Chiều 27/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến hết tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 99 trên tổng số 101 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương.
Tiến độ còn chậm
Sau khi được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt, tuy nhiên tiến độ còn chậm, kết quả sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đạt không cao. 5 tháng đầu năm 2013, cả nước sắp xếp được 16 doanh nghiệp (năm 2012 là 22 doanh nghiệp), trong đó cổ phần hóa 10 doanh nghiệp, còn lại theo các hình thức sáp nhập, hợp nhất, và thành lập mới.
Từ cuối năm 2012 đến nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 đã tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty. Tính đến 20/5/2013, Thủ tướng đã phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty như Dệt May, Dầu khí, Điện lực, Cao su, Than, Hóa chất, Viettel… Sau khi được phê duyệt, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện, tuy nhiên, tiến độ còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Đặc biệt, nội dung chậm nhất là thực hiện lộ trình thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính.
Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng còn chậm. Tính đến 24/5, mới chỉ có 5 trên tổng số 15 dự thảo Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn, tổng công ty được hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ (bao gồm Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Than – Khoáng sản, Dệt may). 7 tập đoàn, tổng công ty khác hiện đã hoàn thành dự thảo, đang trình các Bộ để thẩm định. Tập đoàn VNPT và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang trong quá trình xây dựng dự thảo.
Việc sắp xếp, cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh những khó khăn khách quan, những nguyên nhân chủ quan của việc chậm thực hiện tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung phân tích, thảo luận.
Theo đó, việc sắp xếp, cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ vốn bán ra ngoài thành công thấp, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết kịp thời. Chẳng hạn, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị vườn cây vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhiều vướng mắc, mang tính đặc thù ở từng doanh nghiệp, từng địa phương. Bên cạnh đó, việc kiểm toán kết quả giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính, đối chiếu công nợ cũng mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Đặc biệt, do sự giảm sút của thị trường chứng khoán, bất động sản, khiến giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá khác với khi tiến hành cổ phần hóa, trong nhiều trường hợp sự chênh lệnh là rất lớn. Nguyên nhân này ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính và thoái vốn ở những công ty cổ phần mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh VGP/Xuân Tuyến
|
Cần tháo gỡ ngay khi phát sinh
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thẳng thắn nhìn nhận một số nội dung còn chậm, đạt kết quả chưa như yêu cầu, chẳng hạn như việc xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách; trình phê duyệt phương án tổng thể tái cấu trúc doanh nghiệp....
Đồng tình với những ý kiến phát biểu về khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định cần tìm cách tháo gỡ ngay khi vừa phát sinh.
“Đúng là có vướng mắc nhưng có lẽ không phải là căn bản. Trong quá trình triển khai thực hiện, vướng đến đâu gỡ đến đấy. Khi các Bộ, ngành báo cáo, Chính phủ đều đặc biệt quan tâm, tích cực nghiên cứu để tìm ra phương án giải quyết hiệu quả, phù hợp”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vẫn còn tình trạng chưa “thông” về quan điểm, tư tưởng ở ngay từ doanh nghiệp và cả những cấp cao hơn. “Đây chính là yếu tố cản trở rất lớn đến việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Chia sẻ những khó khăn trong việc xác định giá trị, cổ phần hóa, bán cổ phần doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, bài học kinh nghiệm chính là ở sự quan tâm, sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo trong tổ chức thực hiện. “Nơi nào làm được đồng bộ 4 nội dung là đổi mới phương thức quản lý sản xuất; nâng cao hiệu quả quản lý chủ sở hữu; phát huy vai trò, công tác Đảng trong doanh nghiệp nhà nước; thực hiện nghiêm quy chế nội bộ, quản lý nội bộ ở các doanh nghiệp nhà nước sẽ thu được kết quả tích cực và ngược lại” Phó Thủ tướng nhận định.
Sớm hoàn thành phê duyệt Điều lệ các tập đoàn, tổng công ty
Nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2015 phải hoàn thành căn bản việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong tổ chức, triển khai thực hiện.
Về quan điểm chỉ đạo chung, Phó Thủ tướng cho biết việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ không phân biệt theo cấp mà thực hiện theo ngành.
Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa có thể được thực hiện ở những khâu, công đoạn cụ thể, thay vì nhất thiết phải thực hiện cả lĩnh vực như trước đây. Thực hiện định hướng này, số lượng doanh nghiệp 100% vốn sẽ là rất ít (chỉ còn những lĩnh vực đặc biệt quan trọng), thay vào đó sẽ là hình thức cổ phần, nhưng mức độ cổ phần hóa có thể sẽ khác nhau.
Về đất đai, trừ một số trường hợp đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ chuyển sang thuê đất, giá thuê tính theo thị trường. Việc này sẽ được thực hiện kiên quyết, nhằm loại trừ tình trạng thất thoát đất đai sau cổ phần hóa, đồng thời cũng tháo gỡ khó khăn khi xác định giá trị doanh nghiệp. “Đây là những thay đổi căn bản về quan điểm chỉ đạo đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cao cho việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Phấn đấu hết tháng 7/2013 hoàn thành phê duyệt Điều lệ các tập đoàn, tổng công ty; khẩn trương xây dựng và trình ban hành Quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp; Đề án cổ phần hóa đối với một số đơn vị công lập; Quy chế giám sát doanh nghiệp; Mô hình đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, việc thoái vốn ra khỏi ngành, nghề kinh doanh chính cần được tính toán, cân nhắc để có lộ trình cụ thể, phù hợp, không thực hiện thoái vốn một cách “ào ạt”. Các Bộ, ngành, địa phương có lộ trình cụ thể để sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực phụ trách, tùy theo tình hình thị trường, tình hình trên địa bàn để triển khai thực hiện.
Chinhphu.vn