Từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, suốt đời đồng
chí đã nêu cao phẩm chất cao quý của người cộng sản, đấu tranh kiên
cường, bất khuất, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách
mạng.
Đồng chí Trần Hữu Dực là một trong những đảng viên tiền bối ưu tú, mẫu mực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí là tấm gương về niềm tin và ý chí chiến đấu.
Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910, trong một gia đình nông dân
nghèo ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh
Quảng Trị.
Lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, từ truyền thống của
dân tộc, của gia đình và ảnh hưởng của phong trào yêu nước thời bấy giờ,
đồng chí Trần Hữu Dực đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng
khi mới 15 tuổi.
Qua thực tiễn hoạt động, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, nhất là những số báo Người cùng khổ, những bài giảng về ''Đường cách mệnh'' của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhận thức chính trị của Trần Hữu Dực ngày càng được nâng cao.
Từ nhận thức “không có tổ chức như cát rời, vô dụng,” ngay lúc tuổi 16,
đồng chí Trần Hữu Dực đã chủ trì Hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái
hữu dân đoàn.”
Tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, “Ái hữu dân đoàn” đã tạo ảnh
hưởng tích cực, mở đường cho tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng
chí hội xâm nhập lan rộng vào Quảng Trị, đánh dấu bước phát triển mới
của phong trào cách mạng của huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng
Trị nói chung.
Trong thời gian hoạt động cách mạng từ 1926-1945, Trần Hữu Dực bị Pháp
bắt 4 lần và bị chính quyền Nam triều kết án tổng số 29 năm tù giam và
22 năm quản thúc tại các nhà lao Quảng Trị, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột (2
lần).
Sau tháng 8/1945, đồng chí giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cánh mạng lâm thời Trung Bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ.
Năm 1947, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I
cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đến 9 năm kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Trần Hữu Dực đã góp phần rất lớn vào
công tác đào tạo cán bộ cho các tỉnh miền Trung.
Là Ủy viên Trung ương Đảng, Đoàn Chính phủ rồi Ủy viên Quân ủy Trung
ương, trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng không ngừng chú trọng công
tác xây dựng tổ chức đảng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, góp phần rất lớn
vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng Quảng Trị cũng như các
tỉnh Nam Trung Bộ.
Nhận xét về đồng chí Trần Hữu Dực, ông Trần Việt Phương - nguyên Thư ký
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhớ lại: "Tôi được biết ông Trần Hữu Dực từ trên
rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp năm 1949. Lúc ấy, ông Trần
Hữu Dực là một ủy viên của Đảng, Đoàn chính phủ. Con người ấy mắt nhìn,
chân đi, miệng nói, óc nghĩ, tâm ghi và tay làm. Tức là một con người
toàn thân hoạt động và suốt đời từng giây từng phút một, rất hiếm tìm
được một con người như thế. Con người ấy là con người sống với cuộc đời,
thấm đẫm chất của con người trên cuộc đời này nhưng dám bay bổng trên
bầu trời lý tưởng của mình vì dân, vì nước, vì các dân tộc khác. Đồng
chí ấy được đồng chí Phạm Văn Đồng rất kính trọng."
Nét nổi bật trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Hữu Dực là tinh
thần học tập và rèn luyện không ngừng. Thấu hiểu không có tri thức cách
mạng thì không thể hoạt động cách mạng có hiệu quả, đồng chí đã tranh
thủ mọi nơi, mọi lúc, trong nhà tù đế quốc, hay lúc tuổi già vẫn say sưa
học tập và rèn luyện.
Những tri thức từ sách vở và thực tiễn đấu tranh cách mạng đã giúp đồng
chí Trần Hữu Dực hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng và Nhà
nước giao.
Nếu như ở thời kháng chiến, người cộng sản Trần Hữu Dực đã “bước qua đầu
thù”, không ngừng mở thế tiến công, thì trong thời kỳ xây dựng đất
nước, dù trên cương vị là Phó Thủ tướng hay Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tận tụy ngày đêm, đi sát
thực tế, phát huy tập thể, từ đó mà hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tỏ rõ khí
tiết trung kiên của người cộng sản và nêu cao phẩm chất đạo đức cách
mạng, một lòng một dạ phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân
dân.
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Đồng chí Trần Hữu Dực là một
đảng viên cộng sản hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, nêu tấm
gương 'Kiên cường, bất khuất, cần kiệm liêm chính'.”
Những năm tháng cuối đời tuy tuổi cao, đồng chí vẫn nhiệt tình đóng góp
công sức và trí tuệ vào sự nghiệp chung, với niềm tin sắt son vào thắng
lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Trần Hữu Dực mất ngày 21/8/1993, thọ 83 tuổi.
Với những công lao và đóng góp to lớn, đồng chí Trần Hữu Dực đã được
Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh
và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tên của ông cũng được đặt cho một con phố ở Hà Nội: Phố Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Hữu Dực là niềm tự hào
của Đảng và nhân dân ta nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị
quê hương đồng chí nói riêng.
Tấm gương sáng của nhà cách mạng Trần Hữu Dực sẽ mãi mãi được thế hệ nối tiếp học tập và tôn vinh./.
(TTXVN)