(TG) - Nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, do vậy trong những năm qua, Ban Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo viên chức, đảng viên tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ do Chỉ thị 23 đề ra. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn gắn với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
TẬP TRUNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
Xác định công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, Trường đã tập trung triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ. Hiện nay, trường có đội ngũ 34 giảng viên, có trình độ cao cấp lý luận chính trị (LLCT) và tương đương; có 1 tiến sĩ, có 24 thạc sĩ và có 8 đang học sau Đại học. Đội ngũ viên chức, nhất là giảng viên luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, uy tín, đạo đức cao; ngoài các quy định chung giảng viên còn thực hiện 5 nội dung quy định tiêu chuẩn “Văn hóa trường Đảng” đề cao ý thức nêu gương trong mọi hoạt động theo tiêu chuẩn Trường Chính trị chuẩn của QĐ 11 của Ban bí thư Trung ương Đảng.
Với sự tham gia của 15 giảng viên thỉnh giảng có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn chuyên sâu, hiện nay, Trường đang đảm đương 110 bài của chương trình Trung cấp LLCT, 138 bài của các chương trình bồi dưỡng theo quy định 09, quy định 164 của Bộ Chính trị và các chương trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Từ 2018 đến nay, Trường đào tạo trên 50 lớp TCLLCT-HC và TCLLC; phối hợp với HVCT KV4 mở 08 lớp CCLLCT; phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị mở 73 lớp bồi dưỡng.
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU
Trong những năm qua, Nhà trường chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ viên chức. Nhờ định hướng tốt, phương châm đúng đắn, mục tiêu rõ ràng, với nhiều cách làm, mô hình hay, sáng tạo, đã đem lại những hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, học tập.
Với phương châm “Lý luận gắn thực tiễn từ bục giảng đến cuộc sống”, đã có hàng chục nghìn tiết giảng, thảo luận gắn lý thuyết với thực tế tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà và đất nước, từ đó đã “làm mềm lý luận nhưng đảm bảo lý luận là sợi chỉ đỏ dẫn đường”. Thực hiện mô hình “Lý luận gắn thực tiễn – sinh kế bền vững”; “Hoa thơm lấn cỏ dại”, Nhà trường đã góp phần xây dựng hàng chục mô hình vận hành hiệu quả trong thực tế. Bằng sự san sẻ, hỗ trợ, đồng hành vật chất, tinh thần với cuộc sống của nhân dân, Trường Chính trị đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu cách mạng, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, “gần dân sát dân” hơn.
Nhờ việc thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nhằm trao đổi, kiểm tra, thẩm định chất lượng công tác lồng ghép, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn dạy và học, đã góp phần nâng hàm lượng thực tiễn trong từng bài giảng, đề thi với mục tiêu “giảng viên và học viên vận dụng đúng, đủ thực tiễn vào nhiệm vụ chuyên môn”. Hiện có hơn 80% bài giảng, bài thi đạt yêu cầu “thực tiễn 5, lý luận 5” trong bước chuyển đổi này.
ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TRIỂN KHAI, PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU TRONG CÔNG TÁC LÝ LUẬN
Từ ban Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh tới đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường đều thống nhất nhận thức: Nghiên cứu khoa học là 1 trong 2 nhiệm vụ quan trọng của giảng viên trường Đảng. Từ đó, Nhà trường đã triển khai các biện pháp góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Với cách làm sáng tạo là tổ chức phân luồng, chia nhóm năng lực nghiên cứu thực tiễn của đội ngũ giảng viên; trên cơ sở đó, tùy nhóm, tùy năng lực mà phân công, đặt hàng, động viên, hỗ trợ để người giỏi kèm người yếu. Qua đó, vừa nâng chất lượng các công trình khoa học vừa kịp thời nắm tâm tư, tình cảm của giảng viên qua quá trình cùng nghiên cứu, cùng thẩm định những vấn đề liên quan.
Sản phẩm thu được sẽ bao gồm hai nhóm: Nhóm thực hiện nâng chất lượng giảng dạy và nhóm góp phần vào việc xây dựng cơ chế, chính sách và báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nhờ cách triển khai này, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã phát huy tinh thần “6 dám”, quyết tâm chính trị cao trong phối hợp tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ chưa có tiền lệ như: Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Biên soạn 4 chuyên đề về bài viết và tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các nghị quyết, 4 Chuyên đề cho Thường trực Tỉnh ủy báo cáo trực tiếp tại lớp Bồi dưỡng đối tượng 3; Tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp tỉnh: “Hậu Giang tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng trong tình hình mới”, với hơn 40 tham luận từ các nhà lãnh đạo, nghiên cứu có uy tín từ tỉnh đến Trung ương tham dự. Góp phần làm sáng rõ nhiều nội dung quan trọng về thực trạng, ưu điểm, hạn chế và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 35 trong thực tiễn ở tỉnh Hậu Giang; Phối hợp với Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật – chi nhánh tại Cần Thơ ra mắt mô hình “Tủ sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, với hơn 300 đầu sách và 122 quyền truy cập sách diện tử cho viên chức, đảng viên Trường Chính trị, cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Ban Tuyên giáo và Trung tâm Chính trị các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC TUYÊN TRUYỀN; TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Theo đó, tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về giá trị, những nội dung cơ bản, cốt lõi và những nội dung được Đảng ta vận dụng, phát triển mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí, truyền thông, kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền miệng và các kênh thông tin khác. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch. Đa dạng hóa hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trường Chính trị đã phối hợp với các đơn vị 35 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức bóc gỡ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Chia sẻ, lan tỏa hàng chục ngàn tin, bài, video clip trên mạng xã hội, thu hút hàng tram ngàn lược tương tác từ cộng đồng mạng.
Phối hợp tham mưu hàng chục bài báo cáo khoa học, tham luận, tọa đàm về nội dung sơ, tổng kết các văn bản lãnh đạo của Trung ương, tổng kết thực tiễn kinh tế - xã hội địa phương cho lãnh đạo tỉnh tham dự các hội nghị quan trọng trong khu vực và Trung ương.
Đặc biệt, chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng: chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và áp dụng vào đào tạo, bồi dưỡng cho 8 lớp đào tạo, bồi dưỡng và 4 lớp trung cấp LLCT, với 969 học viên.
Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thể hiện qua thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: Số lượng các tin, bài viết của giảng viên tăng qua các năm: 2018 có 127 tin, bài viết được đăng; 2021 có 265 tin, bài; 2022 có 323 tin, bài. Đặc biệt, xuất bản và phối hợp xuất bản 2 sách chuyên khảo, 1 giáo trình đào tạo, 32 bài viết trực tiếp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
|
Đảm bảo 100% bài giảng, tiết thảo luận của giảng viên; đề thi hết môn, thi tốt nghiệp, chủ đề viết khóa luận của học viên đều có liên hệ, vận dụng những giá trị khoa học bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn với trách nhiệm cá nhân với thực hiện nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh… trong xây dựng, phát triển tỉnh nhà của giảng viên, học viên và trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
*
Với tinh thần trách nhiệm cao và nhận thức rõ tính đặc thù của đội ngũ giảng viên trường Đảng, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đạt kết quả cơ bản 3 mục tiêu theo Chỉ thị 23 đề ra. Đặc biệt, trong thực hiện nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn gắn với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường đã nỗ lực thực hiện tốt cả 2 vai trò: “Tiếp đạn” và trực tiếp chiến đấu, với mục tiêu “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Trường tập trung phát động phong trào thi đua: Xây dựng Trường Chính trị chuẩn với rất nhiều tiêu chí từ nâng chất đội ngũ giảng viên, chất lượng dạy và học, chất lượng nghiên cứu khoa học… tất cả nhằm xây dựng NIỀM TIN để đủ SỨC MẠNH bảo vệ Đảng trong tình hình mới.
Huỳnh Thanh Hiếu
Trưởng khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị Tỉnh Hậu Giang