Giáo sư Phạm Quang Minh, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế,
Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội cho rằng ngoại giao là công cụ sắc bén để thế giới hiểu hơn
về Việt Nam, chia sẻ những giá trị, quan điểm, nguyên tắc bất di bất
dịch của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình,
không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực.
TẠO DỰNG MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH
Theo giáo sư Phạm Quang Minh, Việt Nam cần tranh thủ tiếng nói của
cộng đồng quốc tế, sử dụng nền ngoại giao của mình để đạt được mục đích
giải quyết hòa bình các mâu thuẫn quốc tế.
Đây là quan điểm đã được khẳng định từ năm 1988 khi Việt Nam có
chiến lược ngoại giao, an ninh mới. Chiến lược này vẫn còn nguyên giá
trị cho tới ngày nay với 3 nội hàm: một nền kinh tế mạnh, một nền quốc
phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở.
Giáo sư Phạm Quang Minh nhận định trụ cột thứ 3 là công cụ sắc bén để
thế giới hiểu hơn về Việt Nam, chia sẻ những giá trị, quan điểm, nguyên
tắc "bất di bất dịch" của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng biện
pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực.
Theo giáo sư Phạm Quang Minh, quốc gia không có hòa bình sẽ không thể
phát triển. Quan điểm này đã được Việt Nam khẳng định từ rất sớm.
Sau năm 1975, khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, Việt Nam đã khẳng định cần một môi trường hòa bình để phát triển.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam cũng đã nhấn mạnh ưu tiên
đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là phải tạo dựng một
môi trường hòa bình.
Suốt từ đó đến nay, không chỉ Việt Nam mà cả ASEAN đã cùng nhau xây
dựng khu vực Đông Nam Á trở thành một khu vực tương đối hòa bình. Đó là
thành công không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực ASEAN.
Biển Đông là tuyến đường giao thương, hàng hải lớn, nhộn nhịp nhất của thế giới, và theo giáo sư Phạm Quang Minh, các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đều có những lợi ích đan xen.
Các nước lớn một mặt đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường
hợp tác về kinh tế, song họ cũng chính là những nước có chi phí, tiềm
lực quốc phòng mạnh nhất, với Mỹ khoảng 600 tỷ USD, Trung Quốc khoảng
200 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 45-50 tỷ USD… Do đó, mọi cử chỉ của những
quốc gia này liên quan tới vấn đề an ninh đều ảnh hưởng tới các quốc gia
trong khu vực.
VỊ THẾ MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC
Tuy nhiên, giáo sư Phạm Quang Minh nhấn mạnh bên cạnh vai trò các
nước lớn, các nước vừa và nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc
đảm bảo an ninh khu vực.
Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, vai trò của các nước vừa và nhỏ,
trong đó có khu vực ASEAN đối với vấn đề giữ gìn hòa bình và an ninh khu
vực trở nên khá quan trọng.
ASEAN đã đưa ra rất nhiều các sáng kiến, từ diễn đàn khu vực ASEAN
(ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), cho tới Hội nghị Bộ trưởng
quốc phòng mở rộng (ADMM+)...
Đặc biệt, các nước lớn đều tham gia vào các cơ chế mà ASEAN đưa ra.
Điều đó cho thấy tiếng nói của các nước vừa và nhỏ ngày nay thực sự đã
có ảnh hưởng rất lớn đối với việc kiến tạo nền hòa bình và giữ gìn an
ninh của khu vực.
Giáo sư Phạm Quang Minh cho rằng khi tình hình Biển Đông đang có
những biểu hiện trở nên căng thẳng và phức tạp, một khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ bao hàm những nội dung đảm bảo
cho khu vực được tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng pháp luật, chuẩn
mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và
sự thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả Biển Đông.
Những nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng liên quan trực tiếp đến tình hình Biển Đông.
Đối với Việt Nam, theo giáo sư Phạm Quang Minh, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có vị thế hoàn toàn khác.
Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam là thành viên mới
trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam còn bỡ ngỡ với những hợp tác có tính
chất đa phương. Nhưng hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đã được
nâng lên, điều đó có được bởi sự thành công của quá trình chuyển đổi mô
hình kinh tế ở Việt Nam, từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang một
nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh thành công ấn tượng đó, ngoại giao Việt Nam cũng đã có rất
nhiều dấu ấn quan trọng, tham gia rất tích cực vào tiến trình hội nhập,
cùng các nước ASEAN xây dựng và kiến tạo một trật tự khu vực.
Vì vậy, Giáo sư Phạm Quang Minh nhấn mạnh rõ ràng các nước nhìn vào
Việt Nam với vị thế không chỉ thành công trong việc cải cách kinh tế,
chính trị, văn hóa trong nước mà còn tham gia tích cực vào công việc
chung của khu vực và thế giới, là một thành viên chủ động, có trách
nhiệm.
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu rất cao vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa qua cũng góp phần khẳng định thêm điều đó.
Trong bối cảnh hiện nay, cách thức của các nước vừa và nhỏ vẫn là
giải quyết vấn đề một cách hòa bình bằng con đường ngoại giao. Sức mạnh
nội lực, sự đồng thuận ở bên trong sẽ tạo cho Việt Nam một tiếng nói
ngoại giao lớn hơn như Bác Hồ đã dạy: "Thực lực là cái chiêng, ngoại
giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn".
Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam luôn cần cố gắng thực hiện phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại./.
(TTXVN)