Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 7/12/2013 19:23'(GMT+7)

Nguyễn Bính - Hồn thơ Việt

Ngày 7/12, đông đảo văn nghệ sỹ và nhân dân tỉnh Nam Định yêu quý Nguyễn Bính và sự nghiệp thi ca của Ông, đã tề tựu tại Nhà văn hóa trung tâm 3/2 thành phố Nam Định dự lễ tưởng nhớ 95 năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính.

Yêu quý và trân trọng tài năng nhà thơ Nguyễn Bính, cùng với Bí thư tỉnh ủy Nam Định - ông Phạm Hồng Hà và các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh về dự, còn có sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp Hội toàn quốc về VHNT, các văn nghệ sỹ của Hà Nội: PGS.TS. Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận VHNT Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam, GS Hoàng Chương, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu…

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Bùi Đức Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh có bài diễn văn đầy xúc động tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Bính. Nhà thơ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính sinh ngày 13/12/1918 tại thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong một nhà nho, cha làm nghề dạy học. Ông có hai người anh trai, trong đó có người là một tác gia văn học tài năng với bút danh Trúc Đường.

Nguyễn Bính lớn lên khi đất nước đang chìm đắm trong ách nô lệ thực dân phong kiến. Và tuổi thơ ông không may mắn là người mẹ thân yêu của ông mất sớm khi ông mới được 3 tháng tuổi.

Song, sống giữa làng quê với cảnh sắc chữ tình, con người hiền lành chất phác, cần cù lao động, nghĩa tình thủy chung, đoàn kết, tương thân tương ái và được thăng hoa bởi tâm hồn mẫn cảm, tài hoa, con người Nguyễn Bính sớm hình thành “Một thần đồng thi ca”. Năm 13 tuổi ông đã có rất nhiều bài thơ được mọi người yêu mến. Hòa nhập với mạch nguồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, Nguyễn Bính sớm trở thành một thi sĩ tài hoa, nổi danh trong phong trào thơ Mới 1932 – 1945 với những thi phẩm thấm đẫm chất lãng mạn mang tấm tình chân quê. Ngay từ bài thơ đầu tiên “Cô hái mơ” (1937) được trình làng trên văn đàn của Tuần báo “Tiểu thuyết thứ năm” nhất là sau khi nhận “Giải thưởng thơ” của Tự lực văn đoàn năm 1937 với tập thơ “Tâm hồn tôi” và tập “Lỡ bước sang ngang”, thơ Nguyễn Bính đã nhận được tình cảm và sự chú ý của mọi lớp người từ thành thị tới nông thôn. Nhiều câu thơ, bài thơ đã trở thành lời hát ru, như những làn điệu dân ca đằm thắm. Trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào thơ Mới chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây thì thơ Nguyễn Bính lại gắn bó và hấp thụ tinh hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian của dân tộc. Trong đó bài thơ “Chân quê” như một tuyên ngôn của thơ Nguyễn Bính:

“Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa.

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thày u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” …

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc và tiếp tục làm thơ ca phục vụ kháng chiến như những bài thơ: “Ông lão mài gươm”, “Bài ca Đồng Tháp”, “Đây Nam bộ kháng chiến”, “Bài ca kèn gọi lính”… đặc biệt bài thơ “Tiểu đoàn 307” đã được nhạc sỹ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Bài hát được phổ biến rộng rãi, khích lệ tinh thần yêu nước, kháng chiến của dân tộc.

Với gần 50 tuổi đời, trên 30 năm sáng tác, Nguyễn Bính đã để lại sự nghiệp thi ca khá đồ sộ với 22 tác phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ, 5 tác phẩm kịch bản sân khấu, 4 tập truyện ngắn và tiểu thuyết… góp phần làm phong phú văn học nghệ thuật nước nhà.

Trong sự trân trọng, xúc động, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá cao cuộc đời, sự nghiệp của Nhà thơ Nguyễn Bính và coi hồn thơ Nguyễn Bính như một sự khơi mạch nguồn sự nghiệp văn thơ của ông. Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “thơ Nguyễn Bính đã góp phần phát huy cái vẻ đẹp của văn học dân gian thành thứ văn học bác học và là thứ quyến rũ lạ thường. Nó ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống dân gian Việt Nam”. Và “Nguyễn Bính xứng đáng là một trong những viên gạch đặt nền móng cho văn học Việt Nam hiện đại; là người chiến sĩ, văn nghệ sĩ, là tấm gương cho các thế hệ những người làm văn học nghệ thuật Việt Nam noi theo”./.

Lê Ngọc Toàn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất