Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 2/8/2011 11:9'(GMT+7)

Người Việt đang gần hơn với hàng Việt

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Hiện nay, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng đã có chuyển biến tích cực, nhìn nhận khách quan hơn về chất lượng đối với những hàng hóa sản xuất trong nước. Dù còn rất nhiều khó khăn để hàng Việt được ưa dùng hơn, song phải thừa nhận, hàng Việt ngày càng có chỗ đứng lớn trên sân nhà và xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Từ chỗ khan hiếm, đến nay hàng hóa trong nước đã đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, giá cả tương đối hợp lý. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp..., giúp người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hàng Việt đã ngày càng lan tỏa, len lỏi thuận lợi hơn, chiếm ngày càng nhiều diện tích các kệ hàng siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ ở cả thành thị và nông thôn. Tại siêu thị của Hapro, hàng nội đã chiếm tới 70 - 80%, tăng nhanh so với vài năm trước đó. Đến nay, gần 60% người tiêu dùng quan tâm ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước. Các đơn vị như CoopMart, VinatexMart, HaproMart, Fivimart, Intimex… đã rất thành công trong việc tiêu thụ hàng Việt, xây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng. Tốc độ tăng trưởng của dệt may nội địa đã đạt mức trên 20%, sau 2 năm triển khai cuộc vận động, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2011, trong xu thế người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh thu ngành dệt may vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 22 - 23%.

Để cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có sức sống lâu bền và mang lại những kết quả thiết thực, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt. Thực tế cho thấy, để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, điều kiện tiên quyết là các nhà sản xuất Việt Nam phải có các sản phẩm cạnh tranh cả về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng. Muốn người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam thì bản thân người bán hàng phải hiểu biết, yêu mến và quảng bá hàng Việt Nam để từ đó có sự năng động và chuyên nghiệp hơn trong việc quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng cũng như cùng với nhà sản xuất coi trọng chất lượng dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp, lâu dài, ổn định, năng động, phản ứng linh hoạt, hiệu quả với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng thị trường, nhất là thị trường ngách và đo lường được dung lượng thị trường, chuyển dần sang phân khúc hàng cao cấp bằng những thương hiệu mới, riêng, thuần Việt, gắn bó với người tiêu dùng, từng bước vượt qua được định kiến hàng Việt thua chất lượng và mẫu mã hàng ngoại, thậm chí cả định kiến hàng Việt giá phải rẻ với những mẫu mã được thiết kế tinh tế, đơn giản, sang trọng, giá cả đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập tương đương, tạo dụng vững chắc dựng được hình ảnh mới trong lòng người tiêu dùng là ngày càng cao cấp hơn, sang trọng hơn…

Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, theo Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, điều kiện tiên quyết là các nhà sản xuất Việt Nam phải có các sản phẩm cạnh tranh cả về giá cả, chất lượng, dịch vụ khách hàng… Mặt khác, người tiêu dùng cần có nhiều thông tin hơn về hàng hóa, sản phẩm và chính vì vậy, vai trò của các nhà phân phối, bán lẻ - với tư cách là những người trực tiếp giao dịch hàng ngày với người tiêu dùng - là hết sức quan trọng. Về phía nhà nước, cũng cần hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp phân phối – bán lẻ nói riêng trong xây dựng và phát triển thương hiệu Việt; đào tạo nguồn nhân lực  và hoạt động nghiên cứu - phát triển và thông tin; quy hoạch đô thị và mạng lưới phân phối sản xuất hàng hóa.

Nâng cao vị thế của hàng Việt để chiếm lĩnh nhu cầu và thị hiếu của người Việt không đơn giản và là việc có thể làm một sớm một chiều. Việc tạo ra tiện ích nhanh chóng và thuận tiện cho người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Do đó, về lâu dài việc đa dạng hóa các kênh bán lẻ của các doanh nghiệp Việt vẫn phải duy trì, vì lợi ích của nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa./.

(Theo: Xuân Dung/Báo ĐBND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất