Thứ Hai, 2/12/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 12/8/2016 16:52'(GMT+7)

Doanh nghiệp Mỹ đánh giá Việt Nam là thị trường mục tiêu trong ASEAN

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là kết quả khảo sát mới nhất về triển vọng kinh doanh thương mại năm 2017 tại các nước Đông Nam Á vừa được Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) công bố.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn nguồn Amcham Singapore cho biết kết quả điều tra đã đưa ra một bức tranh khả quan về triển vọng tăng trưởng và cơ hội thương mại trong ASEAN.

Theo đó, 53% doanh nghiệp được hỏi tin rằng các thị trường ASEAN trở nên quan trọng hơn đối với doanh thu toàn cầu của họ trong hai năm qua, 78% số lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán lợi nhuận năm 2017 của họ sẽ tăng so với năm trước và 49% cho biết sẽ tăng lực lượng lao động tại ASEAN trong công ty họ vào cuối năm 2016.

Đa số người được khảo sát (87%) dự đoán mức độ đầu tư và giao thương của công ty mình vào ASEAN sẽ tăng trong 5 năm tới.

Đáng chú ý, 40% doanh nghiệp Mỹ cho rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong ASEAN để họ mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm tới, xếp thứ hai là Indonesia và tiếp theo là Myanmar, Thái Lan, Phillipines.

Việt Nam cũng đứng đầu các nước trong ASEAN về thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ có kế hoạch chuyển dần đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong hai năm tới với 27%, tiếp đến là Campuchia, Malaysia và Lào.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá thế mạnh, lợi thế so sánh của Việt Nam là giá thuê nhân công cạnh tranh (65%); bảo mật an ninh cá nhân (65%); hệ thống chính trị ổn định (64%); cơ sở hạ tầng (61%); ổn định của hệ thống pháp luật (54%).

Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, một số thách thức của Việt Nam trong những năm qua cũng như trong năm tới vẫn là tham nhũng (71%); thiếu sự đảm bảo của địa phương (46%).

Theo khảo sát, khoảng 50% doanh nghiệp Mỹ cho rằng hội nhập ASEAN có tác động tích cực tới đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Tại Lào con số này là 83%, Campuchia là 58%; còn đối với các nước phát triển như Singapore, Indonesia chỉ 35%.

Bên cạnh đó, hơn 1/2 số doanh nghiệp Mỹ cùng nhìn nhận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của họ vào Việt Nam và đối với cả ASEAN nói chung.

Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đem lại ảnh hưởng tích cực cho các công ty mở rộng thị trường xuất khẩu đến các nước thứ ba, cũng như tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động, chiến lược marketing, hay giảm chi phí giao dịch và đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, những quan ngại chủ yếu của các doanh nghiệp Mỹ chủ yếu vẫn là vấn đề tham nhũng, thiếu minh bạch và các rào cản thương mại.

Kết quả khảo sát về triển vọng kinh doanh tại các nước trong ASEAN 2017 là báo cáo thứ 15 do Amcham thực hiện và là năm thứ 4 thu thập dữ liệu, đánh giá từ tất cả 10 nước ASEAN.

Kết quả này được thực hiện và tổng hợp dựa trên ý kiến của hàng nghìn giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ (là thành viên của Amcham Singapore cũng như Phòng Thương mại Mỹ tại các nước ASEAN) đang hoạt động kinh doanh và đầu tư tại các nước ASEAN./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất