Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/10/2008 14:53'(GMT+7)

Nhà nước, nhân dân cùng tìm hướng giải quyết vấn đề “tam nông”

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Cẩm Giàng, Hải Dương

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Cẩm Giàng, Hải Dương

Trong 2 ngày 29- 30/9, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc cử tri tại 6 huyện: Kinh Môn, Thanh Hà, Ninh Giang, Chí Linh, Cẩm Giàng và Bình Giang thông báo nội dung kỳ họp thứ 4 và nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII sẽ khai mạc vào ngày 16/10 tới. Dự kiến, kỳ họp này sẽ kéo dài trong 28 ngày xem xét nhiều nội dung quan trọng về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành 13 ngày để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến 8 dự án Luật: Luật quản lý nợ khu vực công, Luật đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật bồi thường nhà nước, Luật quy hoạch đô thị (bao gồm cả quản lý hạ tầng đô thị), Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm cả vấn đề lãnh sự), Luật đăng ký bất động sản; 3,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước; 2 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội sẽ dành 3,5 ngày để nghe các tờ trình, báo cáo và thông qua 8 dự án Luật: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật cán bộ công chức, Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật thi hành án dân sự, Luật bảo hiểm y tế, Luật công nghệ cao, Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 cùng các vấn đề khác. Hai nội dung quan trọng khác là nghe báo cáo thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí và giám sát chuyên đề. Trên tinh thần tiếp tục đổi mới phương thức kỳ họp, tại kỳ họp này chỉ trình bày tóm tắt các báo cáo, để dành thời gian cho thảo luận.

Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã.

Tại các điểm tiếp xúc, đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương cũng đã thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đối với một số vấn đề: Bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp; Tăng cường vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; Thực hiện các chính sách ưu tiên trong công tác thuỷ lợi ở những địa bàn miền núi, khó khăn; quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đối với thời gian 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí; bán điện đến từng hộ dân…

Trong 2 ngày tiếp xúc, các cử tri đã gửi tới đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhiều kiến nghị liên quan việc nâng cao đời sống, tinh thần của bà con nông dân, có kế hoạch hỗ trợ để bớt đi phần đóng góp của nhân dân trong các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng: đường xá, cầu cống, kênh mương, công trình nước sạch; Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học ở các bậc học, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, trạm y tế; Có chính sách ưu đãi đối với đối tượng cán bộ bán chuyên trách; các vấn đề về tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông;

Đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, ý kiến các cử tri mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này, chú trọng công tác thông tin, dự báo, quy hoạch vùng sản xuất, quan tâm tìm kiếm đầu mối tiêu thụ hàng hoá nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với nông dân; tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác, nghiền đá không có giấy phép ở Hợp tác xã nông nghiệp An Sơn (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) giáp ranh với thị trấn An Lưu (huyện Kinh Môn, Hải Dương) đã 5 năm nay chưa được giải quyết gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Các cử tri cũng đưa ra nhiều kiến nghị đối với vấn đề chống tiêu cực tham nhũng, cho rằng những chính sách của Nhà nước về vấn đề này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, đề nghị xem xét để có một cơ chế giám sát minh bạch việc kê khai tài sản của đội ngũ cán bộ công chức.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại diện của các tổ tiếp xúc đã tiếp thu các ý kiến phản ánh của cử tri để báo cáo lên Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng có những chia sẻ phản hồi với những tâm tư, nguyện vọng xác đáng và bức xúc của người dân trong hoàn cảnh đất nước nói chung và địa phương Hải Dương hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình lạm phát trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nỗ lực chèo chống để phục hồi với ưu tiên hàng đầu là chống lạm phát.

Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dẫn giải nguyên do này không nhằm mục đích biện minh mà để người dân hiểu rằng vấn đề tập trung mọi nguồn lực để phát triển nông thôn là vấn đề rất lớn, nó đã được Đảng, Nhà nước dành một sự quan tâm lớn cụ thể trong Nghị quyết của trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đặc biệt các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Vì vậy vấn đề xây dựng đường sá, trường học, cầu cống, trụ sở làm việc, nghĩa trang ở các địa phương kể cả Hải Dương còn chậm, thậm chí phải tạm dừng lại; Hay việc tăng số lượng cán bộ cũng như chế độ trợ cấp cho cán bộ công chức địa phương; Hỗ trợ nông dân đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu đều là những mong muốn chính đáng, tuy nhiên những mong muốn, kiến nghị ấy không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà phải giải quyết từng bước và phụ thuộc tình hình cụ thể của địa phương, đất nước.

Các đại biểu Quốc hội cũng kêu gọi bà con nông dân đóng góp ý kiến nhằm tìm ra những biện pháp giải quyết hiệu quả đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân./.

Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất