Thứ Sáu, 29/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 23/10/2008 20:47'(GMT+7)

Người phụ nữ làm việc nhỏ, ý nghĩa lớn theo lời Bác dạy

Giữa trưa hè oi ả, hay ngày đông giá lạnh, có một cụ già ở khu dân cư số 7, phường Láng Hạ, quận Đống Đa Hà Nội, ngày ngày lau chùi những đồ chơi cũ của trẻ con đã bỏ đi. Bà thường lặng lẽ thu gom quần áo cũ của mọi người không dùng đem giặt rũ sạch sẽ xếp vào các thùng các tông để góc nhà. Nhiều người tò mò thắc mắc: " bà có buôn đồng nát đâu mà thu lượm những thứ đó để làm gì?".

Cho đến một ngày cuối năm, có chiếc xe Ô tô đến chở đống thùng đó đi làm từ thiện. Mọi người mới hiểu bà già tóc bạc trắng, lưng còng vẫn say mê làm từ thiện vì bà mong muốn đem hạnh phúc cho những trẻ em tàn tật và người nghèo khổ không may mắn. Có người còn hỏi: " Vì sao bà đã 58 năm tuổi Đảng, 75 năm tuổi đời mà bà vẫn hăng say công việc xã hội?" Có thể nói bà là người ham hoạt động, dù bất cứ ở cương vị nào, bà đều đóng góp sức mình cho xây dựng phong trào quần chúng, xây dựng khối " Đại đoàn kết toàn dân" để góp phần ổn định xã hội. Đó cũng là tâm nguyện của bà!

Bà là Hoàng Lan Dung, tên thật là Đỗ Thị Kim Dung, sinh năm 1934, quê Làng Thạch Khối thuộc tổng Vĩnh Thuận (nay là Phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, Quận Ba Đình Hà Nội). Bà là con duy nhất của gia đình khá giả ở Hà Nội sớm được giác ngộ cách mạng. Gia đình bà là cơ sở hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nơi các cán bộ của Quận uỷ Nội thành Hà Nội đến hội họp và lưu trú. Năm 1947 bà là cán bộ học sinh kháng chiến nội thành, do thành tích hoạt động kháng chiến năm 16 tuổi ( 1950) bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ( nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) . Năm 1955 là cán bộ của Thành hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội bà đã vinh dự được Thành hội cử cùng 2 đồng chí cán bộ là bà Hồng Trang và bà Phúc lên Phủ Chủ tịch làm các loại bánh dân tộc để Bác Hồ tiếp khách quốc tế. Lần đầu tiên trong cuộc đời còn trẻ tuổi của bà ( năm 21 tuổi) đã được gặp Bác Hồ và được Bác ân cần thăm hỏi như con cháu thân thiết của Người, làm bà không thể nào quên được tình cảm, tình thương yêu của Bác giành cho chị em phục vụ.

Năm 1958 Thành hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cử bà sang dạy học ở trường Mẫu giáo Mầm non đầu tiên của Thủ đô Hà Nội ở số nhà 88 phố Hàng Bông Nhuộm. Ở đây bà lại vinh dự được trực tiếp gặp Bác Hồ, hôm đó là ngày 31/12/1958 Bác đến thăm trường và đã đến thăm lớp của bà đang dạy các cháu học. Bác Hồ sau khi thăm hỏi các cháu đã hỏi bà: " Cô có mấy con rồi?" Thưa Bác cháu có 2 con ạ ! - " Chú ấy làm nghề gì? " "Thưa Bác chồng cháu bà bộ đội ạ! "

- Bác nói: " Đồng chí Hội trưởng cho Bác biệt, các cô đều là cán bộ phụ nữ được Hội cử sang làm giáo viên - Bây giờ dạy trẻ có yên tâm không? " - Thưa Bác lúc đầu cháu có giao động, song cháu được Thành hội cho học một lớp Sư phạm nên cháu đã xác định được và yên tâm yêu nghề ạ!" Bác Hồ nói tiếp với bà và các cán bộ phụ nữ ( trong đó có bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng Hội trưởng hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội) : " Muốn giải phóng phụ nữ, hội nên có nhiều Trường Mẫu giáo như thế này để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được học tập công tác, nâng cao trình độ để xây dựng đất nước. Các cô cũng phải đoàn kết giúp đỡ nhau đến bộ, phải chăm sóc dậy dỗ các cháu cho tôi- Các cháu còn nhỏ phải nuôi dưỡng tốt mới có thể lực tiếp th u được kiến thức "

Nhớ lời Bác dạy, từ đó bà Dung đã phấn đấu trở thành Hiệu trưởng nhà Trường. Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi bà được bầu là Đảng uỷ viên và được bổ nhiệm làm Chánh thanh tra Sở Giáo dục đào tạo Hà nội cho đến khi được nghỉ hưu ( năm 1990).

Có thể nói không nhiệm vụ chính trị, xã hội nào mà bà từ chối, dù có khó khăn đến mấy bà cũng tích cực tham gia đóng góp cho xã hội. Khi bà còn đang công tác, chồng bà là bộ đội ở xa nhà, với 4 con lớn nhỏ và một mẹ già ốm yếu, nhưng khi được bầu làm Hội thẩm nhân dân Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội từ năm 1979 -1989, 10 năm làm Hội thẩm nhân dân bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được thành phố cấp bằng khen. Đối với địa phương nơi cư trú từ năm 1978- 1994 bà là đại biểu HĐND, Cấp uỷ chi bộ , phó Ban bảo vệ, Tổ trưởng dân phố ở Phường Bùi Thị Xuân quận Hai Bà Trưng, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Quận, Thành phố khen thưởng. Từ khi gia đình chuyển về Khu dân cư số 7, phường Láng Hạ đến nay ( 1995 -2008) bà cùng chồng là ông Lê Văn Tỉnh, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu đứng ra vận động thành lập chi hội Người cao tuổi, chi hội Phụ nữ, Chi hội Chữ thập đỏ v.v... ở khu dân cư, bà đã thực sự góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở.

Bà Hoàng Lan Dung còn là người giầu lòng từ thiện, tuy lương của bà không nhiều nhưng ngoài những chi tiêu cần thiết, bà luôn giành lại một khoản tiền để làm từ thiện. Tháng nào cũng chu cấp cho bà Trương Thị Thảo ở 67 Trần Xuân Soạn 100.000 đồng là người già cô đơn và là người giúp bà trong kháng chiến chống Pháp ở nội thành Hà Nội, tiền trợ cấp cho bà Thảo từ tháng 01/1995 đến tháng 3/2008( khi bà Thảo qua đời). Bà thường xuyên đọc báo Phụ nữ Thủ đô và đã nhiều lần trực tiếp mang tiền đến ủng hộ những người gặp hoạn nạn khó khăn cần giúp đỡ theo yêu cầu của báo, đồng thời vận động người khác làm theo mình. Chỉ riêng bà đã 36 lần gửi tiền từ thiện qua báo Phụ nữ Thủ đô là 7.300.000 đồng, qua báo Tiền phong là 300.000 đồng và qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam cho gia đình anh Phan Đình Giọt là 460.000 đồng v.v...Từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 bà đã vận động các nhà hảo tâm và chị em phụ nữ ủng hộ giúp cho "Trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ em tàn tật" ở xã Thuỵ An, Ba Vì, Hà Nội 5 đợt gồm các hiện vật và tiền mặt là 34.934.000 đ và 735 chiếc quần áo, nhiều sách vở đồ dùng học tập và đồ chơi cho các trẻ em.

ủng hộ các cháu bị chất độc da cam ở Làng Hữu Nghị Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội bánh Trung thu, cặp sách và sách vở học tập trị giá 6.050.000 đồng; ủng hộ các cháu cô nhi chùa Bồ Đề quận Long Biên, Hà Nội: gạo, đường, sữa, dầu ăn, bột ngọt, xà phòng giặt và tiền mặt trị giá 7.600.000 đồng VV...

Đến nay tuy tuổi già tóc đã bạc trắng, lưng đã còng nhưng bà Hoàng Lan Dung vẫn là người hoạt động không biết mệt mỏi cho công tác xã hội, mà còn chăm sóc gia đình, ngày nào cũng lo cơm nước chu đáo cho chồng con và các cháu thường xuyên từ 6-8 người ăn một ngày. Hàng năm những dịp sinh hoạt hè của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong khu dân cư, bà nhận với chi hội phụ nữ dạy các cháu về nữ công gia chánh: Cắt tỉa, cắm hoa, làm con giống bằng thạch pha mầu rất đẹp...

Là người chính gốc Hà Nội, thừa hưởng nền văn hoá Thăng Long ngàn năm văn hiến lại hai lần được gặp Bác Hồ, thấm nhuần đạo đức và lời dạy của Bác Hồ, bà Hoàng Lan Dung sống ở đâu, làm việc ở cơ quan, đơn vị nào luôn là tấm gương nhân ái, sống có tình có nghĩa với mọi người không phân biệt sang hèn, trình độ cao thấp, Bà được mọi người yêu mến quần tụ xung quanh. Bạn bè, chị em Phụ nữ, người cao tuổi ... ai cũng muốn được sinh hoạt ở Tổ của bà, luôn ủng hộ và làm theo lời bà, kể cả đối với người thân trong họ hàng và gia đình. Bà thực sự là tấm gương “Đại đoàn kếttrong sáng, là người làm từ thiện không biết mệt mỏi ở Khu dân cư. Gia đình bà 2 bần được công nhận là “gia đình người tốt việc tốt” cấp thành phố Hà Nội. Hiện bà bà Tổ trưởng tổ phụ nữ, Tổ trưởng Hội Người cao tuổi, Tổ trưởng Khuyến học của Khu dân cư số 7, Phường Láng Hạ.

Lê Thùy Dương, Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất