Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 5/4/2012 21:3'(GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: “Sẽ có giải pháp về dinh dưỡng cho mỗi vùng miền”

PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế

PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết, cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2010 có ý nghĩa như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Qua cuộc tổng điều tra về dinh dưỡng năm 2010 cho thấy: 10 năm qua chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã rất thành công. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em ở thể suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao trên toàn cầu. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì gần như tương đương với suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, đó là một điều rất đáng báo động. Suy dinh dưỡng hay béo phì đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng của trẻ, nhưng với béo phì, hệ lụy về bệnh tật kéo theo rất nhiều về sau này.

Theo thống kê của các nước nói chung và của Việt Nam nói riêng, đối với vấn đề dinh dưỡng mà không có chiến lược, cách làm, triển khai một cách hợp lý thì ảnh hưởng rất nhiều đến tổng thu nhập quốc dân. Nhận thấy vấn đề này, tại Việt Nam cứ 10 năm lại có một cuộc tổng điều tra về dinh dưỡng. Cuộc tổng điều tra lần này đã đánh giá rất sâu, đi sâu vào từng bữa ăn tại từng vùng sinh thái của Việt Nam . Qua đó để thấy được cơ cấu bữa ăn của người dân đã phù hợp với sự phát triển của con người Việt Nam hay chưa và các bệnh mãn tính nào liên quan đến vấn dề dinh dưỡng.

 PV: Thưa đồng chí, ngành y tế sẽ triển khai những biện pháp can thiệp như thế nào để giảm tình trạng trẻ bị thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng lần này đã đánh giá, đưa ra chiến lược, giải pháp dinh dưỡng cụ thể cho mỗi vùng miền. Ở thành thị, nơi mà tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng nhanh thì phải có chiến lược dinh dưỡng riêng so với vùng núi, trung du khi mà tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân là phổ biến.

Ví dụ, ở thành thị, dinh dưỡng lúc này cần tập trung chỉ ra cho người dân biết những loại thức ăn nào có nguy cơ gây béo phì, rối loạn chuyển hóa. Với những thức ăn có nguy cơ gây ra các bệnh về chuyển hóa sau này thì hạn chế ăn. Còn với trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng, để tăng cường dinh dưỡng cho nhóm này, không phải là ngành y tế mang cá, thịt đến hộ gia đình mà quan trọng nhất là giúp dân biết thế nào là một bữa ăn hợp lý. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách ăn, thời gian ăn, trong ngày ăn bao nhiêu bữa, bữa nào ăn chính, bữa nào ăn phụ; trong một bữa ăn thì cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu rau xanh, bao nhiêu gram cua đồng…

Với lứa tuổi học sinh, nên đưa nội dung dinh dưỡng hợp lý vào chương trình học với một thời lượng phù hợp. Không đưa được vào chính khóa thì đưa vào ngoại khóa. Trẻ hiểu trực tiếp về dinh dưỡng, những thức ăn nguy cơ, thức ăn có lợi sẽ giúp trẻ và gia đình tránh được thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng.

 PV: Riêng đối với những vùng khó khăn cần có những ưu tiên gì, thưa đồng chí?

 Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Ngành y tế cần đánh giá đưa ra chiến lược, giải pháp về dinh dưỡng cho mỗi vùng miền. Chẳng hạn ở miền núi thường bị thiếu i- ốt, vitamin A thì chúng ta bổ sung các vi chất vào thức ăn cho họ. Riêng với những vùng khó khăn, trẻ bị suy dinh dưỡng bởi không có cá, thịt, suất ăn trưa tại trường, các em chỉ có muối, ớt để ăn với cơm, kết quả tổng điều tra lần này đã gom lại được đâu là những vùng nghèo nhất để kiến nghị Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể kêu gọi xã hội hóa để giúp các em nhỏ vùng nghèo khó này có được suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, giúp phát triển thể lực tốt, bởi thể lực của các em mang yếu tố quyết định đến thể lực giống nòi sau này.

PV: Theo Thứ trưởng, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020, các bên liên quan cần phải có sự phối hợp thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Thời gian tới cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ người làm chuyên môn đến các cấp chính quyền và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngành y tế sẽ có giải pháp về dinh dưỡng cho mỗi vùng miền.

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 và đó là chiến lược hết sức quan trọng. Chính phủ đã chi ra một khoản kinh phí lớn để triển khai chiến lược dinh dưỡng đó. Đồng thời, ngành y tế sẽ đưa ra những chương trình khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông để giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức về dinh dưỡng đối với trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta không quên vấn đề dinh dưỡng của các lứa tuổi khác, đặc biệt đối với người cao tuổi thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp sẽ tránh được các bệnh liên quan đến dinh dưỡng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!/.

Thu Phương/TTXVN (Thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất