Thứ Sáu, 29/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 13/10/2008 15:25'(GMT+7)

Dù ở đâu cũng không quên mình là con cháu Bác Hồ

Các thí sinh chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức

Các thí sinh chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức

Dư âm và những kỷ niệm tươi đẹp, nồng ấm trong những ngày đoàn tụ trên quê hương đất mẹ để cùng nhau kể chuyện về Bác Hồ, chắc chắn sẽ còn mãi trong tâm hồn và trái tim mỗi người con đất Việt này sau khi họ trở về với cuộc sống và công việc của mình ở nước ngoài.
Những suy nghĩ và cảm tưởng của một số thí sinh đã được PV Tạp chí Tuyên giáo ghi lại thông qua các cuộc trao đổi bên lề và sau khi Hội thi kết thúc. Chúng tôi xin mượn lời tâm sự của nghệ sỹ Hoàng Lan (Gilles Yvonne) - thí sinh đạt giải Nhất tại Hội thi - làm đàu đề cho bài viết này.

Trong niềm vui mừng và hạnh phúc rưng rưng, thí sinh Hoàng Lan, giảng

viên thanh nhạc, nghệ sỹ hát Opera, đến từ nước Pháp tâm sự: Được cùng những người con xa xứ trở về quê hương để tham gia vào một cuộc thi đặc biệt như thế này, với tôi đã là niềm vinh dự rất lớn. Tôi thật sự quá bất ngờ và sung sướng khi lại đạt giải Nhất. Niềm vui và hạnh phúc như nhân lên gấp đôi. Tôi vui và hạnh phúc không chỉ đơn giản vì mình đã giành được thứ hạng tốt nhất, mà cái chính là tình cảm và lòng kính yêu của tôi đối với Bác Hồ, thông qua câu chuyện, đã nhận được sự đánh giá cao của Ban Giám khảo và đặc biệt là của các khán giả dự thính (Tại tất cả các buổi thi, Ban Tổ chức đều phát phiếu tham khảo ý kiến bình chọn của khán giả cho phần thi của mỗi thí sinh - PV).

Trong những ngày được gặp gỡ, giao lưu với các anh em từ nhiều nơi trên thế giới tụ hội về đất mẹ, chúng tôi đã hiểu thêm nhiều hơn về tấm gương đạo đức sáng ngời và tâm hồn cao cả của Bác. Càng trân trọng và biết ơn về sự quan tâm của Người lúc sinh thời đối với bà con kiều bào. Để từ đó thấy yêu thương và gắn bó hơn với quê hương-Tổ quốc.

Với tôi những giờ phút được sống trong lòng đất mẹ như thế này vô cùng quý báu và ý nghĩa, biết đến khi nào mới lại có được một dịp tương tự, cho nên có thể nói, đây là lần đầu tiên và cũng có thể là duy nhất tôi có được niềm vinh dự, hạnh phúc như thế này trên quê hương Việt Nam. Khi trở lại nước Pháp, tôi sẽ đem những điều tôi biết, những kỷ niệm đầy yêu thương, xúc động và những câu chuyện tại cuộc thi này kể lại cho bạn bè và những người trong cộng đồng Việt của mình. Cụ thể, trước mắt tôi sẽ cùng với bạn bè trong cộng đồng và những người có trách nhiệm tổ chức càng sớm càng tốt một cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ dành cho các em nhỏ người Việt, chúng tôi sẽ tiến hành sưu tầm những câu chuyện về Bác thật dễ thương và phù hợp với lứa tuổi của các em.

Là một giáo viên dạy thanh nhạc và chuyên hát Opera, tôi đã từng hát cho khán giả nước ngoài nghe những bài hát về Việt Nam như Bóng cây Kơ-nia, Bài ca hy vọng…, trong đó có những bài hát về Bác Hồ, như Tiếng hát giữa rừng Pác Pó… Đó cũng là một cách thể hiện tình yêu của tôi đối với quê hương-Tổ quốc và với Bác. Dù ở đâu và làm gì thì chúng tôi vẫn luôn nhớ mình là con dân đất Việt và không quên mình là con cháu Bác Hồ.

Đạt giải Khuyến khích và là thí sinh cao tuổi nhất Hội thi (71 tuổi), đã

55 năm định cư tại nước ngoài, Giáo sư Trần Tử Quán, nguyên là Chủ tịch Hội đoàn kết người Việt Nam tại Italia, đến với Hội thi bằng tất cả tình cảm và sự háo hức của một người con xa quê hương mong muốn được trở về. Ông nói: Trở về Việt Nam để tham gia Hội thi này là một dịp để tôi được bày tỏ tấm lòng của tôi, tình cảm của tôi, sự biết ơn của tôi đối với Bác Hồ- người đã đưa đất nước Việt Nam mình đi tới thắng lợi giành độc lập tự do, người đã cùng nhân dân làm nên cuộc trường kỳ kháng chiến để phá tan ách nô lệ của Thực dân Pháp, sau đó là chiến thắng Đế quốc Mỹ. Cũng chính Ngưòi đã khơi lên trong lòng mỗi người Việt Nam tinh thần đoàn kết, niềm tin và sự quyết thắng.

Vượt qua mọi khó khăn, đánh tan mọi ý đồ xâm lược, Việt Nam ta đã có độc lập tự do, và ngày nay đang đạt những thành tựu rất quan trọng và to lớn về kinh tế-văn hoá-xã hội… đó là những điều rất đáng để hãnh diện và tự hào đối với những người Việt Nam sống xa Tổ quốc như chúng tôi. Thật sự, Việt Nam có quyền tự hào và hãnh diện với hoàn cầu. Có được điều đó, phải nhớ công ơn của Bác Hồ.

Chúng ta đều hiểu rằng, Bác Hồ là một người có tấm lòng nhân ái bao la, Người luôn gần gũi và cảm thông với mọi kiếp người lao khổ ở trong nước cũng như trên hoàn cầu. Đó cũng chính là lý do để tôi chọn kể câu chuyện Bác Hồ thăm tượng Nữ thần tự do và Vạn lý trường thành. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã đến thăm tượng nữ thần tự do, ở đây, Người đã nhận ra rằng: Tượng nữ thần tự do rất đẹp, trên đầu tượng toả ánh sáng hào quang, nhưng dưới chân tượng có biết bao người da đen, bao số phận người phụ nữ bị chà đạp. Đến bao giờ dân tộc da đen mới được bình đẳng với dân tộc da trắng, bao giờ phụ nữ mới được bình đẳng với nam giới... Sau này, khi đã là vị Chủ tịch nước, Bác được mời đến thăm Vạn lý trường thành, và Người đã ghi lại cảm nghĩ của mình bằng một bài thơ tiếng Hán tứ tuyệt, đại ý là ca ngợi sự vĩ đại của một công trình được làm tới 3 thế kỷ trước công nguyên, nhưng công trình vĩ đại này đã làm tốn bao nhiêu xương máu, công sức của những người lao động nghèo khổ… Qua đó để thấy, từ khi còn là một thanh niên bôn ba tìm đưòng cứu nươc, đến khi đã là một vị nguyên thủ Quốc gia, dù có một khoảng cách khá xa về thời gian, về địa vị… nhưng tấm lòng yêu thương, chia sẻ, cảm thông của Bác đối với những người lao khổ không bao giờ thay đổi. Đó là bản chất, là trái tim đầy tính nhân văn của một tâm hồn vĩ đại…

Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã có điều kiện hơn so với thời ông cha và họ rất giỏi, tôi tin đây là những người sẽ làm rạng danh và viết tiếp những trang sử vẻ vang, Anh hùng của dân tộc, họ sẽ tiếp nối được con đưòng cách mạng vì dân vì nước mà Bác Hồ đã đi. Tuổi trẻ Việt Nam phần lớn rất chăm chỉ, thông minh và có chí tiến thủ. Tôi rất hãnh diện vì qua báo chí tôi biết có rất nhiều thanh niên Việt Nam đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, đã vượt qua khó khăn để đi tới thành công. Đó là điều tự hào, là sự khẳng định cho một nền văn hoá Việt Nam, mà Hồ Chí Minh là một trong những người tiêu biểu nhất cho nền văn hoá đó.

Là một trong hai thí sinh đạt giải Nhì, Bác Trịnh Văn Thái, nguyên là Giáo

viên tại Thái Lan, hiện đang là Uỷ viên BCH Hội người Việt tỉnh Udon Thani-Thái Lan chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi được về tham gia cuộc thi này. Ban cộng đồng người Việt ở tỉnh Udon Thani phải tuyển xét rất kỹ để chọn ra người có đủ tư cách và khả năng thay mặt bà con kiều bào về nước dự thi. Đây là một vinh dự lớn, bởi vì cơ hội được tham gia như thế này không phải lúc nào cũng có. Khi về đến Việt Nam tôi lại càng xúc động hơn khi thấy được sự quan tâm, đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của Nhà nước ta. Ban tổ chức đã lo cho chúng tôi rát chu đáo. Những tình cảm quý báu đó đã động viên rất lớn tinh thần trách nhiệm của chúng tôi. Trước khi bước vào cuộc thi, tôi và nhiều thí sinh khác có tâm lý khá lo lắng, vì ai cũng nghĩ liệu có đáp lại được thịnh tình này không, có phụ lòng mong mỏi, gửi gắm của bà con kiều bào không, có thể bày tỏ được một cách tốt nhất tình cảm của bản thân đối với Bác Hồ không... Nhưng khi đã “nhập cuộc” rồi thì tôi lại thấy rất thoải mái, bởi rõ ràng thi kể chuyện về Bác không phải là một cuộc ganh đua, sát phạt nhau để giành thứ hạng. Với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, với tình cảm và lòng yêu mến đối với Bác, tôi nghĩ rằng, mình như những người con xa quê, bây giờ được trở về, được quây quần trong không khí gia đình và cùng nhau ôn lại những câu chuyện về cuộc đời của Người, qua đó để được nói lên suy nghĩ, tâm sự về cuộc sống và công việc của mình…

Là thành viên trong Ban Thường vụ Hội người Việt ở tỉnh Udon Thani, vào những dịp kỷ niệm lớn hàng năm như ngày sinh nhật Bác 19-5, Quốc khánh 2-9, Tết nguyên đán, Trung thu… chúng tôi đều tổ chức những cuộc gặp gỡ bà con kiều bào. Trong những dịp đó, tôi thường có những bài nói chuyện về quê hương Việt Nam, văn hoá Việt Nam… trong đó có những câu chuyện về Bác Hồ.

Ở Udon Thani, tại nơi mà cách đây 80 năm Bác Hồ đã đặt chân đến, có một khu tưởng niệm về Bác do chính những người Việt ở đây đóng góp công của xây dựng nên, tôi vinh dự là một trong những thành viên quản lý khu tưởng niệm này. Mỗi khi có du khách đến thăm, chúng tôi đều đón tiếp tại đây, và trong vai trò của hướng dẫn viên, chúng tôi đã kể với họ những câu chuyện về Bác Hồ. Được nói về tư tưởng, tấm gương và cuộc đời vĩ đại của Người cho mỗi du khách, đối với tôi vừa là niềm tự hào vừa là nhiệm vụ. Từ cuộc thi này, thông qua phần dự thi của mỗi thí sinh tôi đã “thu hoạch” và có thêm rất nhiều “vốn” để kể về Bác Hồ cho bà con mình bên đó và để kể với những du khách đến thăm khu tưởng niệm.

Tuy nhiên, tại cuộc thi này, thấy một số thí sinh là các cháu thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai (hoặc có cháu theo bố mẹ sang định cư ở nước ngoài từ nhỏ) khả năng nói tiếng Việt rất hạn chế, tôi hơi buồn và thương các cháu lắm, muốn rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh các cháu đứng trên sân khấu mà vất vả và khó khăn quá để trình bày câu câu chuyện về Bác. Biết là các cháu rất cố gắng và muốn thể hiện thật nhiều tình cảm của mình về Bác Hồ, nhưng vốn tiếng Việt không đủ nên đành chịu. Tôi rất suy nghĩ, khi về bên kia tôi sẽ vận động và tuyên truyền, cùng với bà con mình cố gắng làm sao rèn luyện, hướng dẫn để con cháu đừng đánh mất tiếng Việt, đừng bỏ đi tiếng nói ông cha. Dù sinh sống ở đâu thì mình vẫn là người gốc Việt, vậy thì tại sao lại không giữ tiếngViệt. Các cháu nội của tôi, dù chưa về thăm Việt Nam lần nào, nhưng tôi vẫn dạy các cháu học tiếng Việt và học những bài hát Việt Nam, trong đó có những bài hát về Bác Hồ.

Trước khi nhận lời phỏng vấn, Thí sinh Phạm Vân Bình (Caroline Valverde)-đạt giải Khuyến khích-hiện là tiến sỹ, giảng viên ĐH tại Bang

Clifornia (Mỹ) đã dặn đi dặn lại tôi phải lấy nguyên cái tên Vân Bình của chị, vì đó là cái tên mà mẹ chị đặt cho, dù nó không phải là chính thức, nhưng chị rất yêu cái tên thuần Việt này. Khả năng nói tiếng Việt chưa thật tốt, nhưng Vân Bình đã cố gắng diễn đạt và trình bày khá sâu sắc về những suy nghĩ của mình:

Tôi sinh ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, mặc dù chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong cách và văn hoá của nước Mỹ, nhưng tôi vẫn luôn nhớ trong mình có chảy dòng máu Việt, bố tôi mang hai dòng máu Anh-Việt, mẹ tôi thì lại lai Tây Ban Nha-Pháp-Việt. Như vậy, nói cho vui, từ bố mẹ cho đến tôi không còn là một người Việt “thuần chủng” nữa, nhưng tôi đã được thừa hưởng rất nhiều yếu tố Việt, mặc dù nó không còn rõ nét. Và tôi vẫn luôn nhớ về Việt Nam, mong có nhiều dịp để được tìm hiểu thêm về văn hoá Việt Nam, mà muốn tìm hiểu về Việt Nam thì phải biết và hiểu về Hồ Chí Minh.

Tôi rât thoải mái, rất vui vì lần đầu tiên được tham gia một hoạt động như thế này. Các thí sinh, từ một cháu 16 tuổi đến một ông cụ hơn 70 tuổi, nhưng họ đều tạo cho tôi cảm giác gần gũi và tình cảm quý mến. Dù mỗi thí sinh có một hoàn cảnh khác nhau khi định cư, lao động hay học tập ở nước ngoài, nhưng tất cả đều rất yêu Tổ quốc, quê hương. Tôi rất tiếc vì khả năng tiếng Việt của mình còn hạn chế nên không thể nói được nhiều về Bác Hồ. Đây là lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu kể chuyện bằng tiếng Việt.

Hiện nay tôi đang nghiên cứu và viết một đề tài về cộng đồng Việt kiều trên thế giới đối với Việt Nam, trong đó có nói đến lịch sử Việt Nam, và tôi có đề cập đến Hồ Chí Minh với tư cách là một người đại diện rất quan trọng không chỉ với lịch sử Việt Nam mà với cả thế giới.

Khi vào Đại học, tôi và rất nhiều sinh viên Việt kiều không nói được tiếng Việt, mặc dù chúng tôi đều muốn tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Sau khi học xong ĐH, tôi may mắn có được học bổng và đến Việt Nam để nghiên cứu, làm luận án Tiến sĩ. Về Việt Nam, tôi đã được sống cùng với một gia đình người Hà Nội, và thế là tôi quyết tâm học và tập nói tiếng Việt. Sau một thời gian, khả năng nghe và nói tiếng Việt của tôi đã tốt lên. Tổng cộng thời gian các lần tôi về Việt Nam để học tập và nghiên cứu là 5 năm, đó là khoảng thời gian rất ý nghĩa đối với tôi.

Đối với tôi và những sinh viên Việt kiều không nói được tiếng Việt Nam thì học tiếng Việt chính là học ngoại ngữ. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, tôi thấy rằng, Bác Hồ là người rất giỏi trong việc tự học ngoại ngữ, Bác học nhiều thứ tiếng, và phương pháp học của Bác rất khoa học trong hoàn cảnh của mình. Chính vì thế, tôi đã lấy câu chuyện Bác Hồ với việc học ngoại ngữ để trình bày ở cuộc thi này. Đời sống của Bác Hồ rất phong phú, có rất nhiều câu chuyện về Bác để học tập, nhưng tôi tâm đắc với câu chuyện này hơn cả, vì nó có tính giáo dục rất cao đối với công việc cụ thể của tôi.

Bác đã đi rất nhiều nước trên thế giới và ở đâu Người cũng học ngoại ngữ, điều rất khó khăn là ở trong môi trường này Bác phải vừa làm vừa học và làm cách mạng, đây là bài học lớn thứ nhất cho tôi. Người nói: biết thêm một ngoại ngữ là có thêm một chìa khoá để mở kho tàng kiến thức của nhân loại, đó là bài học lớn thứ hai. Từ việc học ngoại ngữ của Bác Hồ, tôi rút ra một bài học lớn thứ ba, đó là việc học phải luôn luôn không ngừng, hay nói khác đi, việc học là cả đời và phải kiên trì.

Dù không có điều kiện học tập khi ra đi làm cách mạng từ năm 1911, nhưng Bác Hồ đã rất chú trọng tới việc tự học mà chúng tôi gọi đó là sự đầu tư cho giáo dục. Thật đáng khâm phục vì dù ở hoàn cảnh nào người cũng học. ý nghĩa lớn qua câu chuyện về việc học ngoại ngữ của Bác Hồ mà tôi hiểu được là: học ngoại ngữ nên có đầu óc tò mò và phải chăm chỉ (phương pháp học), tuổi nào học cũng được và học để cứu nước (mục đích của việc học).

Việt Kiều chúng tôi rất yêu quê hương và luôn mong muốn được về để nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá Việt Nam hoặc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù đã có những hoạt động hướng về quê hương như làm từ thiện, nhân đạo, đặc biệt là các chương trình đầu tư về kinh tế… nhưng rõ ràng là chưa nhiều. Chúng tôi mong muốn giữa người trong nước và kiều bào, đặc biệt là những Việt kiều chưa một lần về Việt Nam sẽ hiểu nhau hơn, hiểu và chia sẻ để chung tay xây dựng đất nước, muốn vậy cần phải biết tiếng Việt. Chính Bác Hồ khi đi làm cách mạng đã tìm hiểu về con người và phong tục của những nơi Bác đến thông qua việc học tiếng nơi đó. Người dạy, muốn hiểu văn hoá của nước sở tại thì phải biết tiếng nước họ. Do đó tôi nghĩ, muốn thế hệ trẻ Việt kiều sau này có thể hiểu hơn về Việt Nam, bớt đi những cái nhìn thiếu hiểu biết về Việt Nam, thì ngay từ bây giờ Nhà nước Việt Nam phải có một kế hoạch đầu tư về đào tạo và giáo dục tiếng Việt dành cho các thế hệ Việt Kiều thứ hai, thứ ba. Cụ thể và trước mắt là mở khoa học tiếng Việt tại các trường Đại học. Ở Mỹ hiện nay rất ít trường học có khoa, lớp Tiếng Việt.

Đa số Kiều bào đều mong muốn đóng góp xây dựng cho quê hương đất nước. Thế hệ trẻ gốc Việt ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới bây giờ rất muốn học tiếng Việt, nhưng họ gặp nhiều khó khăn vì không có điều kiện học. Trẻ em gốc Việt sinh ra tại nước ngoài hiện nay hầu hết không còn biết tiếng Việt, như vậy rồi họ sẽ không hiểu về Việt Nam, không biết về văn hoá Việt Nam, từ đó mà đánh mất đi sự quan tâm về Việt Nam.

Thí sinh Lê Hoài Thu (đạt giải Khuyến khích) sinh năm 1985, Thạc sĩ,

 Lê hoài Thu và mẹ của mình

đang học Đại học tại Ucraina tâm sự: Trong thời gian 5 năm học tập tại trường Đại học Bách khoa Ki-ép (Ucraina), em được nhiều giáo viên bản xứ hỏi và nhắc đến Hồ Chí Minh và mọi người đều dành một tình cảm hết sức đặc biệt mỗi khi họ biết em là sinh viên đến từ Việt Nam.

Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh bằng những hành động và việc làm cụ thể, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của một sinh viên là phải học, học cho thật giỏi. Trong câu chuyện nhỏ mà em kể, Bác chính là một tấm gương sáng cho sinh viên chúng em, khi Người thành thạo rất nhiều ngoại ngữ để có thể trao đổi trực tiếp và gần gũi với bất kỳ một người bạn quốc tế nào.

Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với thanh niên luôn còn nguyên giá trị, đặc biệt là đối với những sinh viên, thanh niên đang học tập và sinh sống ở nước ngoài như chúng em. Tiếp bước cha anh, chúng em đang đi trên con đường mở mang kiến thức, tìm tòi những điều hay, bổ ích, để mai sau góp phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Chúng em cũng luôn ghi nhớ lời dạy của Người phải luôn luôn đoàn kết, luôn nuôi nấng trong mình một lòng tin không lay chuyển về tương lai tươi sáng của dân tộc.

Một tập thể đoàn kết là một tập thể vững mạnh, đó cũng là một trong những điều Bác đã căn dặn với thanh niên, sinh viên. Làm theo lời bác, bên cạnh việc học tập, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, bản thân em cũng như các bạn sinh viên Việt Nam tại Ucraina, trong môi trường học tập đa sắc tộc, chúng em luôn cố gắng là cầu nối giữa quê hương và năm châu, luôn giữ một hình đẹp về Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè thế giới. Hàng năm, cứ vào ngày 30-4, tại bảo tàng lịch sử và chiến tranh do chính những người dân Việt Nam xây dựng trên đất bạn, những người cựu chiến binh Ucraina đã từng thạm gia chiến đấu tại Việt Nam, họ thường tụ họp nhau lại, ôn những kỷ niệm và cùng lắng nghe chúng em kể về những nét mới trong tình hình phát triển của Việt Nam.

Việc ra đời ấn bản “Việt Nam hôm nay” bằng tiếng Nga (do những sinh viên Việt Nam tại Ucraina xuất bản) đã giúp cho chúng em có thêm nhiều điều kiện để giới thiệu một cách sinh động về hình ảnh một Việt Nam năng động và tươi đẹp ngày hôm nay đến những người bạn quốc tế trẻ tuổi, những người chỉ nghe và biết đến Việt Nam qua những bài học lịch sử.

Ngoài các hoạt động ngoại khoá, chúng em luôn có ý thức và cố gắng hết mình trong các hoạt động ủng hộ mỗi khi nghe tin đồng bào trong nước gặp thiên tai bão lũ. Trong trường, sinh viên còn tổ chức các hội thảo về vấn đề nạn nhân chất độc màu da cam để cho bạn bè ở các châu lục trên thế giới có một cái nhìn chân thật về những hậu quả chiến tranh nghiêm trọng mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Chúng em luôn hướng về quê hương bằng tấm chân tình của những người con ở xa đang hướng về Tổ quốc. Cho dù có đi nơi đâu, chúng em vẫn mãi là những người con đất Việt, vẫn mãi là con cháu của Bác Hồ kính yêu. Thật tự hào khi mỗi lần gặp gỡ, sinh viên Việt Nam lại được nghe các bạn bè quốc tế hát vang “Việt Nam Hồ Chí Minh” đầy xúc động.

Thí sinh Đặng Thế Sáng (Đạt giải Khuyến khích), thương nhân, định cư tại Đức, hiện là Chủ tịch CLB những người yêu thích ảnh, thơ

Berlin chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo vùng đồng bằng Bắc Bộ, học xong lớp 7 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải ở nhà để phụ với bố mẹ nuôi các em. Đã bao lần, trong căn lều chữa xe, tôi phải quay xuống để dấu đi những giọt nước mắt khi thấy các bạn cùng tuổi cắp sách tới trường. Năm 17 tuổi (1974), tôi làm đơn xung phong vào bộ đội, và tháng 3-1975 tôi được vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những ngày tháng trong quân ngũ tôi quyết tâm phấn đấu trở thành đảng viên, quyết tâm phấn đấu học hết cấp 3. Chính tấm gương của Bác Hồ và lời dạy của Người đã khích lệ và nâng bước tôi vượt qua mọi khó khăn, đó cũng chính là lý do tôi chọn câu chuyện “không có việc gì khó” để dự thi.

Tinh thần đoàn kết và không chịu đầu hàng trước khó khăn mà Bác Hồ đã dạy luôn được chúng tôi lấy đó làm “kim chỉ Nam” cho mọi hành động của mình. Tôi sang Đức học tập, lao động và định cư tại đó từ đầu những năm 80 thế kỷ trước. Sau khi nước Đức thống nhất, cộng đồng người Việt ở đây đứng trước rất nhiều khó khăn trong cuộc mưu sinh, phải đối mặt với bọn “Đầu trọc”, bọn phân biệt chủng tộc và biết bao khó khăn khác. Nhưng với tinh thần “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, cộng đồng người Việt tại Đức đã đoàn kết nhau lại, thành lập những hội đoàn để giúp đỡ, chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Và hiện nay những người như chúng tôi ở các thành phố của Đức đã thành lập được những hội cộng đồng người Việt Nam lớn mạnh, đoàn kết, tương thân tương ái, xây dựng cuộc sống và hướng về quê hương.

Hiện nay, ngoài việc kinh doanh và tham gia các hoạt động cộng đồng, tôi cũng như nhiều người Việt khác ở Đức đang tham gia góp một phần của mình vào phong trào quảng bá, tuyên truyền về hình ảnh đất nước Việt Nam. Tôi đã tham gia và tổ chức các cuộc triển ảnh với chủ đề “Việt Nam đất nước con người”, giới thiệu về quê hương Việt Nam trên đất nước bạn, đồng thời lấy tiền ủng hộ, giúp nạn nhân chất màu da cam trong nước.

Tôi vẫn giáo dục các con tôi không được đánh mất truyền thống gia đình và truyền thống của người Việt Nam. Đặc biệt tôi luôn căn dặn các con phải biết tôn trọng, biết giúp đỡ, không được coi thưòng, chê bai người nghèo khổ. Mỗi lần như vậy tôi lại đem những chuyện về tấm gương Bác Hồ để kể với con mình.

Thí sinh Đặng Phương Anh (đạt giải Khuyến khích) sinh năm 1992, là

một trong hai thí sinh nhỏ tuổi nhất Hội thi, hiện đang là học sinh lớp 11 tại Slovakia. Dù sinh ra và lớn lên tại nước ngoài nhưng vốn tiếng Việt của Phương Anh khá tốt khi trao đổi với chúng tôi:

Đây là lần thứ 3 em được về Việt Nam, nhưng lần này là đặc biệt và ấn tượng nhất đối với em. Dù không có bố mẹ cùng về, nhưng em vẫn tự tin và thoải mái. Em và bố mẹ cũng như những người thân của mình rất tự hào, bởi em về Việt Nam để tham gia vào một cuộc thi rất ý nghĩa và bổ ích, ở đây em được giao lưu và học hỏi nhiều điều qua những câu chuyện về Bác Hồ, được tham dự vào các hoạt động mà ở bên nước ngoài không có. Và đặc biệt là được bác Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp gỡ, trao đổi, dặn dò rất thân tình và nồng ấm. Những kỷ niệm đẹp này em sẽ không bao giờ quên và coi như những món quà để kể lại với người thân và bạn bè của mình.

Em chưa có cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về cuộc đời và tư tưởng Bác Hồ, đến với cuộc thi này chính là em đã có cơ hội để làm điều đó. Em thích câu chuyện Đôi dép cao su của Bác Hồ, bởi qua đó cho em thấy được đức tính giản dị của Bác, và một bài học mà em đã thấy, đó là phải biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, không được sống quá sa hoa và lãng phí, bởi vẫn còn biết bao người nghèo khó, thiếu thốn xung quanh mình. Phải biết tôn trọng những giá trị thành quả mà người khác đem đến cho mình, cũng như phải tôn trọng mọi thứ mình đang có. Chính những điều này bố mẹ vẫn thường nhắc nhở và chỉ bảo cho em.

Ở bên nước ngoài chúng em chỉ được nghe nói về Việt Nam, về Bác Hồ qua những dịp sinh hoạt cộng đồng (Những anh chị lớn hơn em thì biết rõ về Việt Nam và Bác Hồ, nhưng những bạn bè cùng tuổi em và nhỏ hơn thì biết không nhiều). Em vẫn thường cùng với bố mẹ xem những thông tin về Việt Nam qua sách báo đặt từ trong nước và qua VTV4. Mỗi lần về nước, mẹ thường mua rất nhiều băng đĩa và các ấn phẩm về Việt Nam đem sang cho em. Mẹ còn thường kể chuyện về quê hương và những kỷ niệm tuổi thơ cho em nghe. Do đó, trong em, Việt Nam rất gần gũi và thân thương. Em và mọi người trong gia đình luôn nói với nhau rằng: Người Việt Nam lúc nào cũng là người Việt Nam.

Trong nhà em, bố mẹ có làm một chiếc bàn thờ để thắp hương nhớ tổ tiên, với các bạn nước ngoài của em thì đó là điều rất lạ, họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy trên vị trí trang trọng đó có treo tấm hình một ông già râu dài tóc bạc hiền từ, có người bạn đã nói với em: “Nhìn ông này thấy quen quen”, và họ hỏi đó là ai. Mỗi lần như vậy, em chỉ vào tấm hình Bác Hồ, nói với bạn: Đó là một nhà cách mạng lớn đã hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước Việt Nam. Trong trái tim mỗi người Việt Nam đều có hình ảnh của người này./.
 
 Minh Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất