Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 1/12/2009 22:10'(GMT+7)

Nhà lí luận quân sự vô sản thiên tài

Ph.Ăng-ghen.

Ph.Ăng-ghen.

Sau khi chủ nghĩa Mác ra đời giữ địa vị chủ đạo trong phong trào công nhân, để Mác có điều kiện tập trung vào nghiên cứu Bộ “Tư bản”, Ăng-ghen đã phải thay Mác trực tiếp giải quyết nhiều công việc của Đảng, liên hệ với các tổ chức cộng sản, đấu tranh với các quan điểm tư tưởng tư sản, cơ hội, xét lại, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Ông có điều kiện đi sâu nghiên cứu, giải đáp nhiều vấn đề triết học trong khoa học tự nhiên, khoa học lịch sử, cũng như khoa học và nghệ thuật quân sự đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời học thuyết Mác – Lê-nin về chiến tranh và quân đội. Ăng-ghen trở thành nhà tư tưởng quân sự thiên tài của giai cấp vô sản. Những di sản tư tưởng về khoa học, nghệ thuật quân sự vô sản của Ăng-ghen đã trở thành công cụ sắc bén để giai cấp công nhân nhận thức và thực hành đấu tranh giành, giữ vững chính quyền cách mạng.

Ăng-ghen đã đứng vững trên lập trường mác-xít để đấu tranh vạch trần bản chất phản động, tính chất duy tâm, siêu hình của các nhà tư tưởng tư sản, tiểu tư sản về bạo lực, chiến tranh và quân đội khi coi bạo lực là "động lực phát triển xã hội", "nguồn gốc của cuộc sống", "tồn tại vĩnh hằng". Ông chỉ rõ nguồn gốc của bạo lực chỉ là hệ quả của những quan hệ kinh tế nhất định; bản chất phụ thuộc vào chế độ kinh tế, chính trị của nhà nước. Trong xã hội có giai cấp, bạo lực là công cụ, phương tiện của một giai cấp, nhà nước nhất định để thực hiện mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội; về thực chất quân sự luôn phụ thuộc vào kinh tế; không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là quân đội và hạm đội. Ăng-ghen nhấn mạnh vai trò của bạo lực nói chung trong lịch sử và vai trò to lớn của bạo lực cách mạng trong đấu tranh cách mạng. Do vậy, cần biết nắm lấy và sử dụng bạo lực sao cho có hiệu quả nhất khi bạo lực đóng vai trò cách mạng như Mác đã nói, “bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hóa đá và chết cứng”.

Ăng-ghen chỉ rõ, chiến tranh không phải là hiện tượng tự nhiên, trái lại đó là một hiện tượng xã hội lịch sử bắt nguồn từ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, khi xã hội còn tồn tại đối kháng giai cấp và nó chỉ mất đi khi nguyên nhân nảy sinh nó mất đi. Bản chất của chiến tranh là sự kế tục chính trị của giai cấp, nhà nước đã sản sinh ra nó bằng thủ đoạn bạo lực. Điều đó cho thấy, chiến tranh và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không có chiến tranh phi chính trị cũng như chính trị siêu giai cấp. Ăng-ghen còn chỉ rõ tính chất của chiến tranh do tính chất của chính trị quyết định và bao gồm hai loại: Chiến tranh phòng thủ, tự vệ, chống xâm lược và chiến tranh tấn công, xâm lược. Đó là cơ sở để sau này Lê-nin đưa ra định nghĩa kinh điển khẳng định chiến tranh là tiếp tục chính trị từ đầu đến cuối và phân chia thành hai loại chiến tranh chính nghĩa hợp lòng dân và chiến tranh phi nghĩa xâm lược.

Ăng-ghen còn chỉ rõ kết cục của chiến tranh phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: Yếu tố tinh thần của quân đội, chất liệu con người và vũ khí, số lượng, chất lượng dân cư và kĩ thuật. Ông còn khởi thảo tư tưởng về đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân khi chỉ ra phương thức tiến hành các cuộc chiến tranh chính nghĩa, giải phóng dân tộc khi cho rằng: "Một dân tộc muốn giành độc lập cho mình không cần hạn chế bởi những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường. Khởi nghĩa quần chúng, chiến tranh cách mạng, các đội du kích ở khắp nơi - đó là phương thức duy nhất mà dân tộc nhỏ có thể địch dân tộc lớn, quân đội yếu có thể đương đầu với quân đội mạnh được tổ chức tốt hơn".

Ăng-ghen đã dành nhiều tâm huyết vào nghiên cứu nguồn gốc, bản chất, chức năng và lịch sử phát triển quân đội. Ông nêu định nghĩa kinh điển về quân đội là một tập đoàn người có vũ trang có tổ chức do nhà nước xây dựng nên và dùng vào các cuộc chiến tranh tấn công hoặc chiến tranh phòng ngự (hiểu theo nghĩa là chiến tranh xâm lược hay tự vệ chống xâm lược). Về bản chất, quân đội là công cụ bạo lực vũ trang nhằm bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp cầm quyền. Quân đội mang bản chất của giai cấp đã tổ chức ra nó. Sự phát triển của các kiểu quân đội trong lịch sử phụ thuộc vào các kiểu hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Ông cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của quân đội, của các binh chủng cùng trang bị, vũ khí, huấn luyện và giáo dục quân đội. Ăng-ghen cho rằng, sức mạnh chiến đấu của quân đội phụ thuộc vào vai trò nhân tố chính trị tinh thần nhưng không bao giờ đánh giá quá cao, tuyệt đối hóa nó. Phẩm chất tinh thần người lính chỉ thực sự có sức mạnh khi kết hợp được với các nhân tố khác. Trong mối quan hệ giữa con người và vũ khí, khi vũ khí kỹ thuật càng hoàn thiện thì đòi hỏi yếu tố chính trị tinh thần người lính cũng càng phải cao. Ăng-ghen phê phán quan điểm tư tưởng quân sự tư sản đã tuyệt đối hóa vai trò vũ khí kĩ thuật, hạ thấp vai trò con người và đi đến kết luận rằng, con người chứ không phải súng mút quyết định chiến thắng chiến trường; khi tương quan vũ khí, kĩ thuật ngang nhau thì ưu thế luôn thuộc về phía nào có thành phần con người có tinh thần cao hơn, được huấn luyện tốt hơn, có chiến thuật hoàn thiện hơn. Quân đội ưu thế về kĩ thuật nhưng kém về chính trị - tinh thần, nghệ thuật quân sự, sẽ thất bại.

Ăng-ghen cũng là người sáng lập ra khoa học lịch sử nghệ thuật quân sự mác-xít. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm, di sản nghệ thuật quân sự quá khứ, tìm ra quy luật, xu hướng phát triển của nó. Những nghiên cứu sâu sắc, mẫu mực của Ăng-ghen về môn khoa học mới mẻ này đã đặt nền móng vững chắc cho bộ môn khoa học nghệ thuật quân sự vô sản. Kế thừa di sản tư tưởng quân sự quý báu của Mác và Ăng-ghen, Lê-nin đã bảo vệ sự trong sáng của các nguyên lí cơ bản của học thuyết Mác về bạo lực, chiến tranh và quân đội, vận dụng vào xây dựng học thuyết quân sự cách mạng về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng, xây dựng quân đội kiểu mới và khởi thảo những nguyên lí cơ bản về học thuyết bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng quân sự của thiên tài Ăng-ghen cũng như của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam 80 năm qua đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó cũng là bí quyết thành công của đường lối quân sự cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay.

 Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự của thiên tài Ăng-ghen nói riêng, học thuyết Mác – Lê-nin về chiến tranh và quân đội nói chung, Đảng ta luôn chăm lo xây dựng, phát triển và ngày càng hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc đi đôi với chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mọi người dân trong điều kiện mới. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu để quân đội hoàn thành vai trò công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đang đặt ra những vấn đề cấp bách đối với quân đội ta, phải thường xuyên chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, mà thực chất là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc trong quân đội; quán triệt và cụ thể hóa đường lối chính trị, đường lối quân sự, đường lối đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo "tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt" của Đảng đối với Quân đội. Chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiếp tục hoàn thiện phương thức Đảng lãnh đạo quân đội. Xây dựng nhân tố con người trong quân đội có phẩm chất trí tuệ, năng lực hành động phát triển tương xứng, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại. Xây dựng quân đội mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý - Bộ đội Cụ Hồ.


(*) theo  QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất