Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 24/4/2009 22:7'(GMT+7)

Nguy cơ bùng phát hàng loạt bệnh truyền nhiễm

Trẻ em nhập viện đang tăng cao tại TPHCM.

Trẻ em nhập viện đang tăng cao tại TPHCM.

Tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, hầu như quanh năm các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân truyền nhiễm.

TPHCM: Bệnh tay - chân - miệng, tiêu hoá, hô hấp đang gia tăng

Trong những ngày qua, người dân TPHCM phải đối mặt với thời tiết nắng nóng và kéo dài. Nắng nóng kèm những cơn mưa trái mùa, đã làm không chỉ trẻ em mà người lớn tuổi cũng trở bệnh vì không... chịu đựng được.

Sáng 23.4, tại BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), mới 8h sáng, cả ngàn bà mẹ đưa con chen chúc chờ khám bệnh. Theo BV, bệnh nhân đến khám về các bệnh tiêu chảy, hô hấp gia tăng đáng kể. Tuần đầu của tháng 4, mỗi ngày phòng khám BV có khoảng 3.000 -  3.500 trẻ em đến khám, thì tuần vừa qua đã tăng lên trên 4.000 cháu/ngày.

Trong đó, các bệnh về hô hấp, tiêu hoá chiếm 50%. Khoa Tiêu hoá điều trị nội trú những ngày thường từ 80-100 bệnh nhi, nhưng ngày 23.4 tăng lên 131 bệnh nhi. Đặc biệt, 3 bệnh điển hình vào mùa nóng là tay - chân - miệng, tiêu hoá và hô hấp đang gia tăng một cách mạnh mẽ.  BS Vũ Quang Vinh - Phó phòng KHTH - cho biết: "Đây là thời điểm vào mùa của bệnh tay - chân - miệng, phụ huynh để ý vì bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm não".

Tương tự, BV Nhi Đồng 1 TPHCM cũng đang quá tải bệnh nhân với các bệnh do thời tiết gây ra. Tại các khoa tiêu hoá, truyền nhiễm, hô hấp, bệnh nhi và người nhà phải nằm ở hành lang, chân cầu thang... Tại khoa Tiêu hoá, đã có 110 bệnh nhi nằm điều trị, trong đó riêng ngày 23.4 đã có hơn 50 bệnh nhi nhập viện điều trị liên quan đến bệnh này. Các BS cho biết: Bệnh thủy đậu và sốt phát ban tăng khoảng 20% so với tháng trước. Còn dịch bệnh tay - chân - miệng đang bước vào chu kỳ tăng trở lại, với số lượt khám tăng 60% so với tháng hai và đang tiếp tục tăng trong tháng tư này.

Không chỉ trẻ em, thời tiết thất thường khiến nhiều người lớn cũng đổ đi khám bệnh. Khảo sát tại các BV: Nhân Dân 115, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Nhân Dân Gia Định, số người lớn tuổi được đưa đến khám và điều trị trong ngày từ ngày 20-23.4 tăng lên rõ rệt. Tại BV Bệnh nhiệt đới, ngoài số ca người lớn mắc tiêu chảy vẫn tiếp nhận mỗi ngày, BV đang phải đối phó với dịch sốt xuất huyết ở đối tượng này. Theo BS Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc BV - số ca sốt xuất huyết người lớn đang  gia tăng, hiện mỗi ngày tại bệnh viện có từ 50 - 60 ca được điều trị nội trú.

Theo BS Nguyễn Đại Biên - Trưởng khoa Khám BV Nhân Dân 115, những ngày nắng nóng, mỗi ngày BV tiếp nhận số lượng bệnh nhân đến khám từ 1.000-1.200 người.

Bệnh tả bùng phát mạnh một cách bất ngờ trong hai năm 2007, 2008 khu vực phía Bắc.  (nguồn: Viện VSDTTƯ)

Miền Bắc: Tử vong do bệnh dại gia tăng

Chỉ trong 1 tháng qua, 3.122 ca sốt xuất huyết đã được ghi nhận tại 35 địa phương. Một ca bệnh H5N1 mới cũng đã được phát hiện tại Đồng Tháp.

Hội nghị tổng kết công tác giám sát và phòng, chống dịch miền Bắc 2008 vừa tổ chức đầu tuần cho hay: Chỉ riêng khu vực phía bắc, năm 2008 đã xảy ra hơn 50 vụ dịch lớn - nhỏ.  Trong 6 tháng đầu năm, dịch tay - chân - miệng xảy ra ở 12 tỉnh, TP phía bắc: Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, Lào Cai, Hà Nam, Hải Phòng, Lai Châu với tổng số 794 ca. Sốt xuất huyết ghi nhận 4.070 ca - tăng 74% so với năm 2007.

Số bệnh nhân bị đẩy lên cao sau các vụ dịch tại Hà Nội, Hà Tây cũ, Nghệ An và Hà Tĩnh. Về hội chứng cúm, trong năm ghi nhận gần 800.000 ca, có 2 người chết. Số mắc cao tập trung ở Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang. Nguyên nhân gia tăng các dịch truyền nhiễm, theo TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện VSDTTƯ - xuất phát từ sự ô nhiễm môi trường, biến chủng virus. Nhưng cũng cần báo động đặc biệt là thói quen mất vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư.

Bệnh dại, một thời gian đã lắng, nhưng vài năm gần đây đã báo động. Số ca tử vong do dại tăng 2 - 3 lần so với năm 2003. Năm 2008, cả nước có 28 tỉnh, TP có ca tử vong do dại, riêng khu vực miền Bắc có 11 tỉnh. Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Tây cũ, 4 địa phương này liên tục có số ca tử vong cao, thể hiện dịch bệnh đang lưu hành. Các ca tử vong do bệnh dại đều do chó nhà chưa được tiêm phòng dại truyền bệnh. Sự di chuyển đàn chó hoặc bán "chạy" khi có dịch chó đã làm dịch lây lan. Tại các tỉnh trọng điểm, chỉ có khoảng 20 - 60% đàn chó được tiêm phòng dại.  

Sự phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và cơ quan thú y  tại các tuyến chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác giám sát và phòng, chống dịch, đặc biệt là các bệnh lây từ gia súc, gia cầm sang người như: Cúm H5N1, dại, than, liên cầu lợn trên người... 

(Viện VSDT TƯ) 


Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất