Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 19/4/2014 13:19'(GMT+7)

Nhà ở xã hội - Điểm sáng trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi

Một gia đình trong căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Một gia đình trong căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)


Trong số 10 nhóm vấn đề được đề xuất nhằm khắc phục những điểm tồn tại, bất cập của Luật Nhà ở hiện hành thì những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội được đánh giá là “điểm sáng” của Luật Nhà ở sửa đổi. 

Lần đầu tiên nhà ở xã hội được đứng “độc lập” với những cơ chế, chính sách ưu tiên riêng. 

Cơ hội cho người thu nhập thấp 

Đây là cơ hội dành cho nhiều người dân thu nhập thấp để gia đình họ có thể chạm tay tới ngôi nhà mơ ước. 

Dọn về căn hộ thu nhập thấp tại khu đô thị mới Sài Đồng đã nửa năm, chị Trần Thị Toản cho biết giấc mơ của gia đình chị đã thành hiện thực. 

Mặc dù số tiền trả góp vẫn còn nhiều và thời hạn vay nợ kéo dài hơn 10 năm nữa nhưng dự án thu nhập thấp này cùng với mức lãi suất ưu đãi 6% từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ vẫn là cứu cánh cho gia đình chị. 

Gia đình chị đã chấm dứt được cảnh cả hai vợ chồng đều làm tại một cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô nhưng hàng ngày phải di chuyển bằng xe máy trên 60km cả đi lẫn về để về căn nhà của mình ở Bắc Ninh. Đó là chưa kể đến những hôm trời mưa gió thì cái khó càng nhân lên gấp bội. 

Những người dân khó khăn về chỗ ở, thu nhập không đủ trang trải tiền thuê hay mua nhà theo giá thị trường như gia đình chị Toản vẫn còn rất nhiều. 

Có gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có tới 12 nhân khẩu vẫn sống trong căn nhà chưa đầy 20m2. Khi đi kiểm tra tại nhiều địa phương, nhất là các khu công nghiệp dễ dàng được chứng kiến cảnh người thuê nhà bằng tiền của mình nhưng chỗ ở vẫn rất khổ sở, giờ giấc đi lại bị khống chế.

"Hiện nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Nhà nước đã "vào cuộc" với nhiều chính sách sự hỗ trợ phát triển quỹ nhà ở xã hội thì các doanh nghiệp nên tranh thủ phát huy và tham gia chương trình ý nghĩa này. 

Nhà ở vừa phải đáp ứng tiêu trí chất lượng tốt nhưng giá phải rẻ, quy mô căn hộ phù hợp và điều kiện sống đảm bảo. Giao nhà cho dân vào ở xong, các chủ đầu tư cần chú ý đến khâu quản lý vận hành dự án, dịch vụ đi kèm... với mức chi phí hợp lý, đảm bảo đúng cam kết với người dân, tránh xảy ra tranh chấp, bất đồng không đáng có" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. 

Điểm sáng của Luật 

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là phải xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở khi phê duyệt quy hoạch xây dựng và có kế hoạch huy động các nguồn lực cho phát triển đối với từng loại nhà ở, vì vậy đã dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, làm mất cân đối cung- cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp. 

Luật hiện hành cũng chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở.

Mặc dù đã có quy định về phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường nhưng Luật hiện hành chưa quy định rõ các cơ chế, chính sách và chưa xác định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội. 

Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại. Cùng đó, tại nhiều địa phương, chính quyền lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người thu nhập thấp không tiếp cận được loại nhà ở này. 

Đáng chú ý, Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở để đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân. Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh, trong khi thực tế lại rất cần quỹ nhà ở để cho các đối tượng thuê vì không đủ khả năng về tài chính. 

Luật cũng chưa có quy định cụ thể về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ tín thác bất động sản... nên việc huy động vốn cho việc phát triển nhà ở còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng thương mại. Khi các tổ chức tín dụng thắt chặt việc cho vay thì các doanh nghiệp phát triển nhà ở đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư. 

Với việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này, đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông từng nhận xét, nhà ở xã hội chính là điểm rất sáng trong Luật Nhà ở sửa đổi, đặc biệt là việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng nêu rõ Nhà nước phải “có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp.” 

Còn tại Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ rõ “Công dân có quyền có chỗ ở (Điều 22) và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59). 

Mặc dù Luật Nhà ở sửa đổi đã dành hẳn một chương riêng cho nhà ở xã hội với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá cho rằng, với những người nghèo, người lao động, công nhân cần quy định để việc mua hay thuê nhà tiện lợi hơn. 
"Chính sách đưa ra thì đã tốt rồi, nhưng thực tế đa số nhà đầu tư muốn làm nhà thương mại hơn nhà xã hội vì lợi nhuận cao hơn. Muốn thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội thì nên có sự hỗ trợ lợi nhuận bởi đã là doanh nghiệp thì làm gì cũng cần lợi nhuận cả, chỉ là ít hay nhiều thôi" - bà Khá phân tích./.

Thu Hằng/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất