Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân ta và bạn bè chúng ta khắp năm châu, bốn biển đã biết đến bằng chính những hoạt động cách mạng mang tính nhân văn cao cả của Người, đã tạo nên cho nhân loại sự kính trọng và biết ơn nhiều hơn đối với một nhân cách, một sự nghiệp và một lẽ sống, cho nên cách đây hơn 80 năm tờ báo Tia Lửa, xuất bản ở Liên Xô 11.1923 đã viết: Từ Nguyễn ái Quốc toả ra một nền văn hoá không phải văn hoá Châu Âu mà có lẽ là nền văn hoá tương lai. Sáu mươi bảy năm sau đó, cả nhân loại đã ghi nhận Người “là một nhà văn hoá lớn” - bằng Nghị quyết của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO).
Văn hoá là sợi dây có khả năng nối liền với nhân dân các nước và các dân tộc. Là danh nhân văn hoá của thế giới, nên Hồ Chí Minh là sợi dây nối liền nhân dân mình với nhân dân thế giới. Sợi dây có sức sống mãnh liệt để thực hiện sự nối liền là di sản văn hoá của Người để lại, mà di sản của Người là di sản của dân tộc. Những tinh hoa văn hoá của một dân tộc đều là tài sản chung của nhân loại và ngược lại là đỉnh cao của văn hoá loài người, là những của báu không dành cho riêng ai. Trên ý nghĩa đó và từ thực tế của hơn 40 năm qua kể từ ngày Bác đi xa, một phần di sản lịch sử văn hoá Hồ Chí Minh gửi lại cho nhân loại thể hiện tầm cao của thời đại, chiều sâu của truyền thống vừa dân tộc, vừa hiện đại mà nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới, nhiều thế hệ tiếp theo có thể thưởng thức, tiếp thu, nghiên cứu các giá trị văn hoá vừa cổ truyền, vừa hiện đại đó là Nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ Tịch.
Trong cuộc đời 79 xuân, Bác Hồ đã ở nhiều nơi, nhưng nơi Người ở và làm việc lâu nhất là Khu Phủ Chủ Tịch. Nơi đây, Người đã sống và làm việc từ 19.12.1954 đến khi Người qua đời 2.9.1969. Đó là thời kỳ lịch sử quyết định đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc mà Người với cương vị là Chủ tịch đứng ra gánh vác trọng trách. Nơi đây, mỗi sự vật cái nhà, ao cá, cái cây, ngọn cỏ, sân vườn, đồ dùng, tấm lòng…Người dành cho con cháu như đang giữ lại hơi ấm và sức toả sáng của một con người đại thân, chí thiện, chí mỹ. Nơi đây, là một kho báu thể hiện truyền thống cách mạng và bản sắc văn hoá Việt Nam thông qua đạo đức, cuộc đời, hoạt động và nếp sống khiêm tốn, giản dị, tình cảm và trí tuệ thể hiện qua cuộc sống đời tư của Người.
Cuộc sống đời tư được biểu hiện thành hành vi lẽ sống hàng ngày ở cái ăn, cái ở, cái mặc, tình cảm ứng xử nhân thế, đó là điều cốt lõi để suy xét hành vi văn hoá trong bất kỳ một người nào. Bởi, con người ta trước hết phải nghĩ đến cái ăn, ở, mặc, rồi mới nói đến chuyện hoạt động chính trị, hoạt động tôn giáo. ở Hồ Chí Minh, cuộc sống đời tư đã trở thành thứ hành vi văn hoá đạo đức mà loài người tiến bộ vẫn tiếp tục khám phá và tìm về Hồ Chí Minh như tìm về “Lý do để sống”, tìm về “lòng tốt của con người… tình bạn, lòng nhân ái, một con người không nghĩ đến mình, giản dị, khiêm tốn, không tự giam mình trong tháp ngà, không trói mình trong cuộc sống vật chất mà sống một cuộc sống đời tư của quần chúng”. Rõ ràng là những sự kiện bây giờ cho thấy thế giới đang đi vào thiên niên kỷ thứ ba; Và sự đối đầu sẽ không phải bằng vũ khí quân sự nữa, mà bằng sức mạnh tư tưởng…thế giới như một quá trình mà ở đó sự thay đổi là cội nguồn của sự giàu có, tiến bộ và nhằm tìm hiểu ước muốn nhân đạo trong lĩnh vực đạo đức”. Vì thế mà cuộc sống của “những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại”, vì Người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những giấc mơ của mình. Vì thế, Người là một hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Hồ Chí Minh chưa hề viết hay nói một bài riêng có hệ thống về chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn của Người toát ra từ toàn bộ cuộc đời liên tục đấu tranh không biết mệt mỏi, không lúc nghỉ, đã gặt hái nhiều thành quả và gửi lại nhiều kỳ vọng ở đời sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá” (2). Và Người đã hành động và hành động trước sau như một ở chính cuộc sống đời tư của mình:
Nơi ở: Bác Hồ cất tiếng chào đời trong một ngôi nhà lá đơn sơ nhỏ bé ở Nam Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Ba mươi năm đi tìm chân lý cho dân, cho nước Người đã sống một cuộc sống tha phương cầu thực trên đất khách quê người. Đến khi về nước, nơi ở của Người là cái hang đá, hang đất, sang hơn một chút là túp lều tranh, vách nứa, cái lán cỏ ở giữa chốn rừng sâu. Khi kháng chiến thành công, về Thủ đô của đất nước độc lập, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Pháp, đến ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ cho Toàn quyền. Vì cả đời Bác, Bác thương dân nhiều, nên dân thương Bác lắm, cho nên Bác không nỡ chối từ mỗi lời đề nghị của dân, đến ngày sinh 68 tuổi (19.5.1958), Người nhận một chút tài sản của Đảng, của dân giành cho là làm cho Người một ngôi nhà mới - ngôi nhà Sàn gỗ vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, mỗi phòng vuông vắn chưa đầy 10m2.
Ngôi nhà sàn Bác Hồ đã đi vào huyền thoại, bởi ở đó như nhà thơ Cu Ba - Phê Lích Pi Ta Rô Đri Ghết đã giải thích “Có lẽ phải nói đó là tinh thần chí công vô tư. Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết. Chiếc giường, tủ quần áo, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc. Chỉ có thế thôi, không gì hơn nữa. Chí công vô tư. Đó là việc lãng quên đi tất cả mọi điều có thể làm trở ngại cho tinh thần phục vụ không điều kiện và không chút mặc cảm của Người”. Bởi ở đó không có ngọc ngà, châu báu chỉ có ý tưởng có ý nghĩa triết lý và thực tiễn rộng lớn: “Trồng cây, trồng người”; Chân lý dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; Đạo lý làm người: “Cán bộ là người đầy tớ của nhân dân”; Nguyên lý giữ vững vai trò của Đảng cầm quyền: “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”… Đó là những tư tưởng nhân văn cao đẹp mà Người đã để lại cho muôn đời; như đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cái nhà Sàn của Bác mà từ nhiều năm nay nhiều người ở nước ta và trên thế giới đã biết và xúc động lúc viếng thăm nhà Sàn ấy. ở đây Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi, trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người”. Việc vị nguyên thủ của một quốc gia ở và làm việc trong một ngôi nhà Sàn gỗ đơn sơ ấy, ta thấy tưởng như có tiếng ngàn xưa của vua Lý Thái Tổ mà nay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn là “lập kế lâu dài, trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người”.
Hàng chục, hàng chục triệu người đã đến đây và đứng trước ngôi nhà Sàn của vị đứng đầu quốc gia mà tĩnh lặng tư duy, suy tưởng về biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn ấy và có người đã khẳng định; “Một khu nhà ở đơn sơ, một chiếc giường giản dị. Người sống một cuộc sống vô cùng khiêm tốn trong lúc chính Người có thể sống như một ông vua. Người luôn xứng đáng là một tấm gương cho một thời đại cách mạng…Nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh là một bài học lớn đối với tất cả những người cách mạng trên thế giới. Cuộc sống đơn sơ và giản dị của Người chứng tỏ rằng, Người sống vượt lên trên hết thảy mọi ham muốn vật chất. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc Người. Chính vì vậy, với dân tộc mình Người trở nên vĩ đại và đáng yêu. Với các dân tộc trên thế giới, Người trở thành con người đáng kính và đáng khâm phục”.
Bữa ăn: Đối với người dân Việt Nam, bữa ăn là lúc gia đình đoàn viên, nhưng riêng với Bác Hồ bữa ăn nào cũng vậy, ngoài cái bát, cái đĩa đựng thức ăn thì trong mâm cơm của Người bao giờ cũng chỉ có một cái bát, một đôi đũa. Người đã chịu buồn như thế trong suốt cả cuộc đời mình để phấn đấu cho cái vui đoàn viên của mọi nhà, mọi người. Bữa ăn của Bác không cao lương, không mỹ vị. Bác dùng các món ăn như các gia đình Việt Nam thường dùng: bát canh, quả cà, đĩa rau, khúc cá kho hoặc miếng thịt kho;
Bác ăn vừa đủ và không bao giờ để thức ăn thừa. Năm 1957, Bác về thăm quê. Khi ăn cơm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bác để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình;
Tôn trọng người phục vụ, khi xong bữa ăn, Bác tự tay thu dọn bát đĩa gọn gàng để người phục vụ chỉ việc bê đi. Đi đâu, gặp công nhân, cán bộ, quân đội, sinh viên, hễ có dịp là Bác thường nhắc nhở, Bác nói: Ăn rồi, mỗi người một tay thu dọn cho gọn giúp người lao động, đồng chí của mình mà như thế là kính trọng người ta, gì chứ việc mình ăn xong, đũa bát nhếch nhác, mình để đấy ai dọn? Nhờ anh em, nhờ việc gì chứ việc này mình thử nghĩ xem có nên tự mình thu xếp gọn gàng lại không?;
Khi dùng cơm, không bao giờ Bác Hồ để rơi một hạt cơm. Việc nhỏ, nhưng trên đời này nhiều người không làm được mà duy có Bác Hồ làm được. Việc nhỏ này làm cho ta liên tưởng đến câu châm ngôn của đời: “Trong những việc lớn ở đời, con người ta hiện ra như người ta muốn rằng người ta như thế, còn trong những việc nhỏ thì người ta mới hiện ra đúng với cái chất của người ta”. Cái chất trong con người Bác Hồ qua việc làm nhỏ bé ấy thể hiện thứ nhân văn cao cả của lòng nhân ái thiết thực. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: “Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hoà ở một con người”. Đó là con người mới của đời sống mới, đời sống văn hoá ngày nay kế thừa văn hoá ở đời xưa;
Xoay quanh hạt nhân của đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính. Bác Hồ nhắc đến “phong thuần tục mỹ” cấm hẳn say sưa, cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp. Người nhắc đến tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “đói cho sạch, rách cho thơm”: “Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét đến khi giặc cướp lung tung thì dù giàu cũng không hưởng được. Khi đồng bào còn nghèo đói, Bác Hồ khuyên “lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo, để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”(2);
Bớc sét (Burchett) đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng trong nhân dân thì không có ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Người thương dân nên thường dặn trong lúc đời sống còn nhiều khó khăn: Dân, cán bộ ăn cơm độn bao nhiêu phần trăm thì độn cho Bác bấy nhiêu phần trăm. Khi đi công tác Bác vẫn mang cơm mắm ở nhà đi, Bác nói: Người ta dọn ra một bữa sang, có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng đấy. Bác Hồ đến thăm cũng làm một bữa cơm sang, thế là tự Bác bao che cho cái chuyện xôi thịt. Như thế nắm cơm mang theo cho tiện, ăn no rồi đến làm việc;
Đến nơi đây, đến nơi di sản lịch sử văn hoá Bác Hồ gửi lại cho đời sau cho ta những cảm nhận rất thực: Trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ, khi lãnh đạo cách mạng cũng như trong cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ luôn luôn vẫn là Bác Hồ. Sự ăn ở của Người quá ư bình dân; Với tư cách là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, nhưng nơi ăn, chốn ở của Người chẳng khác gì lối sống đạm bạc của giai cấp cần lao, đã khẳng định một lẽ sống văn hoá mà Người chủ trương xây đắp: “Phải làm cho văn hoá đi sâu vào tâm lý quốc dân, đi vào cuộc sống mới; Văn hoá phải sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hoá phải làm thế nào cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình nên được hưởng”(3).
Cái mặc: Trước hết xin được giới thiệu một số nhận xét, đánh giá của một số học giả nước ngoài viết về điểm văn hoá này của danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh tại “Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”: “Khi tôi đến thăm Người lần đầu năm 1957 tại cơ quan của Người tại Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên về cách ăn mặc giản dị của Người. Người mặc một bộ đồ bằng vải ka ki, chân đi dép cao su…mặc dù giữ chức vụ cao, Hồ Chí Minh vẫn duy trì nếp sống giản dị, làm cho Ngươi có điều kiện gần gũi với quần chúng và quần chúng cũng đồng cảm với Người”(4); “Không ưa nghi lễ, bao giờ Bác cũng mang cùng một bộ đồ vải, một đôi dép lốp. Người vẫn giữ phong thái xưa của người du kích. Mỗi tháng, Người lĩnh 240 đồng. Sự khiêm tốn ấy là một bài học kinh tế học, không xa hoa, không khổ cực”(5); “Về cá tính, Người chỉ nói ít và chỉ nói những điều cô đọng, là người nhân hậu và khiêm tốn, giản dị…Người chỉ mặc bộ quần áo ka ki và chiếc mũ cũng vải ka ki, nhiều lần có người đề nghị biếu quần áo sang trọng hơn để Người dùng, thì Người đã nhẹ nhàng từ chối rất khéo rằng: “Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều lắm, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”(6).
Trong suốt 15 năm cuối cùng, Bác Hồ có một chiếc tủ đựng tư trang. Tư trang của vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước chủ yếu là: Bộ quần áo dạ màu đen mà Người đã mặc một số lần khi đi thăm nước Pháp 1946 và thăm một số nước khác thời kỳ 1955 - 1958, một vài bộ quần áo lụa màu gụ, tấm áo bông, áo len và đôi dép cao su, đôi guốc mộc Người thường đi hàng ngày.
Quần áo Bác Hồ mặc hàng ngày chỉ bình thường, tựa như quần áo của một lão nông. Khi tiếp khách, Người mặc bộ quần áo ka ki. Tới khi bộ quần áo ka ki của Người quá cũ, có người đề nghị thay bộ mới. Người bảo: Nhiều đồng bào ta nếu có được bộ quần áo thế này cũng là tốt lắm. Thế thì việc gì tôi phải thay. Xí nghiệp May 10 (nay là Công ty May 10) gửi biếu Bác bộ quần áo ka ki mới để Bác dùng, Bác nhận, song Người lại gửi cho xí nghiệp “cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo, Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua”(7); Bác Hồ thường dặn những người phục vụ: Nếu tư trang Bác dùng bị rách thì vá lại cho Bác. Có lần, tất của Bác bị rách, chưa kịp vá, anh em phục vụ bèn đưa đôi tất mới để Bác dùng. Bác cầm chiếc tất rách, xoay chỗ rách vào bên trong, rồi cười: Đấy, có trông thấy rách nữa đâu.
Về mùa đông, Bác Hồ có một áo bông của đồng bào biếu. Bác dùng nhiều năm rồi. Mới đầu bông xốp còn dầy ấm. Sau dùng mãi nó lép kẹp không ấm lắm nữa. Nhưng chưa ai dám nghĩ đến việc xin Bác bỏ mền bông đâu, chỉ nghĩ đến thay vỏ ngoài. Lúc đầu cái vỏ bằng vải mới, dần dần nó phai màu, đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ. Bác bảo mạng lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai. Mùa rét tháng 2.1969, nó lại rách một miếng nữa ở vai. Đồng chí phục vụ xin Bác cho thay vỏ ngoài, vì nó lại rách lần thứ hai ở vai rồi. Bác nói: “Này chú ạ, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”.
Một lần chiếc ô tô phục vụ Bác bị lão hoá ở vòng tay lái, nhưng chưa kịp sửa thì đúng lúc có việc Bác phải đi, anh bảo vệ lấy chút nước hoa vẩy vào trong xe để làm át mùi cao su, khi lên ô tô, Bác phát hiện có mùi nước hoa, Bác nói: Không phải Bác không thích nước hoa. Nhưng nhân dân mình còn nghèo khổ, vị chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành.
Một câu nói biểu thị một tấm lòng, một việc làm minh chứng cho một lẽ sống, lẽ sống văn hoá cao đẹp của vị đứng đầu một nước ở thế giới ngày nay, ở thời đại ngày nay. Cuộc sống như vậy quả là một sự kiện có một không hai. Những cái đó đã trở thành di sản biểu tượng thiêng liêng vô vàn quý giá, những chứng tích hết sức sống động để giáo dục cho bây giờ, cho muôn đời con cháu về sau, cũng như để nêu tấm gương sáng cho nhân loại. Nhất là ngày nay, khi mà thiên hạ đang có khuynh hướng đổ xô theo một cuộc sống lấy tiện nghi vật chất làm cứu cánh, lấy phù hoa, xa xỉ, đồng tiền làm lý tưởng ở đời. Thì đó là bài học của một cuộc đời giản dị, khiêm nhường, chí công vô tư; Một tư tưởng nhân văn cao cả cuộc sống vật chất càng giản dị thì càng phù hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất đó là cuộc sống thật sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng cho thế giới ngày nay.
Sống khiêm tốn: Rất lạ lùng, rất kỳ diệu là trong suốt 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió, có lúc diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, ở trong nước, nhưng Bác Hồ vẫn luôn luôn giữ nguyên phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp. Một trong những bộ phận cấu thành của cuộc sống nhân văn đó của Người là đức tính khiêm tốn. Một chính khách ở Châu Phi trong một bài nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đặt vấn đề một cách rõ ràng: “Nên tập trung nói về đức tính giản dị, khiêm tốn của Cụ và về kiểu mẫu đặc biệt của con người Cụ, mà Người coi là điều phải hết sức chú ý”(8).
Biểu hiện cao cả của sự khiêm tốn giản dị mà Bác Hồ nêu gương sáng cho mọi thế hệ là: Người rất ít khi nói về mình và không chịu để ai ca ngợi mình. Những lúc đến thăm các nơi, khi thấy mọi người hô: “Bác Hồ muôn năm” là Bác đã giơ tay ra hiệu cho mọi người dừng; nếu thấy hô đến hai, ba lần là Bác không vui. Bởi lẽ, Bác không chấp nhận một chút nào tệ sùng bái cá nhân, Bác không bằng lòng để ai hẩu với mình.
Nhiều người trong nước và nước ngoài muốn viết tiểu sử về Bác, nhưng không ai thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Bác Hồ không muốn nhắc lại thân thế mình. Nhà sử học Nhật Bản Si Gô Si Ba Ta khi đến gặp Bác Hồ để viết tiểu sử về Người, Người trả lời: “Trước hết hãy viết lịch sử của nhân dân Việt Nam. Khi viết xong tôi sẽ viết tiểu sử của tôi”(9). Như vậy, Người hướng sự chu ý của các nhà sử học về phía nhân dân. Lịch sử của nhân dân Việt Nam là dòng chảy liên tục, không có điểm kết thúc, không có nhà sử học nào có thể viết xong được.
Đức tính cao đẹp, tâm hồn thanh cao trong cuộc đời của Bác Hồ là tìm mọi cách để lẩn tránh nói về riêng mình, khi phải nói thì bao giờ cũng nói về nhân dân: “Tôi tuyệt nhiên không muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành”(10).
Đức tính cao đẹp ấy tạo nên bầu không khí tâm lý tình cảm chan hoà giữa Người với nhân dân Việt Nam, giữa Người với anh em bầu bạn thế giới. Đức tính ấy cảm hoá được mọi người, dìu dắt mọi người đoàn kết chiến đấu. Chính từ đức tính cao đẹp sống vì dân, chết cũng vì dân, công danh phú quý cũng là nhờ ở nơi dân, mà Bác Hồ là một con người thật sự mang tính người trong thời đại chúng ta, vì lẽ đó, kẻ thù cũng phải kính nể Người.
Bác Hồ đã không bao giờ nói về mình và không chịu để ai nói về mình đó là sự khiêm tốn vĩ đại, mà lại còn không bao giờ đồng ý để cho bất kỳ ai ca ngợi mình, đó là biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn trong sáng. Vì thế, lúc sinh thời Người, chưa một nhà điêu khắc nào cả trong và nước ngoài được Người cho tạc tượng mình, mà Bác chỉ cho: “Không có nhân dân thì không có Bác, các chú h•y nặn tượng đồng bào, chiến sĩ, nặn tượng thanh niên, thiếu niên anh hùng”(11); Khi Người ra đi trên ngực Người không một tấm huân chương.
Có lần ngành Văn hoá đến xin phép dựng nhà lưu niệm về Bác ở Nam Liên (Nghệ An), ở Pắc Bó (Cao Bằng), Bác nói: “Các chú thương Bác thì nên lo lấy cái ở, cái ăn, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm tốt làm gì, nếu bà con ta ở vùng này ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà giữ trẻ cho tốt, phải xây dựng trường học, bệnh xá cho tốt. Phải chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con xã viên. Đó là cách lưu niệm tốt nhất”(12).
Những ngày nằm trên giường bệnh, nghe nói về những ngày kỷ niệm trong năm 1970, ánh mắt Bác rất vui. Nhưng khi nghe báo cáo tới việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Người, Bác liền bảo: Các chú nên bàn cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19.5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Còn nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lê Nin, 25 năm ngày thành lập nước nên có sớm kế hoạch để tuyên truyền trong nhân dân, riêng giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu khỏi lãng phí.
Ngày 19.5 hàng năm, Bác Hồ không bao giờ ở nhà. Vì rằng Người sợ ở nhà sẽ có nhiều người đến chúc thọ, như thế vừa mất thời gian của mọi người, lại vừa mang tiếng ở đời là quan dân, lễ cách. Ngày đó, Bác Hồ thường đi công tác xa. Như, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của Bác (19.5.1965), Bác sang thăm Trung Quốc. Hôm ở nhà nghỉ Bắc Kinh, bạn biết ngày sinh nhật của Bác nên bạn có chuẩn bị lễ chúc thọ, Bác Hồ nghiêm túc nói: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ”. Dịp sinh nhật Bác năm sau, Bác cũng sang Trung Quốc với mục đích như Bác viết trong thư gửi cho bà Đặng Dĩnh Siêu - Cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc “Tôi đi Trung Quốc lần này với mục đích thật đơn giản, đi để du lịch, đi để tránh chúc thọ, tránh tặng quà”(13).
Tránh việc chúc thọ đó là biểu hiện tầm cao của sự khiêm tốn, thể hiện cái đẹp lạ kỳ trong con người Bác, đó là biểu tượng của “người đầy tớ của nhân dân”, Người trung thực với chính bản thân, trung thực với dân tộc. Chính nhân cách ấy, chính hành vi cao thượng ấy, Bác Hồ để lại cho dân tộc, cho nhân loại tấm gương sáng ngời về đạo đức, tấm gương về những đức tính và đạo lý làm người cao cả đẹp đẽ nhất.
Vậy là, 15 năm ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã để lại cho đời sau một di sản lịch sử văn hoá ghi lại lối sống cụ thể và thực tiễn, tập trung và bao trùm sự tồn tại của cái chỉnh thể con người - xã hội - tự nhiên, tức là toàn bộ hệ thống quan hệ của con người với bản thân, với xã hội và với tự nhiên, tạo nên đỉnh cao giá trị văn hóa tinh thần.
Xét về mặt giá trị tinh thần thì đó là niềm tự hào của dân tộc, trong bối cảnh mà thế giới coi Việt Nam - Hồ Chí Minh là lương tri của thời đại. Nếu Nguyễn Trãi khuôn mặt tiêu biểu cho nhân nghĩa thời văn minh Đại Việt, thì Hồ Chí Minh là nhà đạo đức có một không hai trong nền văn hoá - văn minh hiện đại Việt Nam. Nguyễn Trãi dốc lòng xây dựng một xã hội lý tưởng vua thương dân, làm những việc khoan dung; quan lại thì trung quân ái quốc. Với Bác Hồ nội dung trên chuyển hoá thành phương châm hành động “Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” vì mục tiêu giải phóng dân tộc, đi đôi với giải phóng con người thoát khỏi bất công và áp bức.
Từ sau ngày Người đi vào thế giới vĩnh hằng, sự mong muốn được tiếp cận với những chứng tích vật chất ghi nhận cuộc sống đời thường của bậc vĩ nhân được lưu lại, được minh chứng ở nơi ở và làm việc lâu nhất, nhưng còn được giữ nguyên vẹn trong suốt quá trình chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vượt qua bao hiểm nghèo để tới đích vinh quang; Nơi phát xuất những tư tưởng lớn lao có liên quan đến sự sống còn của sự nghiệp giải phóng của cả một dân tộc để thưởng thức, tiếp thu: Những cái đẹp về cuộc sống của một danh nhân văn hoá, cái đẹp thực sự truyền thống nhưng hiện đại, cái đẹp giản dị nhưng văn minh, cái đẹp khiêm tốn nhưng vĩ đại, cái đẹp của đời riêng nhưng phù hợp với quy luật của đời; thưởng thức, tiếp thu những tinh tuý của một di tích đáng giá của dân tộc, là khát vọng nồng cháy tận đáy lòng ở mỗi con người hôm nay. Và đến đây ta có thể ví Người như bậc trượng phu, nhà hiền triết hiện đại và vĩ đại, bởi lẽ từ cuộc sống cụ thể, từ hành động thực tiễn Người đã gửi lại kỳ vọng cho đời sau lối sống: Sự thống nhất giữa cá nhân và xã hội, lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, nhu cầu đạo đức và nhu cầu thẩm mỹ, và bằng chính tấm gương của mình trong lối sống đó, Người răn người đương thời và con cháu về sau hết sức cảnh giác với ma lực của cuộc sống lấy tiện nghi vật chất làm cứu cánh, làm lý tưởng ở đời và quyền lực dễ làm tha hoá con người bằng lời dạy thật nhân văn, thật con người: “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt, xấu truyền đến ngàn đời sau”(14). Đó là lối sống mẫu mực của giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, của phát huy truyền thống văn hoá dân tộc và góp phần vào xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Biểu hiện cụ thể và sinh động nhất của văn hoá chính là cách sống, lối sống. Hiện nay toàn Đảng, toàn dân đang tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, thực chất là cuộc cách mạng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và bây giờ ta đang xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thì nhìn lại lối sống của Bác Hồ - vĩ nhân của văn hoá nhân loại trong thế kỷ XX để ta suy ngẫm; học lại tư tưởng nhân văn của Người để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng một lối sống mới, lối sống xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thiết thực xây dựng nền văn hoá tiên tiến của dân tộc ta trong bối cảnh thời đại của thế kỷ XXI./.
_____________
(*) Bài tham gia Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản Hồ chí Minh trong thời đại ngày nay"
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập. T3. NXBCTQG. HN 1995 tr.431
(2) (10) Hồ Chí Minh Toàn tập. T4. NXBCTQG. HN 1995 tr.31; tr.161;
(3) (4) (5) (6) Hội thảo Quốc tế XBKHXH. HN 1990 tr.16; tr.24; tr.40; tr.164;
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập. T9. NXBCTQG. HN 1995 tr.342;
(8) Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức cách mạng NXBTTLL. HN 1986 tr.291;
(11) Bác Hồ như chúng ta đã biết. XBTN. HN 1985 tr.113 (9); tr.103;
(12) Hà Huy Giáp: Suy nghĩ về đạo lý làm người của Hồ Chủ tịch. XBST. HN 1990 tr.40;
(13) (14) Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. NXBCTQG. HN 2009 tr.60; tr.62.