Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 6/2/2011 15:57'(GMT+7)

Nguyện ước cuối đời của nhà Việt Nam học lỗi lạc

 

Đó là nguyện ước của nhà Việt Nam học lỗi lạc, linh mục Léopold Cadière bày tỏ khi nhà cầm quyền Pháp muốn đưa ông trở về Pháp năm 1953, vào lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta sắp đến hồi quyết định.

Đúng như người ta vẫn nói, các tấm ảnh âm thầm lưu giữ quá khứ, chờ đến lúc gặp người trong cuộc, sẽ gợi lên vô vàn kỷ niệm. Sự kiện này này móc nối sự kiện kia, các chi tiết theo nhau hiển hiện càng lâu càng rõ nét. Tấm ảnh chụp ngày 13/6/1953 trong buổi tiễn đưa các cố đạo Pháp được Chính phủ ta cho phép về Pháp, một buổi chiều gần thành phố Vinh gợi lên trong tôi nhiều điều đáng nói.

Linh mục Léopold Cadière (1869-1955)

Linh mục Léopold Cadière (1869-1955) rời Pháp đến Việt Nam năm 1892, ở tuổi 23, một tháng sau khi thụ phong linh mục. Ông đã sống ở nước ta hơn 60 năm. Vừa đặt chân tới đất nước xa lạ, ông đã bắt tay học tiếng Việt, nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa, nhân vật, ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Ông sớm trở thành nhà Việt Nam học người nước ngoài đầu tiên có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Ông là thành viên, rồi thành viên danh dự Viện Viễn Đông học của Pháp (ngày trước gọi là Trường Viễn Đông Bác cổ) ngay từ ngày thành lập vào đầu Thế kỷ 20, là người sáng lập và chủ bút tập san Những người bạn của cố đô Huế (BAVH - trước gọi Đô thành Hiếu cổ) ra đều đặn hằng tháng từ 1914 - 1945. Tạp chí Giáo sĩ Thừa sai xuất bản tại Paris đã liệt kê danh mục 245 công trình nghiên cứu của ông về Việt Nam, lần lượt đăng tải trên các Tập san của Viện Viễn Đông (BEFEO), của Hội những người bạn của cố đô Huế (BAVH), tạp chí khoa học Anthropos xuất bản tại Vienne (được Tạp chí Đông Dương đăng lại), hoặc đã in thành sách.

L. Cadière làm linh mục Chánh xứ Di Loan (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) suốt 28 năm. Được Viện Viễn Đông học Pháp mời ra Hà Nội làm việc, ông một mực xin trở về giáo xứ của mình, nơi mọi người quý trọng gọi ông là Cố Cả. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương phải ra quyết định đặc biệt, chỉ thị cho ngành đường sắt xuyên Việt mở một ga xép gần giáo xứ Di Loan, các chuyến tàu vào Nam ra Bắc phải đỗ lại đấy 5 phút, tiện cho vị linh mục bất kỳ lúc nào ra Hà Nội họp Hội đồng Khoa học Viện Viễn Đông học, rồi trở về.

Tháng 3/1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp. Các nhà truyền giáo Pháp ở miền Trung bị quân đội Nhật tập trung giảm lỏng tại Huế. Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền ta trả lại tự do cho họ. Cố Cả lại trở về giáo xứ Di Loan. Tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên khẩn trương do sự gây hấn của quân đội Pháp và quấy rối của một số thế lực phản động. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Để bảo vệ các cố đạo người Pháp (và người Âu nói chung), đề phòng một số người nào đó tại vùng tạm thời bị chiếm đóng, vì quá căm thù thực dân Pháp mà nhỡ có hành động quá khích chăng, chính quyền kháng chiến cho đưa các cố đạo ra vùng tự do Liên khu 4. Họ cùng nhau sống yên ổn tại nhà thờ Cầu Rầm (thành phố Vinh), dưới sự trông nom của các giáo chức người Việt và chăm sóc của tín đồ công giáo địa phương.

Linh mục L. Cadière cùng nhiều cố đạo khác sống tại đây hơn 6 năm, nơi có ruộng vườn nhà xứ, có vườn cây ăn quả trồng đặc sản cam Xã Đoài. Cố Cả tranh thủ thời gian rỗi rãi, dồn sức viết Hồi ký nghe nói dài tới 1.500 trang, cho đến nay chưa xuất bản.

Năm 1953, thực hành chính sách nhân đạo và sau khi thỏa thuận với Pháp, ta cho các cố đạo nước ngoài tại thành phố Vinh được về nước, qua đường Phát Diệm (Ninh Bình) thuộc vùng tạm bị chiếm, tiếp giáp vùng tự do tỉnh Thanh Hóa, và cũng là nơi có Địa phận Giao hội do Giám mục Lê Hữu Từ, một người gốc Di Loan, Quảng Trị cai quản.

Tỉnh Nghệ An tổ chức rất chu đáo chuyến đi của các cố đạo Pháp và Âu châu. Thay mặt chính quyền đến truyền đạt chủ trương của Nhà nước và nói rõ thêm chính sách nhân đạo của nhân dân Việt Nam là một Ủy viên Ủy ban tỉnh thành thạo tiếng Pháp: luật sư Phạm Thành Vinh. Điều hành chuyến đi là một nhà trí thức khác cũng làu làu tiếng Pháp. Tôi là phóng viên báo đến phỏng vấn cảm tưởng các cụ trước khi lên đường.

Buổi họp mặt giữa chính quyền tỉnh Nghệ An với các vị linh mục nước ngoài, có các giáo chức người Việt và nhiều giáo dân tham dự, diễn ra một ngày tháng sáu tại nhà thờ Cầu Rầm. Chưa đến mùa cam, song trên các bàn dài bày biện rất nhiều chuối tươi và quả ổi tỏa mùi thơm nức. Các vị cố đạo nước ngoài đều mặc áo chùng thâm dài bén gót, trịnh trọng ngồi vào bàn, lặng yên nghe. Duy nhất cho một cố vóc người thấp bé với bộ râu trắng rẽ đôi thành hai chòm dài rất ấn tượng dưới cằm là không mặc áo lễ. Thay vào đó là tấm áo đen truyền thống của đàn ông miền Trung, dài đến gối, khuy cài bên phải, cùng cái quần vải trắng. Trông xa xa, tưởng cụ là vị tộc trưởng đáng kính của một dòng họ Việt Nam nào đó.

Không rõ ai đó giới thiệu với tôi: “Cố Cả đấy”.

Thuở nhỏ sống tại Quảng Trị, tôi từng nghe tiếng Cố Cả từ lâu. Những kỳ học sinh được đi thăm bãi biển Cửa Tùng và nhà thờ Di Loan, tôi đã nhìn thấy ông cố đạo Tây hiền lành. Lớn lên, có đọc được ít nhiều bài viết của linh mục L. Cadière, đặc biệt bài Hồi ký của một người tập nói tiếng Việt bằng tiếng Pháp đăng trên Tạp chí Đông Dương. Biết cụ thạo tiếng ta, tôi thẳng bằng tiếng Việt:

- Thưa, cố đến Việt Nam từ bao giờ? (cố, tiếng miền Trung, là cụ)

- Tui đến nước mình lần đầu năm 1892.

Cho nến nay tôi còn nhớ cảm giác thảng thốt khi nghe câu trả lời bằng cái giọng hơi nặng của chính Quảng Trị quê nhà. Và hơn nữa, năm 1892, có nghĩa là cụ đến nước ta cách đây những 61 năm.

Đối với một chàng trai tuổi hai mươi, thật khó hình dung những gì xảy ra sáu, bảy mươi năm về trước. Đối với tuổi thơ chúng tôi, những gì diễn ra cuối thế kỷ trước đã trở thành lịch sử hoặc truyền tụng dân gian, như bài Vè thất thủ Kinh đô quá quen thuộc với người Thừa Thiên, Quảng Trị thuật lại cảnh bỗng chốc nước mất nhà tan, hay là đôi câu đối thâm trầm của một cụ thâm nho nào đó, cô đúc vào hai câu chữ Hán tình cảnh bi thảm “một nước hai vua” và điềm chẳng lành đã được báo trước: “bốn tháng ba vua” (trong thời gian bốn tháng, dựng lên và phế truất bốn đời vua) (1). Vậy mà trước mắt tôi lúc này hiển hiện một con người bằng xương bằng thịt, nhân chứng của thế kỷ đã qua! Hơn nữa, lại là một ông cố đạo Tây ăn mặc giống như một cụ trưởng họ đáng kính của mình.

…Đề phòng máy bay địch có thể bất thần từ biển xộc vào vùng tự do xả đạn xuống bất kỳ phương tiện nào đang di chuyển, lễ khởi hành diễn ra lúc gần tối, ở một bến đò sông Nhà Lê, con kênh đào dùng vận chuyển quân lương nối đồng bằng Bắc Bộ vào tận Phú Xuân (Huế) có từ đời nhà Lê. Hơn nữa, đi thuyền là phương tiện thoải mái nhất đối với các cụ, phần đông tuổi bảy, tám mươi. Linh mục Cadière lúc này đã 84 tuổi.

Xứ Huế, nơi linh mục Léopold Cadière từng gắn bó

Trừ mấy cụ quá già yếu hoặc bị bệnh nằm nghỉ trong thuyền, tất cả các cố đạo chuyến đi ấy đều ra ngồi lên mui, nghe vị đại diện chính quyền nói mấy lời tiễn biệt, chúc các cụ lên đường thuận buồm xuôi gió. Mọi người đều mặc áo chùng thâm giáo sĩ, riêng Cố Cả vẫn tấm áo đen dài chấm gối và chiếc quần vải chúc bâu, chân đi giày vải trắng. Cố thay mặt đoàn ngỏ lời cảm tạ chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chiếc thuyền lớn trùm mui kín đáo rời bến trong ánh hoàng hôn.

Tôi chỉ biết chính quyền ta hộ tống đoàn linh mục người Âu theo đường thủy ra huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, từ đây sang vùng giáp ranh giữa ta và đối phương, bàn giao cho phía Pháp và người của Giám mục Lê Hữu Từ. Từ bấy, tôi vẫn đinh ninh là các cụ đạo sau đấy về cảng Hải Phòng để lên tàu binh của Pháp rời Việt Nam…

Sau ngày đất nước thống nhất, một dịp về Huế, nhân chuyện trò với người cháu họ là nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Trân, cựu giảng viên Đại học Huế, tôi kể lại chuyện tiễn đưa các cố đạo về Pháp mấy chục năm trước. Và hết sức ngạc nhiên khi nghe anh Nguyễn Hồng Trân nói: “Riêng Cố Cả không chịu về Pháp.  Cố trở về Huế và sống tại số 37, phố Phan Đình Phùng, vốn là nhà nghỉ dưỡng thuộc Tòa Giám mục Huế. Cụ qua đời ngày 6/7/1953 (2), thọ 86 tuổi. An táng tại nghĩa trang Chủng viện bên Kim Long”.

Thấy tôi chưa hết ngạc nhiên, anh Nguyễn Hồng Trân nói tiếp: “Nếu cậu có thời gian, cháu đưa cậu sang thăm mộ cố”.

Đúng là Cố Cả đã không chịu hồi hương. Cố đòi ở lại để được an nghỉ đời đời tại nước ta. Trong khi các vị khác xuống tàu về châu Âu, linh mục L. Cadière quả quyết: “Tôi đã sống hơn 60 năm tại Việt Nam. Cho phép tôi được sống nốt những ngày cuối đời, rồi được về với Chúa trên đất nước mà tôi hằng mến yêu”.

Hơn mười năm trước đó, trong lễ Kỷ niệm 50 Năm thụ phong linh mục tổ chức tại Huế (1942), trước đông đủ các quan khách và bạn bè Tây, ta, nhà bác học có những lời phát biểu tâm tình (3):

“…Tôi hiểu người Việt Nam bởi tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi học tiếng họ từ ngày mới đặt chân đến đây, và nay vẫn tiếp tục học. Tiếng Việt rất tinh tế về cấu trúc, và chớ nên coi nhẹ sự phong phú về từ ngữ của nó, như có người nhầm nghĩ.

Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, cách thực hành lễ nghi, phong tục tập quán của họ. Người Việt Nam rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng...

Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ xuyên qua các thế kỷ, và nhận thấy đất nước Việt Nam từ thời nguyên thuỷ vẫn không ngừng nung nấu chí hướng cao về phát triển và tiến bộ; họ miệt mài thực hiện chí hướng của mình với sự hào hùng và lòng can đảm linh hoạt thích ứng từng hoàn cảnh.

Vì hiểu được người Việt, tôi thật lòng yêu mến họ.

Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ.

Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần.

Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ.

Tôi có dịp đi lại nhiều, tôi đã nhìn thấy và luôn cảm phục niềm vui sống, sự cởi mở, tâm trí hồn nhiên của người Việt mặc dù họ vất vả suốt đời…".


(1) Nguyên văn: Nhất quốc lưỡng quân nan phân thuyết, Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường. Dịch ý: Một nước hai vua (vua Đồng Khánh ở Huế và vua Hàm Nghi ở Quảng Bình) thật khó thuyết giải/ Bốn tháng ba vua ( Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước) đã báo trước điềm chẳng lành. Còn là một cách chơi chữ: “Thuyết” là tên tướng Tôn thất Thuyết, còn “Tường” là Nguyễn Văn Tường, hai vị Phụ chính Đại thần của triều Nguyễn quyết định mọi chính sách thời ấy. Trong khi Tôn thất Thuyết quyết đánh, thì Nguyễn Văn Tường chủ trương hòa hoãn với thực dân.

(2) Có tư liệu nói ngày 10-7-1953.

(3) Có in trong BAVH, năm 1942.

Theo Phan Quang/VOV

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất