Chiều 23/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội
dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
GIẢM GIỜ LÀM ĐỂ TÁI TẠO SỨC LAO ĐỘNG, TĂNG NĂNG SUẤT
Nêu quan điểm về việc giảm giờ làm, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí
thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tăng giờ làm không chỉ
không đem lại năng suất lao động mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của
người lao động.
Đại biểu dẫn chứng, trên thế giới hiện nay, chỉ có người lao động ở
Mexico và Hàn Quốc là làm việc 48 giờ/tuần, các nước khác đều dưới 40
giờ, thậm chí nước Đức là quốc gia có nền kinh tế lớn, năng suất lao
động cao chỉ quy định làm việc 26 giờ/tuần.
Cho rằng hiện nay, quy định làm việc 48 giờ/tuần của Việt Nam là quá
nhiều so với các quốc gia trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân
khẳng định, việc này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống
tinh thần của người lao động.
"Muốn tăng năng suất lao động, phải đầu tư vào máy móc, khoa học
công nghệ chứ không phải tăng giờ làm. Nếu nói người lao động tự nguyện
làm thêm giờ chỉ đúng một phần thôi", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn
mạnh.
Hiện nay, Việt Nam có hai nhóm lao động: Nhóm làm cho nhà nước có
thời gian làm việc ngắn hơn nhóm làm việc cho doanh nghiệp. Theo đại
biểu, điều này chỉ có tại Việt Nam, các nước trên thế giới chỉ có một
quy định chung về giờ làm việc cho tất cả các lao động.
Ông Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ việc giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần
và hướng tới xuống 40 giờ/tuần trong tương lai, vì làm thêm giờ giúp
doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập nhưng
sức khỏe giảm sút là không xứng đáng.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), hiện những người làm hành
chính, cán bộ, công chức, viên chức, làm việc 40 giờ/tuần, còn những
người lao động trực tiếp, chân lấm tay bùn, một nắng hai sương lại làm
48 giờ/tuần. "Chúng ta yêu cầu tăng tuổi nghỉ hưu trong khi chưa thay
đổi điều kiện làm việc của người lao động", đại biểu nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cho rằng,
giảm giờ làm là rất quan trọng nhằm giúp người lao động có thời gian tái
tạo sức lao động, có thời gian chăm sóc gia đình.
Đại biểu cho biết, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế
với 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam đang nằm trong 40 nước có thời
giờ làm việc bình thường là cao của thế giới.
Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động rõ nét hơn nhằm đảm bảo
hài hòa lợi ích và phù hợp với điều kiện xã hội mà doanh nghiệp cần quan
tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tăng năng suất lao
động...
NÊN TIẾP CẬN KIẾN NGHỊ CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thảo luận về chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Hữu
Chính (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết và
việc tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đại biểu cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn để
không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Hiện nay, tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam ngày càng tăng cao,
thời gian hưởng lương hưu kéo dài nên quỹ bảo hiểm xã hội khó có khả
năng chi trả. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhằm giữ được
nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, còn đủ sức khỏe cống hiến cho
xã hội.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho biết, để có ý kiến khách quan,
vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã tổ chức phát hơn 1.000
phiếu tham vấn ý kiến của các đối tượng như viên chức y tế, giáo dục,
công nhân, tổ chức công đoàn; tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến về dự
thảo Bộ luật.
Đa số ý kiến đồng tình cao với tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, qua
tham vấn, có ý kiến đề nghị rằng việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải
cân nhắc đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và thiết kế một cách linh hoạt.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), công nhân Việt Nam không thể so
sánh với người lao động ở các nước trên thế giới khi sức khỏe, thể lực
không giống nhau. Bên cạnh đó, người lao động ở các quốc gia tiên tiến
chủ yếu là điều khiển máy móc, trong khi công nhân của Việt Nam chủ yếu
vẫn phải lao động thủ công, dùng sức khỏe là chính. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, cần có lộ trình, tránh gây sốc cho người lao động.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là việc
rất khó, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nên để hài hòa được,
phải chọn phương án từ số đông. Đại biểu đồng ý với phương án 1 là Chính
phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động
bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với
nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Song đại biểu đề nghị nên sửa đổi tuổi nghỉ hưu là nữ 58 tuổi, nam 62
tuổi vì liên quan đến thể lực, thể chất, thiên chức, phù hợp với mục
đích bình đẳng giới. Trường hợp đặc biệt liên quan đến sức khỏe cần được
nghỉ sớm nhưng không được quá 5 năm.
"Những người giỏi không bao giờ hết việc, kể cả khi về hưu, vì thế
cần có phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp để tạo điều kiện cho
các nhà khoa học trẻ phấn đấu", đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
Phân tích về việc tăng ngày nghỉ lễ trong năm, đại biểu Nguyễn Anh
Trí đề xuất cho người lao động được nghỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam
(28/6) để các thành viên có thời gian đoàn tụ vì gia đình là nơi trở về
của mọi buồn vui, thành công hay thất bại. Theo đại biểu, gia đình có
hạnh phúc, bền vững, đất nước mới thành công. Vì vậy, việc có thêm một
ngày nghỉ là điều hết sức cần thiết và ý nghĩa.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo nên tiếp cận và triển khai theo kiến nghị
của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đây là văn bản đã được tập hợp ý
kiến, nguyện vọng của đại bộ phận công nhân lao động trên cả nước.
Theo các đại biểu, những bất cập, khó khăn nảy sinh trong quan hệ lao
động đều được người lao động phản ánh thông qua tổ chức Công đoàn.
NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC CÓ THỂ ĐƯỢC NGHỈ HƯU SỚM
Giải trình một số nội dung các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Cơ quan soạn thảo sẽ
phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan để nghiên
cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để báo cáo Quốc hội xem xét
quyết định.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động đã và đang thu hút sự
quan tâm của đông đảo nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức
quốc tế có liên quan.
Vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có bản bình luận dài 120
trang về bản dự thảo Bộ luật và nhận định, Bộ luật Lao động sửa đổi của
Việt Nam đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nhất là các nguyên tắc cơ
bản của ILO.
Về phạm vi đối tượng điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc
hội, Cơ quan soạn thảo đã dự thảo mở rộng đến cả đối tượng người lao
động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, khu vực chính
thức và phi chính thức…
Về tuổi nghỉ hưu, báo cáo tiếp thu và giải trình, chỉnh lý của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận về nhóm người lao
động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại.
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến các bộ,
ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực,
công việc nặng nhọc độc hại. Theo đó, với điều kiện như thế, những đối
tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới
10 năm.
Về thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nếu giảm giờ làm sẽ có tác động đến tất cả đến các chủ thể
liên quan, như người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà
nước và có tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, nên cần nghiên
cứu, đánh giá và lượng hóa cụ thể.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Bộ luật Lao động vừa phải đáp ứng quyền lợi
hợp pháp của người lao động, đáp ứng yêu cầu dân chủ cơ sở, nhưng vẫn
phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, giữ vững ổn
định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội.../.
Đỗ Bình (TTXVN)