Thứ Sáu, 8/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 10/5/2010 16:30'(GMT+7)

Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, " Là đạo đức, là văn minh"

Bác Hồ đi công tác ở chiền khu Việt Bắc

Bác Hồ đi công tác ở chiền khu Việt Bắc

1.Mùa thu năm 1945, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản lãnh đạo đã giành thắng lợi. Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đã không chỉ tuyên bố với nhân dân thế giới về nền độc lập của Việt Nam, mà còn đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận “thần dân”, thân phận “nô lệ” trở thành công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đi liền cùng trang sử mới đó là sự thay đổi: Đảng từ hoạt động bí mật, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền, trở thành một Đảng cầm quyền, lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững, bảo vệ chính quyền cách mạng, và xây dựng nền dân chủ cộng hòa. Với bước chuyển căn bản đó, muốn không bị tụt hậu, muốn xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng không những phải có trí tuệ mới, phẩm chất mới ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, mà còn phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống những nguy cơ mới dẫn đến sự suy yếu của Đảng cầm quyền. Và theo Hồ Chí Minh, một trong những nguy cơ ấy là những thói hư, tật xấu, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Là những hệ lụy của quyền lực, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, những lỗi lầm nguy hiểm như: thói trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo của cán bộ, đảng viên “cầm quyền” Hồ Chí Minh từng nêu ra ngay trong những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập đã trở thành một trong những nguyên nhân sâu xa làm giảm sức chiến đấu của một Đảng chân chính, cách mạng. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ rằng những tệ nạn đó trái với đạo đức cách mạng của người cộng sản: cần, kiệm, liêm, chính, trái với tinh thần chí công vô tư và đó chính là vấn nạn, là “cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch”[1] mà Hồ Chí Minh đã nhận thấy, đồng thời chỉ rõ trong bài viết Tự phê bình, đăng báo Cứu quốc số 153, ngày 28/1/1946.

Những ngày độc lập, hòa bình kéo dài không được bao lâu, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã thề hy sinh tất cả, “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tất cả cho kháng chiến, tất cả vì mục tiêu “Độc lập trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, và để Đảng – bộ tham mưu lãnh đạo của toàn dân thực sự vững mạnh, trong sạch, gánh vác trọng trách đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh, những hiện trạng đang tồn tại trong các cơ quan Đảng, Chính phủ, trong một bộ phận cán bộ đảng viên của Đảng. Đó là tự mãn, tự túc, hiếu danh, hiếu vị, địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa, cô độc hẹp hòi,v.v... và những khuyết điểm này được nêu ra, được nhắc lại và được chỉ rõ qua Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa 2/1947, Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ 3/1947, Thư gửi các đồng chí Trung Bộ 1947.

Đặc biệt trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc 10/1947, Hồ Chí Minh đã dành nói kỹ hơn về những khuyết điểm: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ, bênh “hữu danh vô thực”, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh tị nạnh, xu nịnh, a dua, v.v..của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Không chỉ nhấn mạnh rằng: những căn bệnh đó đang tồn tại “là trái với lợi ích của Đảng”, làm rạn nứt khối đoàn kết trong Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng với Đảng, tiếp đó, Hồ Chí Minh còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa”[2], để hướng lòng mình đến chí công vô tư.

Những thói hư, tật xấu Hồ Chí Minh đã nêu tên, dù chỉ ra với tên gì, và trong giai đoạn nào, cũng vẫn là một loại kẻ thù nguy hiểm. Đó không phải là giặc ngoại xâm, dễ nhìn thấy, mà theo Hồ Chí Minh, đó là giặc “nội xâm”, luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, nằm trong tổ chức của ta, phá ta từ bên trong. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng, kẻ địch nội xâm, ở trong lòng, đáng sợ hơn giặc ngoại xâm, vì khó nhìn thấy hình dạng cụ thể. Vì nguy hiểm như vậy, vì chúng mà những cán bộ, đảng viên dễ trở thành những kẻ tham ô, tham nhũng, quan liêu, và cũng vì chúng mà họ sẵn sàng “xâm phạm đến lợi ích của nhân dân”, quên lợi công chỉ nghĩ lợi tư, lo cho mình mà không lo cho tập thể. Đối với họ, vào Đảng, làm quan là cái đích để họ hướng tới và với vị thế đó họ chỉ chăm lo cho bản thân và những người thân, những người thuộc cánh hẩu với mình,v.v..mà “quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng[3]..

Vì coi trọng riêng mình, không cầu tiến bộ, không thường xuyên tự phê bình và tiếp nhận phê bình, lợi dụng vị trí đảm nhiệm, họ đục khoét tài sản và tiền bạc của nhân dân, tham ô, tham nhũng, kéo bè, kéo cánh, quan liêu và tự cao, tự đại, dần dần sa vào thoái hoá biến chất, không tự giác, họ đã vô tình “biến thành người có tội với cách mạng” và nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, dù biểu hiện dưới hình thức nào, ở đâu, thì những tệ nạn đó cũng là tàn dư của chủ nghĩa thực dân, phong kiến còn rơi rớt lại, nó cũng sẽ đưa những người “đồng chí ấy đến chỗ “tự do hành động”, trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng. Dù muốn hay là không muốn, hành động của những đồng chí ấy làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng”[4].

Nêu ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân xuất hiện trong thời kỳ nước nhà mới giành độc lập, trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chí Minh cũng tiếp tục chỉ rõ những người đã mắc phải bẫy của “viên đạn bọc đường” trong thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH. Đó là những con người đã từng chiến thắng nhiều kẻ thù, vượt qua được thử thách của bom đạn chiến tranh, nhưng lại tụt hậu trước cám dỗ của quyền lực. Trong số họ, người thì bòn rút của công, cậy quyền, ỷ thế nhận hối lộ; người lừa trên, dối dưới để chạy quyền, chạy chức để “vinh thân phì gia”, v.v..Và tệ hơn nữa, Hồ Chí Minh còn chỉ ra: có những kẻ mới “có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”[5].

Căn nguyên của những suy thoái đó chính là do “chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh họ”, vì vậy, họ không còn giữ vai trò “tiền phong”, “không làm nên trò trống gì”. Kết quả là “quần chúng không tin họ, càng không yêu họ” và ngày càng rời xa họ. Đó là những con sâu mọt trong Đảng, những kẻ thù của nhân dân và chủ nghĩa xã hội.

2. Không chỉ nêu rõ những biểu hiện, những tác hại của những tệ nạn đó, bình sinh, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: chừng nào cán bộ, đảng viên của Đảng chưa chiến thắng được những nọc độc của chủ nghĩa cá nhân, chừng đó trong Đảng vẫn sẽ còn những hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, Đảng không thể “là đạo đức, là văn minh”, lại càng “không thể lãnh đạo được quần chúng, không thể làm cách mạng”.

Không chỉ cảnh báo, nêu rõ tác hại của căn bệnh dịch dễ lây lan này, Người còn yêu cầu: thời chiến cũng như thời bình, để Đảng thực sự là một khối thống nhất, thực sự được nhân dân tin yêu, thì trước hết và quan trọng nhất là phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, rèn luyện đạo đức cách mạng liên tục, thường xuyên. Đó là phải đoàn kết, phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ - những biện pháp thiết thực góp phần làm cho mỗi cán bộ đảng viên của Đảng trở thành những người cộng sản chân chính, xứng đáng với vị trí tiền phong.

Tuy nhiên vẫn chính Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, tự phê bình và phê bình là phải thành khẩn, trung thực, kiên quyết, ráo riết và triệt để nhằm giúp đồng chí của mình học cái hay và tránh cái dở, làm điều thiện và tránh xa điều ác. Đó cũng chính là để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, là những người “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”[6].

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm. Sự nêu gương mẫu mực của Người về đạo đức cách mạng xuyên suốt và nhất quán trong mọi thời điểm cách mạng. Những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hoà bình, công lý và những người tiến bộ trên trái đất. Cuộc đời cách mạng anh hùng và tấm gương đạo đức sống tràn đầy tình yêu Tổ quốc và nhân dân một cách tự nguyện được truyền lại trong Đảng, trong nhân dân và trong trái tim những người yêu tự do, công lý. Suốt đời, “Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp “cần kiệm liêm chính” và “chí công vô tư”, dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân”[7] và đến khi buộc phải từ biệt thế giới này, Hồ Chí Minh cũng không có điều gì phải hối tiếc, “chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người đã từ kinh nghiệm chính cuộc đời hoạt động cách mạng phi thường của mình để chỉ ra và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, và coi đó là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng .

Theo lời Người, xa rời chủ nghĩa cá nhân, hướng lòng mình đến chí công vô tư, luôn thấm nhuần và thực hiện theo tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng khi “gặp thuận lợi và thành công cũng giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá”[8], và khi “gặp khó khăn, gian khổ cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”. Đó chính “là đạo đức, là văn minh” của một Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh mà Hồ Chí Minh luôn bận tâm và trăn trở.

Bởi lẽ vậy, hướng về Người, noi gương Người và quy tụ xung quanh Người là những cán bộ, đảng viên ưu tú của Đảng. Đối với họ, “không có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”[9]. Đối với họ, “chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”, phải luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Hồ Chí Minh từng làm và mong mọi người cũng làm như vậy.

3. Giờ đây, khi xây dựng Đảng thật sự trong sạch, “là đạo đức, là văn minh” đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn, khi suy thoái đạo đức đã “là một bộ phận không nhỏ” trong Đảng, thì những điều căn dặn của Hồ Chí Minh về việc chống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân bằng nhiều biện pháp, trong đó có phê bình và tự phê bình (đặc biệt ở đội ngũ lãnh đạo cấp cao) trong Đảng, về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, về nhiệm vụ giám sát và kiểm tra của Đảng càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc.

“Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy, và Người cũng kết luận Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Và để Đảng luôn xứng đáng với truyền thống 80 năm xây dựng và phát triển của mình của mình, hơn bao giờ hết chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc lời Hồ Chí Minh đã dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mafcos khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[10] .

Với ý nghĩa đó, trên tinh thần cách mạng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (4/2006) đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong Đảng như: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt cao cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tinh thần chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng…Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền…làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”[11].

Và cũng với ý chí và quyết tâm đó, để thực hiện thắng lợi Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đặc biệt là để Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người (1890-2010), cùng với việc giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, là việc đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đoàn kết thống nhất trong ý chí, thống nhất hành động trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, để có thể học tập và làm theo những điều Hồ Chí Minh đã dạy về rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn tự phê bình và phê bình trên cơ sở của tình thương yêu đồng chí lẫn nhau. Đồng thời, Đảng phải kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của mình những kẻ tha hóa, biến chất, những kẻ đã dùng tiền tài để mua và “chui lọt” vào những vị trí “công quyền”, chỉ để nhằm “dĩ công dinh tư”, bởi khi lòng dạ không còn trong sáng nữa, khi đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, họ sẽ không còn được nhân dân yêu mến và noi theo.

Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những nỗ lực không mệt mỏi của Người để xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, và những tâm huyết, trăn trở của Người về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có đức, có tài, nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng” vẫn luôn cổ vũ, động viên mỗi người trong hành trình học tập, lao động và phấn đấu, luôn trở thành nguồn sức mạnh nội lực đồng hành cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, đổi mới và hội nhập./.


    TS. Văn Thị Thanh Mai



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.4, tr.166

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.233

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.287

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.288

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.289

[6] Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.184

[7] Cốc Nguyên Dương, Tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.KHXH, H.1990, tr.21

[8] Hồ Chí Minh, Sđd, t.9, tr.284

[9] Hồ Chí Minh, Sđd, t.9, tr.293

[10] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.261

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H, 2006, tr.263-264

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất