Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 28/11/2018 10:47'(GMT+7)

Nhà nông trông đợi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tổ chức ngày 27/11 được nhiều đại biểu gọi là hội nghị “Diên Hồng” về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.

Thực tế 10 năm qua cho thấy Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW) mang tầm chiến lược của Đảng ta đối với lĩnh vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động cả nước. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong 10 năm qua. Nghị quyết số 26-NQ/TW hội tụ được cả ý Đảng và lòng dân.

Từ hội nghị, nhiều mô hình, nhiều giải pháp có tính đột phá được bàn thảo, đề xuất, hiến kế nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, sự tham gia của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. 

Cách đây gần 300 năm, nhà bác học Lê Quý Đôn từng tổng kết “Phi nông bất ổn”, có nghĩa là nông nghiệp mà không bảo đảm thì đất nước, xã hội sẽ khó ổn định. Ngày nay, dù người làm nông nghiệp và giá trị nông nghiệp trong tổng sản phẩm xã hội có giảm, nhưng đây vẫn là lĩnh vực có vị trí chiến lược hàng đầu; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển bền vững kinh tế-xã hội; ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường.

Không chỉ nông dân mà cả xã hội đang mong muốn nông nghiệp Việt Nam ngày càng làm ra nhiều của cải hơn; nông dân có thu nhập cao hơn; nông thôn văn minh, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được các nét “truyền thống” của làng quê Việt. Để giải quyết hài hòa các mong muốn nói trên, rất cần một quyết sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tương tự như Nghị quyết số 26-NQ/TW trong giai đoạn mới.

Không chỉ người nông dân, mà cả nước đang trông đợi những quyết sách mới này, trong đó cần có những chính sách phát triển nông thôn toàn diện. Cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với tiến trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, bảo đảm an ninh-trật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế. Nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn…

Trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần tổng kết, nhân rộng những sáng kiến mới đang xuất hiện ở nông thôn, như: Phát triển các cụm nông nghiệp và công nghiệp, hình thành các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, phát triển du lịch nông thôn, áp dụng công tác khuyến nông kinh tế-xã hội và tư vấn quản lý nông trại, việc đào tạo nông dân, không những để sớm có những nhà nông chuyên nghiệp có trình độ sản xuất, kinh doanh tiên tiến mà còn gắn bó lâu bền với nông thôn.../.

Đỗ Phú Thọ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất