Đã 29 năm trôi qua, một ông lão tận tụy với "lá phổi xanh" của làng. Đơn giản vì ông mê cây xanh, muốn có món quà cho quê hương, món quà đó được ông dùng chính đôi bàn tay ngày ngày trồng và chăm sóc cây, để cho xóm làng lúc nào cũng mát rượi, rợp bóng. Món quà đó quý giá biết nhường nào, nhất là khi nay, nạn chặt phá cây xanh diễn ra vô tội vạ của cả các làng quê, thì hành động của ông lão thật đáng khâm phục.
Món quà vô giá
Ông già đó nhỏ thó, nhanh nhẹn và vui tính tuyệt vời, được người dân làng gọi bằng cái tên thân mật là "ông cây xanh". Nhưng tên thật ông là Khổng Đức Hộp, thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Một ngôi làng yên bình nằm nép mình bên dòng sông Thương, giáp thành phố Bắc Giang.
Là người tâm huyết với quê hương, ông không thể chịu được cảnh đường làng ngõ xóm lúc nào cũng nắng chang chang, đi giữa trưa hè mà nắng vỡ cả đầu. Ngay từ khi về hưu (năm 1980) ông Hộp đã nghĩ ra cách để làm quà tặng cho quê hương là: cho quê hương bóng mát của cây xanh.
Năm 1980, ông ở Hà Nội, thấy những cây cọ trồng từ thời Pháp đang rụng hạt xuống và có hạt nảy mầm. Ông Hộp liền nhặt những hạt đó về nhà ươm và trồng ngay ngoài ngõ nhà mình. 29 năm đã trôi qua, những cây cọ này đã cao đến 7, 8 mét, toả bóng mát. Ông coi đó là một kỷ niệm, một kỷ vật quý báu nhất của đời mình. Ai đến nhà ông cũng đều đi qua hàng cọ này, họ thốt lên bởi vì nó quá đẹp, quá mát.
Trồng cây, có thành tích nhưng không bao giờ ông nghĩ đến ý định bán lấy gỗ. Giờ đây, ông đã có lương hưu chế độ, được 1 triệu 500 ngàn đồng. Số tiền đó cũng đủ để hai ông bà sống an nhàn lúc tuổi già. Con cái lại thành đạt. Ông chẳng phải lo lắng nhiều về chuyện cái ăn cái mặc. Vì vậy có nhiều thời gian dành cho cây xanh.
Về nhà ông, ngôi nhà lúc nào cũng ríu rít tiếng chim kêu. Không gian ngoài vườn, sân tuy không rộng lắm, nhưng ông đã lựa chọn, đặt những chậu cảnh hợp lý. Sáng sáng thể dục, ngắm cây cho khoan khoái dễ chịu. Cuộc sống như vậy, ông cảm thấy hạnh phúc và sung sướng lắm. Giờ đây, ông có muốn trồng cây thì ở làng ông cũng không còn đất trống mà trồng. Ông lại đi động viên bà con trong xã, những ngôi làng xung quanh trồng cây để lấy bóng mát.
Xã Đồng Sơn có 5 thôn chỉ có Đồng Quan là thôn văn hoá. Trường học, sân bóng, nhà tưởng niệm những người chết vì bom Mỹ, từ đầu làng đến cuối làng đều có bóng mát của cây xanh. Hay như hàng liễu bên chiếc hồ ở giữa làng, qua bàn tay chăm sóc của ông, giờ cũng đang thả mái tóc xanh dài thướt tha của nó xuống. Ông Hộp tâm sự: "Tôi vẫn rất thèm đất để trồng, bởi vì sức tôi còn, tôi vẫn làm được nữa. Nếu có một quả đồi, tôi cũng sẽ mặc sức trồng cho thoả".
Món quà mà bà con dân làng tặng ông lại là những bài thơ hết sức mộc mạc, giản dị để tỏ lòng cảm ơn ông, để lưu truyền và để cho những ai đọc được, biết tấm gương ông mà noi theo. Bà con nhiều nơi biết tiếng, tìm đến ông để xin cây giống về trồng. Ông Hộp sẵn sàng cho bởi vì theo ông, càng có nhiều người trồng cây thì càng tốt cho lá phổi xanh của xóm làng, của đất nước. Những việc như thế rất nên khuyến khích.
Khổ vì cây
Chính ông Hộp đã từng bị vợ mình là bà Khổng Thị Nắm đay nghiến vì cái việc làm như vác tù và kia. Bà bảo ông: "Cái việc làm của ông chỉ khiến bà con người ta bàn tán xì xèo. Họ còn nghĩ ông đang bị điên nên mới rỗi hơi như thế". Nói không được, cấm chẳng xong, bà Nắm bỏ mặc cho ông thích làm gì thì làm. Sau vài năm, bà con biết được việc làm của ông Hộp là có giá trị, họ khen ngợi, bà Nắm mới thực sự vui vẻ "tiếp tay" cho ông đi "vác tù và hàng tổng".
Ông Khổng Đức Hộp có nhiều năm làm ở Ban Nông vận TW, khi về hưu năm 1980, ông đã có chút ít kiến thức về nông nghiệp, quyết tâm tặng dân làng lá phổi xanh. Ông cầm số tiền lương ít ỏi vài tháng của mình bắt xe lên tận Thái Nguyên mua được 3 cây chà là. Về nhà trồng thì một cây chết. Năm đó giống cây này đắt đỏ quý hiếm chứ đâu như bây giờ. Ông lại đi tìm đến một số trại giống mua cây. Về nhà, cả ngày ông cầm cuốc xẻng với cái thùng tưới làm công việc mình thích. Lũ trẻ thấy vậy, chạy theo trêu chọc, chúng hét: "Hoan hô ông Hộp trồng cây. Mười cây chết chín một cây gật gù". Những ai nhìn thấy đều nói ông già này đã lẩn thẩn, về hưu nhàn hạ quá không có việc gì thì phát điên. Ông chẳng phàn nàn, trách móc ai, chỉ biết đến công việc. Nhiều hôm ông mải mê quên cả ăn. Bà Nắm sai cháu mang cơm ra tận chỗ ông trồng để ông dùng bữa.
Cái khó khăn nhất của ông là bảo vệ cây khỏi lũ trẻ tinh nghịch. Người lớn chẳng quát nạt khi thấy trẻ phá phách, lại còn tung hứng. Thế là chúng ra sức quậy phá, mặc cho ông Hộp xót xa vất vả từng ngày. Giờ, mỗi khi nghĩ đến chuyện cứ phải rào đi rào lại một cái cây hàng chục lần, ông Hộp chỉ cười. Rồi nói: "Mình cũng phục mình chứ nhỉ. Ai nói gì cũng chả phản ứng, cáu giận, cứ vui như Tết. Nếu mình tự ái thì làm gì có cây xanh như bây giờ".
Việc chăm cây cối giữa hàng trăm đứa trẻ và trâu bò cứ phá phách, vất vả bận rộn chẳng khác nào chăm một lúc hai đứa trẻ. Nhưng những ngày tháng đó đã qua rồi. Ông Hộp đã vận động được chính quyền thôn, xã vào cuộc để trồng và bảo vệ cây. Tiếp nối truyền thống của các cụ ngày xưa, trồng một hàng cây dài giờ vẫn xanh tốt giữa cánh đồng. Học sinh, những đứa trẻ trước đây từng phá cây của ông Hộp thì nay đã là những ông bố, bà mẹ. Họ lại giáo dục con cái bảo vệ cây cối. Trong bài học của những học sinh tiểu học, trong ngôi trường khang trang giữa làng, thi thoảng vẫn nghe thấy lời của các thầy cô nhắc nhở với học sinh về chuyện bảo vệ và chăm sóc cây xanh.
Dân làng được hưởng bóng mát
Ông Khổng Đức Hộp dẫn tôi đi trong màu xanh của đường làng. Giới thiệu cho những sự tích từ xửa xưa, rồi chuỵên bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng của bà con trong trận oanh tạc miền Bắc. Ông đã tổng kết lại cho đến năm 2008 này. Hơn 700 cây được ông trồng và chăm sóc, như những đứa con mình đẻ ra để dân làng được hưởng không khí trong lành và bóng mát. Duy nhất chỉ chặt một cây vì nó vướng víu đến lối đi.
29 năm trôi qua, ngần ấy thời gian đủ để một đứa trẻ sinh ra và trường thành. Cũng là thời gian kẻ ác dùng để gây bao chuyện bất chính, bọn lâm tặc tiêu diệt hàng vạn hécta rừng. Nhưng có một người đã dành ngần ấy thời gian, chỉ để dành cho quê hương. Thật đáng quý biết bao./.
(Theo:Nguyễn Văn Hoan/ANTG)