Xuân Giang là xã đồng bằng, cách trung tâm huyện Thọ Xuân 3 km, với 337,32ha đất nông nghiệp và 85% số hộ làm nông nghiệp. Trước năm 2010, kết cấu hạ tầng cơ sở và các thiết chế van hóa của xã này còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hệ thống điện, đường, trường, trạm còn còn thiếu thốn, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã vừa quanh co, vừa nhỏ hẹp, còn tới 90% là đường đất, cơ sở vật chất không đảm bảo. Toàn xã chỉ có 3/13 nhà văn hoá thôn và đều chưa đạt chuẩn theo tiêu chí NTM. Tỷ lệ hộ nghèo lên đến 14% số dân trong xã. Những khó khăn trên đã tác động trực tiếp đến tổng thu nhập hàng năm trong xã, thu nhập bình quân trên đầu người trong năm ước tính chỉ đạt 9,5 triệu đồng/ người. Do đó, khi bước vào xây dựng NTM , Xuân Giang được xếp là một xã khó khăn, có điểm xuất phát thấp so mặt bằng chung của huyện.
Đầu năm 2011 khi bắt tay triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, tỉnh đánh giá Xuân Giang mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí đó là: Nhà ở dân cư nông thôn; hệ thống chính trị; an ninh trật tự; chợ nông thôn; điểm bưu điện văn hoá xã. Còn lại 14/19 tiêu chí chưa đạt. Tiêu chí cao nhất mới chỉ đạt được 30% tập trung vào những nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế, kỹ thuật cần nhiều nguồn vốn và liên quan đến nhiều vấn đề khá phức tạp trong quản lý điều hành, đầu tư và giải phóng mặt bằng .
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể nhân dân xã Xuân Giang đã quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy dân chủ, vai trò là chủ thể của người dân theo phương châm: “Dân biết, đan bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng thụ”. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã xác định phải lấy dân làm gốc, người dân vừa là chủ, vừa làm chủ nhằm huy động sức người, sức của trong nhân dân, thực hiện thành công mục tiêu, chương trình quốc gia về xây dựng NTM.
Ngay sau khi đề án xây dựng NTM của xã được huyện phê duyệt, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM nhằm thống nhất các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trong xây dựng NTM của xã; đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, để mỗi người dân hiểu rõ về vị trí, vai trò quyền làm của nhân dân trong xây dựng NTM bằng các việc làm cụ thể như:
Một là, tập trung tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và mọi người dân nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Qua đó, cấp ủy, chính quyền và người dân thấm nhuần việc xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn dân, nhân dân là chủ thể, nhân dân là người thực hiện, nhân dân được hưởng thụ. Trong công tác tuyên truyền, tập trung làm cho nhân dân nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các thông tin về nội dung chương trình xây dựng NTM; các mục tiêu, tiêu chí cần đạt được, phổ biến đầy đủ đề án, quy hoạch xây dựng NTM; lựa chọn và tổ chức thực hiện từng tiêu chí, xác định mức độ, hình thức đóng góp kinh phí của nhân dân; hỗ trợ của Nhà nước và thời gian thực hiện. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nâng cao tính chủ động, tính tự giác tham gia của nhân dân, khắc phục tư tưởng ngại khó, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước và tập thể.
Hai là, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, nhân dân được tham gia bàn bạc về nội dung xây dựng NTM. Xác định rõ điểm xuất phát của xã rất thấp nên việc lựa chọn tiêu chí nào xây dựng trước phải đảm bảo vừa có tính đột phá, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đều được Ban Chỉ đạo đưa ra xin ý kiến thảo luận của cấp ủy và bàn bạc thấu đáo của người dân trên cơ sở tôn trọng tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo dựa trên việc đánh giá tính khả thi, thống nhất kết luận nội dung và lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Nhờ đó, các tiêu được lựa chọn làm trước như: giao thông nông thôn; thủy lợi; điện nông thôn; nhà văn hóa thôn… đã đem lại lợi ích trực tiếp cho nhân dân, tạo ra động lực đột phá trong nhân dân tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí khác.
Ba là, huy động được sức mạnh tổng lực của nhân dân. Nhân dân được tham gia thực hiện các tiêu chí, tham gia đảm nhận, thực hiện công việc trong xây dựng NTM như: xây dựng đường giao thông nội thôn, đường giao thông và thuỷ lợi nội đồng, xây dựng nhà văn hoá thôn... Như vậy, người dân vừa có quyền lợi, vừa thực hiện nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng, cải tạo nông thôn. Khi được trực tiếp tham gia xây dựng NTM, người dân không chỉ phát huy được khả năng giám sát mà trên thực tế đã tạo ra công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập. Thông qua phong trào, mỗi gia đình vừa có nghĩa vụ thực hiện, vừa vận động mọi người thi đua thực hiện các tiêu chí như nâng cao chất lượng về nhà ở; xóa đói giảm nghèoo; tăng thu nhập và nâng cao chất lượng giáo dục; môi trường...
Bốn là, nhân dân được kiểm tra, giám sát các chương trình, nội dung thực hiện xây dựng NTM của xã, của thôn. Đối với các công trình như đường giao thông nội thôn, đường giao thông và thuỷ lợi nội đồng, nhà văn hoá thôn, xã có đề án kinh tế, kỹ thuật chung giao cho các thôn triển khai thực hiện. Nhân dân các thôn tự bàn bạc, đóng góp và tổ chức thi công. Khi thi công và quyết toán có sự giám sát của nhân dân, của Ban Chỉ đạo và Uỷ ban nhân dân xã. Đối với công trình xã đảm nhận, xã làm chủ đầu tư được công khai trên hệ thống truyền thanh của xã, công khai trong các hội nghị, công khai tại công sở xã. Khi thi công có sự giám sát của HĐND, Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát cộng đồng xã. Do vậy, các công trình xây dựng được đánh giá đảm bảo cả về kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng sử dụng, được nhân dân đồng tình cao.
Từ sự lãnh đạo của Đảng ủy, tổ chức thực hiện có hiệu quả của UBND và sự tham gia của tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xã Xuân Giang trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM, 19 tiêu chí đã lần lượt hoàn thành trong gần 3 năm (2011- 2013). Cuối năm 2013, xã Xuân Giang được tỉnh công nhận là xã NTM đầu tiên của huyện Thọ Xuân. Đến nay, hệ thống chính trị và nhân dân xã Xuân Giang tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng an - ninh; tích cực hưởng ứng phong trào: “Xây dựng NTM bền vững” để giữ gìn, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và phát huy hiệu quả của nó. Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng NTM ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm như:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, hiệu quả quản lý của chính quyền; sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; phát huy vai trò của nhân dân trong quá trình triển khai xây dựng NTM.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, để nhân dân thấm nhuần, hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và hiệu quả của chương trình, từ đó khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia chung sức xây dựng NTM của nhân dân.
Thứ ba, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở, mọi việc dân phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra nhằm phát huy vai trò là chủ thể, tạo được sự đồng thuận nhất trí của nhân dân trong quá trình xây dựng NTM.
Thứ tư, công khai minh bạch và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư thực hiện xây dựng NTM; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý của chính quyền và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM.
Với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM ở xã Xuân Giang đã cho thấy chỉ khi Đảng ủy, chính quyền xác định đúng vị trí, vai trò của nhân dân và thực hiện vì lợi ích của nhân dân, thì sẽ khai thác được sức mạnh của nhân nhân - nhân tố quyết định đến thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng – an ninh ở địa phương, cơ sở.
Ths: Vương Mạnh Toàn
Ths: Lê Hải Yến
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa