Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 7/9/2015 15:47'(GMT+7)

Nhà khoa học trẻ đề đạt gì trong cuộc gặp lãnh đạo Chính phủ?

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là cơ hội vàng để các nhà khoa học trẻ nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình với Chính phủ, để từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp cho họ phát triển cũng như cập nhật nhu cầu khoa học công nghệ của đất nước…

Đã thuận buồm…

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Dương Tuấn Hưng (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều bộ luật, hướng dẫn để thực hiện và thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ như Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực thi hành 1/2014… Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ có Quyết định số 318/QĐ-BKHCN chỉ rõ những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy quyết tâm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của nước nhà.

Thiếu tá, thạc sỹ Nguyễn Hanh Hoàn (Viện Tên lửa, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) thì nhận định, hiện nay môi trường, điều kiện nghiên cứu khoa học đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ được rèn luyện, học hỏi, tích lũy kiến thức và nâng cao tay nghề. Hiện, người trẻ được tiếp cận nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ một cách nghiêm túc và sử dụng các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, công nghệ phụ trợ hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, phát huy năng lực của mình.

Theo anh Hoàn, Đảng, Nhà nước Bộ Khoa học và Công nghệ, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chính sách để thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học trong nước-đặc biệt là những chế độ, chính sách cho các nhà khoa học trẻ. Những cán bộ trẻ có thành tích khoa học được chú ý bồi dưỡng, xét duyệt vào các chức danh nghiên cứu khoa học…

Đồng tình, tiến sĩ Dương Trọng Hải (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho hay, hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam được chú trọng đầu tư mạnh mẽ và đang có sự phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên mọi lĩnh vực. Người làm khoa học ngày càng được quan tâm, chăm lo bằng những cơ chế, chính sách thỏa đáng và được tôn vinh.

Bản thân Tiến sĩ Hải khi học tập ở Hàn Quốc cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện tham gia làm nghiên cứu chính của một dự án thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Khi về nước, anh lại được giao làm chủ nhiệm dự án thông qua Quỹ Nafosted…

…nhưng vẫn chờ xuôi gió

Tuy thừa nhận có nhiều thuận lợi, song các nhà khoa học trẻ vẫn còn nhiều trăn trở muốn giãi bày trong cuộc gặp cùng lãnh đạo Chính phủ.

Theo thạc sỹ Nguyễn Hanh Hoàn, hiện nay, khoa học công nghệ quân sự đã trở thành lực lượng chiến đấu trực tiếp nên rất cần nguồn đầu tư thích đáng. Trong đó, cần đầu tư cho con người, tăng đãi ngộ với người tài; đầu tư cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật công nghệ nhằm tạo cú hích cho ngành phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiến sĩ Dương Trọng Hải thì nói rằng, các nhà khoa học trẻ luôn nhận thức được đất nước còn nghèo nên việc đòi hỏi một chính sách đãi ngộ ngang tầm các nước phát triển là một điều rất khó.

“Do đó, đã đi vào con đường nghiên cứu là xác định khó khăn, thách thức. Hành trang cần có mang theo ngoài chuyên môn còn phải có lòng yêu nghề và tính kiên trì, nhẫn nại,” anh Hải tâm sự.


(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nói về cái khó, anh Hải thẳng thắn cho rằng dù Đảng và Nhà nước đã có chính sách thu hút nhà khoa học trẻ nghiên cứu sáng tạo nhưng vẫn còn rào cản như việc xét tuyển, nghiệm thu đề tài. Và, điều này cần phải công khai, minh bạch - nhất là ở cấp địa phương để giúp các nhà khoa học trẻ cảm thấy không bị thiệt thòi và được tôn trọng.

Giả dụ như một công trình nghiên cứu khoa học máy tính trong y học, mà hội đồng nghiệm thu lại có thạc sỹ chuyên về vật lý chấm điểm thì rõ ràng không hợp chuyên môn.

Thạc sỹ Lương Trung Sơn (Học viện Kỹ thuật Quân sự) thì cho rằng cái khó trong việc thu hút nhà khoa học trẻ là môi trường làm việc thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh cũng như có nhìn nhận, đánh giá chính xác để người tài có thể yên tâm, mong muốn phấn đấu, khẳng định mình.

Với các ngành khoa học kỹ thuật, hiện nay cơ sở vật chất phòng thí nghiệm còn hạn chế, thiếu đầu tư theo chiều sâu, thiếu sự liên kết giữa các lĩnh vực làm giảm khả năng phát triển nghiên cứu và phát huy chuyên môn của nhà khoa học. Ngoài ra, cơ chế hành chính và tài chính còn nhiều bất cập, rườm rà gây lãng phí thời gian, kinh phí đầu tư và làm giảm sự chuyên tâm, nhiệt huyết của các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu.

Bên cạnh đó, có sự dè dặt nhất định từ phía các cơ quan quản lý trong việc giao các nhiệm vụ khoa học, các đề tài, dự án lớn cho các nhà khoa học trẻ, dù họ đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu đáng kể.

Tiến sĩ Dương Tuấn Hưng thì hy vọng với việc cụ thể hóa bằng các điều luật, cơ chế và chính sách được xây dựng trong thời gian qua, điều kiện đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực, thu hút thêm nhiều nhà khoa học lựa chọn về làm việc và cống hiến cho đất nước.

Ở một góc độ khác, tiến sĩ Hưng và các nhà khoa học trẻ hy vọng qua cuộc gặp gỡ được lắng nghe những căn dặn, kỳ vọng và thông tin về chính sách phát triển khoa học công nghệ trực tiếp từ lãnh đạo Chính phủ. Đây cũng là cuộc gặp để họ như giao lưu, học hỏi lẫn nhau để nắm bắt những vấn đề cốt lõi của nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển của đất nước./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất