủ, thực hành dân chủ, phát huy quyền
làm chủ của nhân dân và dân chủ XHCN từ lâu không chỉ là tư tưởng mà đã
được cụ thể hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và
Nhà nước qua nhiều kỳ đại hội và đang được hiện thực hóa, phát huy hiệu
quả trong thực tiễn.
Ở mỗi kỳ đại hội, mỗi giai đoạn phát triển,
Đảng, Nhà nước ta lại có sự bổ sung, phát triển nhận thức về dân chủ
XHCN và ngày càng mở rộng dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về
nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Quan điểm của Đảng: "Nhà nước ta là
công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước
pháp quyền của dân, do dân, vì dân"(1) và "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước"(2),...
đã và đang dần được hiện thực hóa và thể hiện rõ nét qua những thành
tựu về dân chủ XHCN mà chúng ta đã đạt được qua 37 năm đổi mới đất nước.
Phát
huy tư tưởng "lấy dân làm gốc" và sự bổ sung cụm từ "dân giám sát, dân
thụ hưởng" vào phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"
tại Văn kiện XIII được xuất phát từ quá trình tổng kết thực tiễn sâu sắc
của Đảng ta và là bước phát triển mới trong nhận thức về phát huy vai
trò làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy, "dân thụ hưởng" không phải là
khẩu hiệu suông mang tính hình thức. Đó là kết quả mang tính tất yếu
trong sự phát triển nhận thức và giá trị tất yếu mà người dân được hưởng
trong nền dân chủ XHCN.
Nếu trong thời chiến, lợi ích của quốc
gia dân tộc được đặt lên trên, thì trong thời bình - trong điều kiện mới
cần phải có sự dung hòa giữa lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích Nhà
nước, cộng đồng với nhân dân. Đồng thời, khi người dân là chủ thể trực
tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vào mọi quá
trình thực hiện quyền lợi của mình thì chính người dân cũng sẽ là người
trực tiếp được thụ hưởng những thành quả, giá trị to lớn của quá trình
đó.
Thực tiễn đã chứng minh, những năm qua, nhân dân ta đã và
đang được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước trên
mọi phương diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không
ngừng được cải thiện. Với mục đích tối thượng của mọi chính sách phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý xã
hội... đều trên cơ sở vì con người, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho
con người, người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển đất
nước.
Chính vì vậy, năm 2021, chỉ số phát triển con người HDI
của Việt Nam thuộc nhóm Phát triển con người cao (đạt mức 0,703), nhất
là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Bên cạnh đó, chỉ số hạnh
phúc (Các tiêu chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ
xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng
lượng và nhận thức về tham nhũng) của nước ta cũng liên tục tăng tới 12
bậc từ vị trí 77 năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023.
Các chỉ số bất
bình đẳng giới và nghèo đa chiều cũng được cải thiện. Các chỉ số về
giáo dục, sức khỏe, mức sống, thu nhập cũng tăng lên... Đó là những con
số biết nói, cho thấy tuy Việt Nam là nước đang phát triển nhưng các chỉ
số về đời sống, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tăng lên
qua từng năm, chứng tỏ quyền, lợi ích và sự thụ hưởng của người dân Việt
Nam đã và đang được nâng lên theo hướng bền vững.
Người dân được
thụ hưởng những ưu việt từ chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo ra sự
thay đổi tích cực trong đời sống người dân. Quyền lợi của người dân đã
được đặt vào trung tâm của các quyết sách, đường lối của Đảng.
Chẳng
hạn, việc thực hiện chính sách gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh
tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; gắn kết giữa chính sách phát
triển kinh tế với chính sách phát triển xã hội, việc thực hiện tốt
chính sách an sinh xã hội, phúc lợi cho nhân dân,... làm cho đời sống
người dân, nhất là với những người yếu thế trong xã hội, người dân vùng
sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm, cải thiện, ổn định sản xuất, nâng
cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đây chính
là những quyền lợi thiết thực nhất nhờ sự phát triển kinh tế-xã hội và
môi trường chính trị xã hội an toàn, ổn định, là kết quả của việc Đảng
và Nhà nước ta không chấp nhận đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá,
không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng
kinh tế đơn thuần mà có sự kết hợp hài hòa hợp lý giữa phát triển kinh
tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội, gắn với
tiến bộ và công bằng xã hội.
Người dân cũng được thụ hưởng những
thành quả của các chủ trương, chính sách về dân chủ, mở rộng dân chủ,
phát huy dân chủ XHCN. Nhờ đó, dân chủ trong xã hội ngày càng được mở
rộng, người dân được tạo các điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện
quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích chính đáng của mình; người dân
được quyền biết, được bàn, được trực tiếp làm, được kiểm tra, giám sát,
được quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Quy chế dân chủ ở cơ
sở được phát huy rộng rãi.
Việc thụ hưởng những thành quả của sự
phát triển đất nước, của công cuộc đổi mới đất nước, của các chủ
trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước dành cho mọi giai cấp,
tầng lớp trong xã hội, chứ không phải chỉ thuộc về một giai cấp, một
nhóm xã hội đặc biệt nào như luận điệu xuyên tạc của các đối tượng chống
phá.
Thành quả của sự phát triển, đặc biệt là phát triển kinh
tế không phải chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người mà mang lại lợi
ích cho toàn thể nhân dân, có sự kết hợp hài hòa, cân bằng về lợi ích
giữa các giai cấp, tầng lớp, các nhóm xã hội, giữa cá nhân và tập thể.
Lợi ích đa dạng của nhân dân trong xã hội được thỏa mãn theo nguyên tắc
"có làm có hưởng", "làm theo năng lực, hưởng theo lao động", với điều
kiện đó là lợi ích chính đáng, chứ không phải theo cơ chế "xin-cho",
"ban phát", "lợi ích cá nhân"...
Đồng thời, dựa trên nguyên tắc
phân phối thu nhập đa dạng (theo lao động, theo phúc lợi tập thể, phúc
lợi xã hội và theo vốn, tài sản) đã bảo đảm sự phân phối thu nhập, lợi
nhuận công bằng, bình đẳng và phù hợp đối với mức độ đóng góp, cống hiến
khác nhau của từng đối tượng người lao động. Từ đó, bảo đảm sự "thụ
hưởng" công bằng, bình đẳng và phù hợp với mỗi người dân Việt Nam.
Những
kết quả mà người dân đã được "thụ hưởng" trong thực tiễn cho thấy,
phương châm "dân thụ hưởng" không còn là khẩu hiệu xa vời, hình thức,
không phải để "mị dân", xoa dịu nhân dân trước những tiêu cực của xã
hội... mà đã và đang được hiện thực hóa ngày càng rõ nét hơn.
Điều
đó càng chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng mục tiêu phát
triển vì con người, mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều thấm nhuần
tư tưởng đó. Mỗi người Việt Nam đã và đang được thụ hưởng chính những
thành quả của công cuộc đổi mới, của quá trình phát triển đất nước mang
lại với một môi trường sống hòa bình, ổn định, an toàn với mục tiêu "ai
cũng được tạo cơ hội phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau"...
Cho
dù, các thế lực phản động, thù địch có cố tình xuyên tạc sự thật, bóp
méo bản chất dân chủ XHCN thì cũng không thể phủ nhận một điều rằng,
Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn đã và đang nỗ lực để mọi người dân Việt
Nam được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp nhất của sự phát triển đất
nước, để phương châm "lấy dân làm gốc", "dân thụ hưởng" ngày càng được
hiện thực hóa sinh động, thuyết phục trong đời sống./.
TS. NGÔ THỊ NỤ (nhandan.vn)
________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.48.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.84-85.