Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 19/1/2016 20:48'(GMT+7)

Nguy cơ lây truyền bệnh từ hoạt động buôn bán, vận chuyển, chăn nuôi động vật

Công an thu giữ lượng lớn động vật hoang dã bị vận chuyển trái phép (Ảnh minh họa)

Công an thu giữ lượng lớn động vật hoang dã bị vận chuyển trái phép (Ảnh minh họa)

Các bệnh này có thể từ nhẹ đến gây tử vong cho con người như liên cầu, bệnh dại, SARS, cúm A/H5N1, Ebola…Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng chống các bệnh kể trên một cách có hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành có liên quan cũng như việc thực thi đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có Luật thú y, được ban hành ngày 19/6/2015 và có hiệu lực từ 01/7/2016.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người còn được gọi là bệnh chung giữa động vật và người (Zoonosis) là bất kỳ một bệnh truyền nhiễm nào có khả năng lây truyền từ động vật sang người hoặc ngược lại. Đã có hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người được ghi nhân và được phân loại theo tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng…Động vật mang bệnh chung có thể là vật nuôi hay động vật hoang dã.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi động vật (ở Việt Nam có cả chăn nuôi động vật hoang dã) đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng cũng như quy mô. Song song với việc phát triển chăn nuôi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật cũng gia tăng trong đó có cả dịch bệnh lây truyền giữa động vật và người. Trong thực tế có rất nhiều yếu tố phối hợp cùng đóng góp vào sự xuất hiện hoặc sự quay trở lại của các bệnh lây truyền giữa động vật và người bao gồm cả sự xâm phạm ngày càng gia tăng của loài người vào môi trường tự nhiên, sự thay đổi hành vi liên quan đến sự mở rộng phát triển kinh tế (du lịch và thương mại quốc tế, nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp).

Nguy cơ các bệnh lây truyền từ động vật sang người xẩy ra khi có sự tiếp xúc của con người (trực tiếp hoặc gián tiếp) với động vật, sản phẩm động vật hoặc môi trường sống của chúng. Những bệnh này có thể lây truyền qua tiếp xúc với động vật (như bệnh dại lây qua vết cắn), qua môi trường bị nhiễm (như bệnh nhiệt than) và qua thực phẩm (bệnh liên cầu lợn), hay gián tiếp qua vector truyền bệnh như muỗi hay bọ ve (sốt sốt huyết, sốt rét). Cả vật nuôi và động vật hoang dã đều có thể là ổ chứa tác nhân gây bệnh của những bệnh này. Những bệnh chung gây ra ở người bao gồm từ bệnh ở thể nhẹ và tự giới hạn (như phần lớn các ca bệnh campylobacteriosis) đến gây tử vong (như Ebola và bệnh dại). Ví dự về các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong vài thập niên gần đây bao gồm bệnh cúm gia cầm A/H5N1, bệnh vi rút Ebola, bệnh dại, bệnh viêm não Nhật Bản,  hội chứng viên đường hô hấp cấp nặng (SARS), bệnh liên cầu lợn ở người,…Trong đó, các bệnh như cúm gia cầm A/H5N1, Ebola, SARS đều có nguồn gốc hoặc liên quan trực tiếp từ động vật hoang dã.

Hiện nay, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đang có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân chính là do con người đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và phát triển của các bệnh này. Một số nguyên nhân dẫn tới sự phát sinh và phát triển những loại bệnh nguy hiểm nêu trên như:

  • Nhiều loại vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn), ký sinh trùng có tính đa dạng vật chủ (nghĩa là có nhiều loài động vật có thể đều là bệnh nhiễm)
  • Nhiều loài động vật sống trong môi trường hoang dã thường mang trong mình nhiều loại vi sinh vật và ký sinh trùng gây hại, được con người săn bắt, nhân nuôi để làm thực phẩm và thuốc cổ truyền khiến dịch bệnh dễ lây từ động vật hoang dã sang động vật nuôi và con người.
  • Một số loài động vật hoang dã (hươu, nai, lợn rừng, bò rừng…) có quan hệ gần gũi với động vật nuôi và gia súc được chăn thả tự do có tiếp xúc với nhau là điều kiện để các bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng được lan rộng từ động vật hoang dã sang vật nuôi và người.
  • Việc buôn bán, vận chuyển và gây nuôi động vật hoang dã thực sự là mối tiềm ẩn các loại bệnh đe dọa tới sức khỏe con người và vật nuôi. Ở nước ta hiện nay việc gây nuôi động vật hoang dã để cung cấp thực phẩm hoặc nuôi làm cảnh khá phát triển cũng là nguy cơ làm phát sinh là lây lan bệnh dịch từ động vật dã sang vật nuôi, con người và ngược lại. Buôn bán động vật hoang dã bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp, đặc biệt là buôn bán quốc tế đã được xác định là một trong những tác nhân gây lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã sang động vật nuôi và con người do có sự thay đổi nhanh chóng và đa dạng của vật chủ. Việc này trước tiên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chính những người buôn bán, giết mổ, sử dụng và những người làm quản lý như thú y, kiểm lâm và sau đó có thể gây ra dịch cho cộng đồng.
  • Tập quán ăn uống cũng là điều kiện lây truyền bệnh: ví dụ bệnh SARS là do ăn thịt cầy, chồn nhiềm bệnh; bệnh liên cầu lợn ở người là do ăn tiết canh chế biến từ lợn bệnh; bệnh sán lá gan nhỏ là do ăn gỏi cá…

Để hạn chế và kiếm soát được những bệnh lây truyền từ động vật sang người, cần phải có những biện pháp cụ thể, phối hợp chặt chẽ việc tổ chức thực hiện giữa các ngành chức năng trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, hoạt động săn bắn, buôn bán, gây nuôi, cứu hộ và giám hộ dịch bệnh ở động vật hoang dã. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của nhiều ngành như Y tế, Nông nghiệp, Công an, Quản lý thị trường…đồng thời cần phải thực thi đầy đủ theo các văn bản pháp luật có liên quan. Luật thú y (số 79/2015/QH13 ban hành ngày 19/6/2015, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016) là một trong những văn bản pháp luật cao nhất được áp dụng để kiểm soát các bệnh động vật trong đó có bệnh chung giữa người và động vật cũng như bệnh động vật hoang dã. Điều 16 của Luật thú y đã quy định về việc giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các bệnh lây truyền giữa động vật và người. Trong đó đã chú trọng việc giám sát các bệnh truyền nhiễm có thể lây giữa động vật hoang dã và động vật nuôi tại các cơ sở nuôi động vật hoang dã, vườn thú, vườn chim, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên./. 

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất