Ngay trên lối vào đền thờ Chu Văn An (1292-1370) ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, có tấm bia đá trắng với dòng chữ đỏ: Vạn thế sư biểu. Danh xưng đó đã nói lên tất cả về con người Chu Văn An, biểu tượng cao đẹp về hình ảnh người thầy trong con mắt của các thế hệ người Việt.
Giữa một không gian tưởng niệm ngày một trang trọng, quy mô, lần nào đến đây tôi cũng thử hình dung quang cảnh của gần 700 năm trước, sau khi Chu Văn An dâng Thất Trảm Sớ, từ quan, rời kinh thành về vùng núi này.
Ông nghiên cứu y dược, dạy học, làm thơ, sống cuộc đời thanh bạch của một "Tiều ẩn" mà vẫn canh cánh nỗi niềm ưu thời mẫn thế của một kẻ sĩ: "Tấc lòng chưa thể như tro nguội, nhắc đến vua xưa gạt lệ thầm". Mặc dù ở nơi xa kinh thành như vậy, các bạn bè, học trò cũ, trong có người đã làm đến tể tướng, vẫn tìm đến ông thăm hỏi và tham vấn; môn sinh khắp nơi về theo học ngày một đông. Thế mới biết sức lan tỏa, cuốn hút của nhân cách, đạo nghĩa, trí tuệ của con người Chu Văn An mạnh mẽ đến nhường nào.
Ngay từ khi còn trẻ cho đến tận cuối đời, Chu Văn An đã lựa chọn nghề dạy học với tất cả tâm nguyện của mình. Đỗ Thái học sinh từ năm 16 tuổi, ông từ chối làm quan, về mở trường ở Huỳnh Cung, quê hương mình để dạy cho các sĩ tử trong vùng. Ông tự soạn bộ Tứ thư thuyết ước, gồm 10 quyển để giảng dạy.
Trường Huỳnh Cung đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Các học trò của ông sau này có những người nổi tiếng học rộng tài cao như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... Tiếng lành đồn xa. Với uy tín của mình, ông đã được vua Trần Minh Tông mời về làm quan tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông coi việc giảng dạy cho những hoàng tử, những người sau này làm rường cột cho của triều đình; một số người sau đó đã lên ngôi vua.
Gần 7 thế kỷ đã qua, những ý kiến của Chu Văn An về giáo dục vẫn còn nguyên ý nghĩa. Minh triết của ông về sự nghiệp trồng người vẫn làm chúng ta phải khâm phục. Ngay khi còn trẻ, ông đã trả lời vua khi không nhận ra làm quan: “Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được. Xin bệ hạ cho thần được về nhà mở trường dạy học, góp phần bồi bổ sự học của nước nhà”.
Ban thờ thầy giáo Chu Văn An.
Ông khẳng định các nguyên lý giáo dục cơ bản: “Học chỉ là mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được. Có làm mới biết nhưng cái biết trong cái làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc”. Và: “Muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”.
Ông đề cao phẩm giá của con người, nhấn mạnh trách nhiệm với dân, với nước của kẻ sĩ: “Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì”.
Chu Văn An đã sống đúng như những gì mình đã truyền dạy cho học trò, nêu gương sáng về lòng dũng cảm, cương trực và trách nhiệm của một trí thức với đất nước, dân tộc. Khi vua Trần Dụ Tông, từng là học trò của ông, trị vì, triều chính suy vi, những người có chức quyền trong triều đình lộng hành, làm nhiều điều trái với đạo lý. Chu Văn An đã dâng lên nhà vua Thất Trảm Sớ, đề nghị chém đầu bảy kẻ nịnh thần. Khi nhà vua không nghe, ông đã treo ấn từ quan, về núi Phượng Hoàng mở trường dạy học để tỏ rõ thái độ của mình.
Đánh giá về Chu Văn An, quan tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại danh nhân Nguyễn Trãi, đã nói: “Nhờ có ông mà bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận định về Chu Văn An: "Học nghiệp thâm thúy, tiết tháo, cao thượng, được đương thời suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng nho nước Việt Nam ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông...". Sau khi Chu Văn An mất, vua Trần Nghệ Tông truy tặng cho ông tước hiệu Văn Trinh và cho dựng tượng thờ tại Văn Miếu.
Chúng tôi về thăm lại khu tưởng niệm Chu Văn An, một quần thể kiến trúc đẹp giữa những rừng thông bát ngát trên núi Phượng Hoàng trên đất Chí Linh, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi.Tương truyền đàn chim phượng hoàng 72 con đã cùng nhau hạ cánh tạo nên 72 ngọn núi trên vùng đất sơn thuỷ hữu tình này. Theo những bậc thang đá, đường dẫn đến khu đền chính đi qua tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, các nhà bia, giải vũ...
Đền thờ chính nằm trên khu đất cao, theo phong thuỷ thì đấy là mắt của chim phượng, trước có núi Ngọc, sau có núi Phượng,hai bên là núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng. Mộ Chu Văn An xây bằng đá xám trên triền núi cao, quanh cảnh uy nghiêm, tịch mịch, nơi chỉ còn nghe tiếng suối chảy, gió reo, chim hót.
Từ lâu, khu tưởng niệm Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An đã là một địa chỉ tâm linh thu hút du khách gần xa. Hình ảnh của ông- người thày của muôn đời - sống mãi trong tâm tưởng của các thế hệ người Việt./.
Theo baotintuc.vn