Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 9/5/2010 12:2'(GMT+7)

Đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vấn đề đoàn kết dân tộc càng trở nên quan trọng.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vấn đề đoàn kết dân tộc càng trở nên quan trọng.

Đoàn kết tạo ra sức mạnh

Đoàn kết là quan điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh. Người cho rằng chỉ có đoàn kết mới tạo ra sức mạnh để cách mạng thành công. Trong bài phát biểu lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951, Người chỉ rõ mục đích của Đảng có thể nói gọn trong 8 chữ: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng ra đời và hoạt động không phải vì mục đích tự thân mà để phụng sự Tổ quốc. Song muốn phụng sự Tổ quốc, Đảng phải đoàn kết toàn dân. Đảng phải thực sự của dân, do dân, vì dân và gắn bó chặt chẽ với nhân dân.

Người luôn tin vào sức mạnh của nhân dân. Người cho rằng: ”Đã là người dân Việt thì ai cũng có một lòng yêu nước nồng nàn và biết căm thù giặc sâu sắc. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài, nhưng đều hợp lại nơi bàn tay. Trong hàng triệu người, cũng có người thế này, người thế khác, nhưng đều là dòng dõi tổ tiên ta, vậy phải khoan dung, độ lượng. Đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”.

Niềm tin vào sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh dựa trên những cơ sở khoa học và cách mạng.

Thứ nhất,  đó là kế thừa, phát huy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử.

Hồ Chí Minh yêu cầu dân ta phải biết sử ta. Người chỉ rõ, sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.

Thứ hai, tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá nhân loại và chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam.

Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.

Tháng 9/1919, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận xét chính xác: ”Thế giới chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”.

Ở nước ta, sau khi mới thành lập Đảng, Người thành lập Hội phản đế đồng minh, phát triển thành Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi. Sau khi về nước năm 1941, Người thành lập Mặt trận Việt Minh và nhiều hình thức, tổ chức quần chúng rộng rãi, thích hợp. Cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng khối liên minh công, nông, trí thức cùng các tôn giáo, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam

Xuất phát từ những cơ sở đó, nội dung đoàn kết dân tộc của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở một số điểm chính.

Thứ nhất, đoàn kết các dân tộc trong nước thành khối vững chắc là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh xác định “Đoàn kết rộng rãi và lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị, ta đoàn kết là để đấu tranh thống nhất độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”.

Thứ hai, đoàn kết là sự thống nhất dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh luôn khẳng định nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không thế lực nào có thể chia cắt được. Người chỉ rõ: “Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xây đắp Tổ quốc mình từ Bắc chí Nam, cùng chung một lịch sử, một tiếng nói một nền kinh tế, cùng đứng lên đánh đuổi thực dân. Dân tộc Việt Nam kiên quyết đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Thứ ba, đoàn kết gắn bó với bình đẳng dân tộc. Hồ Chí Minh xác định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: “Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Người chỉ rõ: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên CNXH.”

Thứ tư, đoàn kết nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau để cùng phát triển.

Hồ Chí Minh luôn xác định “ Bốn phương vô sản đều là anh em”, “giúp bạn là giúp mình”. Coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới…

Những tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh thực sự có giá trị chỉ đạo chúng ta thực hiện chính sách dân tộc trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN mở cửa, hội nhập với thế giới hiện đại trong xu thế toàn cầu hoá để không ngừng phát triển./.

PGS.TS Trần Quang Nhiếp

(Nguồn: Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất