Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 10/4/2012 15:52'(GMT+7)

Nhân rộng phương pháp mới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thay đổi mạnh mẽ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Dự án do Hội KHHGĐ Việt Nam thực hiện tại 4 tỉnh Quảng Ninh, Huế, Nghệ An và Cần Thơ từ tháng 10/2007 đến tháng 5/2012 với sự hỗ trợ kỹ thuật của của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và hỗ trợ tài chính của chính phủ Luých – xăm – bua.

Trọng tâm chính của dự án là cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục cho người dân vùng sâu, vùng xa cũng như kỹ năng sống cho các cặp nam nữ thanh niên trước khi bắt đầu cuộc sống gia đình. Trong thời gian 5 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ cho cho các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới và bạo lực gia đình, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, cũng như tăng cường trách nhiệm của nam giới. Ngoài ra, nhiều hoạt động nâng cao nhận thức đã được tổ chức cùng với sự tham gia tích cực của người dân và thanh thiếu niên để trang bị cho họ những thông tin và kiến thức liên quan đến thai sản, KHHGĐ, sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS.

Các đơn vị hợp tác thực hiện dự án - Hội KHHGĐ Việt Nam, và chính phủ Luých – xăm – bua và UNFPA nhấn mạnh, sự hợp tác này đã giúp người dân Việt Nam bao gồm thanh niên và vị thành niên ở những khu vực dự án có được kỹ năng cần thiết để phát triển và giữ gìn cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh, đặc biệt là ở những nơi mà nhu cầu về sức khỏe tình dục và sinh sản, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng.

Kết quả cuộc điều tra đánh giá cuối kỳ do Trung tâm Nghiên cứu dân số và sức khỏe nông thôn (Đại học Y Thái Bình) thực hiện vào tháng 2/2012 cho thấy những thay đổi mạnh mẽ về cung cấp và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sau 4 năm can thiệp (cuộc điều tra đầu kỳ tiến hành vào năm 2008).

Đối với nhóm vị thành niên, thanh niên, kiến thức về bệnh HIV, bệnh lây qua đường tình dục được cải thiện đáng kể so với đầu kỳ. 98,5% vị thành niên đã được nghe về HIV/AIDS. Tỷ lệ vị thành niên biết đúng cả 5 biện pháp phòng lây nhiễm HIV đạt 61,5%. Có sự cải thiện ấn tượng về kiến thức của vị thành niên về chăm sóc SKSS. Tỷ lệ đối tượng biết từ 5 biện pháp trở lên ở cuối kỳ đạt 65,8%, cải thiện mạnh so với đầu kỳ (37,3%). Tỷ lệ vị thành niên đã từng sử dụng dịch vụ do hội KHHGĐ cung cấp tăng ấn tượng từ 3,7% đầu kỳ lên 44,8% vào cuối kỳ và đa số vị thành niên đã tiếp cận được với các dịch vụ tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống HIV/AIDS, tư vấn về các biện pháp tránh thai, hậu quả của nạo phá thai. 97,8% vị thành niên hài lòng với chất lượng dịch vụ do tỉnh hội cung cấp.

Kiến thức, thái độ của người dân trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã dự án về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục được nâng lên rõ rệt (đạt lần lượt gần 100% và 40%). 90% đối tượng biết ít nhất 5 biện pháp tránh thai hiện đại. 86,9% phụ nữ đã đi khám thai ít nhất 3 lần.

Tiếp tục nhân rộng trên cả nước

Ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ ấn tượng, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa các khu vực địa lý và các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là với những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số, người di cư. Thanh niên Việt Nam là nhóm biến động nhiều nhất vì nhiều người phải đi xa gia đình để tiếp tục học cao hơn, tìm việc làm; nữ thanh niên di cư trong nước ngày càng nhiều hơn so với nam. Nhiều thanh niên dễ bị tổn thương trước các vấn đề nghèo và bóc lột. 1/3 thanh niên vẫn gặp phải những rào cản khi tiếp cận thông tin hay dịch vụ SKSS.

Đánh giá khảo sát thanh niên Việt Nam lần thứ hai (SAVY II, 2010) cho thấy một cách đáng báo động rằng giới trẻ còn biết rất ít về HIV/AIDS. Chỉ 42,5% thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 15 đến 24 có kiến thức toàn diện về lây nhiễm HIV, thấp hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia là 95%.

Ông Campbell cũng thể hiện sự tin tưởng những thành tựu này sẽ được duy trì và nhân rộng sang các tỉnh khác ở cấp cộng đồng để tất cả phụ nữ, nam giới và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương, dù ở khu vực nông thôn hay thành thị, hay thuộc các nhóm dân tộc đa số hay thiểu số, đều có thể được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc SKSS và tình dục toàn diện.

Được biết, mặc dù dự án sẽ kết thúc vào tháng 5/2012, nhưng mô hình lồng ghép tư vấn và truyền thông SKSS và tình dục vào lễ đăng ký kết hôn do Hội KHHGĐ Việt Nam khởi xướng trong thời gian thực hiện dự án sẽ được nhân rộng sang 2.000 xã và phường khác trên cả nước từ tháng 6/2012 và sẽ được tài trợ thông qua ngân sách Nhà nước.

Trọng tâm chính của mô hình này là cung cấp kiến thức về sức khỏe tình dục và sinh sản cũng như kỹ năng sống cho các cặp nam nữ thanh niên trước khi bắt đầu cuộc sống gia đình. Sau khi được tư vấn, các cặp nam nữ thanh niên nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trong một buổi lễ trang trọng.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ tịch thường trực hội KHHGĐ Việt Nam nhấn mạnh: Đây là một ví dụ điển hình về mô hình do Liên hợp quốc hỗ trợ được nhân rộng thông qua nguồn lực của Chính phủ. Do chưa đủ nguồn lực, hầu hết các chương trình và hoạt động về sức khỏe cho thanh thiếu niên đến nay đều là các dự án thí điểm chủ yếu được tài trợ từ các nguồn quốc tế. Rất ít dự án thí điểm được nhân rộng sang các địa bàn khác, và tính bền vững là mối quan tâm đối với nhiều trong số các chương trình thí điểm hiện nay.

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất