(TG) - Ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, bà con đồng bào nơi đây ví ông Soa Doanh Châu là người “giữ lửa” của buôn làng Chăm H’roi.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, người có uy tín của thôn, ông đã tích cực cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phát triển kinh tế, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền phát triển đạo Tin Lành trái pháp luật vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thôn Da Dù, ông Châu rất am hiểu phong tục tập quán và gắn bó lâu đời với bà con nơi đây. Năm 2008, ông Châu được bầu làm Bí thư chi bộ, người có uy tín của thôn Da Dù.
Có 342 hộ với 1.470 khẩu là đồng bào Chăm H’roi tại thôn Da Dù định cư lâu đời trên vùng đất xã Xuân Lãnh này. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, trồng cao su, trồng mì (sắn). Là người có uy tín của thôn Da Dù, ông Soa Doanh Châu cùng với chính quyền địa phương vận động bà con định canh, định cư, không phá rừng làm nương rẫy; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó bà con trong làng đã học hỏi kinh nghiệm, làm theo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Với uy tín của mình, ông Châu đã cùng với các đảng viên trong làng vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và lưu giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp, nhất là việc gìn giữ và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng. Người dân thôn Da Dù hiện nay biết bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Chăm H’roi.
Ông Châu chia sẻ: “Đồng bào Chăm H’roi ở thôn Da Dù trước đây có rất nhiều hủ tục lạc hậu, khi bị bệnh thường mời thầy cúng về để xua đuổi “con ma” trong bụng đi, vì vậy, tôi đã thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền, hướng dẫn cho dân làng biết khi bị bệnh phải đến Trạm xá khám bệnh, uống thuốc mới hết bệnh, không được nghe theo lời thầy cúng đuổi tà ma đi nữa;hay là việc nghi ma lai, giải quyết các vụ việc trong nội bộ đồng bào bằng tục lệ phạt vạ, bắt vạ cúng trâu (bò),tôi cũng đã vận động bà con từ bỏ”.
Trước đây, thôn Da Dù là địa bàn phức tạp về tình hình phát triển đạo Tin Lành trái pháp luật của huyện Đồng Xuân. Lợi dụng đời sống kinh tế của số đông đồng bào còn nhiều khó khăn, các đối tượng đạo Tin Lành đã gia tăng các hoạt động móc nối, lôi kéo, tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật xâm nhập vào thôn Da Dù. Để đảm bảo ANTT trong thôn, ông Châu thường xuyên theo dõi, nắm tình hình các hoạt động có liên quan đến ANTT của thôn, nhất là diễn biến hoạt động tuyên truyền phát triển đạo Tin Lành trái pháp luật. Thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt cộng đồng tại nhà Rông, ông lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của bà con trong cuộc sống để động viên tinh thần kịp thời, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho bà con hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, không tin, không nghe theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu; không truyền đạo trái pháp luật, gây rối trật tự xã hội, góp phần đảm bảo tốt an ninh, trật tự trong thôn.
Mang Bườm là một trong những người được ông Soa Doanh Châu (Ma Chỉnh) cảm hóa cho biết: “Trước đây, tôi đã nghe lời kẻ xấu tham gia vào tổ chức Tin Lành trái phép do một đối tượng lưu vong ở Mỹ cầm đầu nhằm tuyên truyền, phát triển đạo vào vùng đồng bào DTTS của xã. Nhờ sự quan tâm, gần gũi động viên, giáo dục của Ma Chỉnh, giờ đây cái bụng của tôi không còn nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu nữa,chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình”.
Không chỉ cảm hóa, giáo dục nhiều người, ông Châu cùng với chi bộ và chính quyền thôn thường xuyên mời một số điểm nhóm Tin Lành trong thôn đến nhà Rông văn hóa để tuyên truyền, vận động các tổ chức Tin Lành chấp hành đúng pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo; chấn chỉnh các hoạt động tranh giành, lôi kéo tín đồ của các hệ phái Tin Lành tại các điểm nhóm vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Nhờ đó các hoạt động lễ nghi của đạo Tin Lành trên địa bàn thôn từng bước đi vào ổn định và đúng pháp luật. Hàng năm có từ 5 - 7 hộ tự nguyện không tham gia vào nhiều hệ phái Tin Lành nữa, trở lại sinh hoạt đạo thuần túy. Đồng thời, ông Châu còn phối hợp với chính quyền địa phương củng cố Ban bảo vệ thôn xóm, Tổ tuần tra nhân dân; tổ chức thành lập 8 Tổ hòa giải ở cơ sở (mỗi tổ gồm 30 hộ) tham gia hòa giải, giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Hàng năm, ông chỉ đạo các Tổ hòa giải giải quyết ổn định từ 10 - 12 vụ mâu thuẫn trong thôn, buôn.
Ghi nhận những kết quả đạt được, hai năm liền (2002 - 2004) ông Soa Doanh Châu được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn ANTT buôn làng; năm 2014, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua trên lĩnh vực sản xuất, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng từ năm 2009 - 2014. Năm 2016, ông Soa Doanh Châu vinh dự được chọn là đại biểu tiêu biểu của tỉnh Phú Yên báo cáo tham luận tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào Chăm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2008 - 2015” tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận và được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ An ninh Tổ quốc”./.
Thu Nhàn - Võ Lum