Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 8/5/2010 22:33'(GMT+7)

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

56 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” vẫn được mọi người nhắc tới với niềm tự hào. Chiến thắng ấy gắn liền với tên tuổi của một vị tướng tài ba. Ông đã đi vào lịch sử thế giới như một huyền thoại. Ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh

Nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta không thể quên vai trò của Tướng Giáp, vị Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông Phùng Như Hùng, Việt kiều Pháp, khi ấy là một thanh niên, tham gia tự vệ trung đoàn Thủ đô kể: “Khi trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, tôi là người ở lại chặn đường cho quân ta rút. Biết chuyện, ông Giáp tới bắt tay, khen ngợi tôi. Ông Giáp cũng học ở trường Pháp. Đó là một con người tài giỏi. Khả năng của ông (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã được chứng minh ở Mặt trận Điện Biên Phủ.”

Chỉ trong 56 ngày đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy lực lượng quân đội tấn công vào lòng chảo Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của quân đội viễn chinh Pháp. Để giành chiến thắng, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông là “kéo pháo ra”, thay đổi cách đánh, từ “đánh nhanh, thắng nhanh, sang đánh chắc, tiến chắc”, làm sao giành thắng lợi tối đa với xương máu tối thiểu.

Để có thể đưa ra quyết định táo bạo này là nhờ lời động viên của Hồ Chủ Tịch khi tiễn ông ra mặt trận “tướng quân tại ngoại, toàn quyền quyết định, có chắc thắng thì hãy đánh, ngược lại là hết vốn”. Chả thế mà nhà văn Sơn Tùng trong cuốn sách “Trái tim quả đất” khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải khâm phục gọi ông là một nhà quân sự thiên tài, một nhà sử học, nhà văn hoá, nhà báo, nhà giáo, một con người đầy trách nhiệm với Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vận dụng thành công tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và thực tiễn Điện Biên Phủ đã chứng minh, ông hoàn toàn đúng. “Rút pháo ra” là một bước lùi để tiến, bước lùi cần thiết để đi tới dứt điểm chiến tranh.

Đại tá Lê Kim, người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Nhiều người nhắc tới việc thay đổi chiến thuật từ đánh nhanh, thắng nhanh, sang đánh chắc, tiến chắc của Đại tướng. Ngay từ năm 1950, Đại tướng đã có suy  nghĩ chuyển từ đánh Cao Bằng sang đánh Đông Khê và đánh quân tiếp viện của Pháp. Chúng tôi vẫn nói vui hai lần ông Giáp đã cứu sống mình. Đầu tiên, nếu đánh Cao Bằng cũng tổn thất. Mà lần này, Điện Biên Phủ đánh nhanh, thắng nhanh cũng sẽ tổn thất. Tôi thấy, Đại tướng của chúng ta là một người có tài thao lược về quân sự và qua thực tiễn, tích luỹ kinh nghiệm mà trưởng thành”

Một nhà quân sự thiên tài nhưng lại rất nhân văn, như ông từng tâm sự: “Tôi là Võ nhưng lại là Văn vì tôi rất thương người, thương anh em chiến sĩ”. Đại tá, nghệ sĩ - nhà báo, nhà nhiếp ảnh Trần Hồng đã không ít lần chứng kiến Đại tướng rơi nước mắt trước cảnh người dân ở nhiều nơi còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn. Cũng vì thế mà trong những năm tháng đi cùng Đại tướng, tiếp xúc với ông, nhà báo Trần Hồng cố gắng tiếp cận ông ở mọi góc độ, để khám phá ra một con người vĩ đại nhưng lại vô cùng giản dị, với trái tim đầy ắp tình người.

Tôi không may mắn được gặp Hồ Chủ Tịch nhưng ở Võ Nguyên Giáp, tôi thấy hình ảnh của Hồ Chủ Tịch một cách gián tiếp. Nhiều danh nhân cũng phải công nhận, đây chính là hiện thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là  học trò xuất sắc của Người. Ở con người này, luôn toát lên sự giản dị của một công dân văn hoá yêu nước”, ông Trần Hồng nói.

56 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn. Sức mạnh đoàn kết toàn dân đã làm nên chiến thắng vang dội này. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn của lịch sử. Và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người công dân tiêu biểu qua hai thế kỷ 20 và 21 mãi mãi được vinh danh./. 


Kim Lan (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất