Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 17/10/2008 17:24'(GMT+7)

Nhanh chóng di dời dân khỏi vùng lũ nguy hiểm

Các tỉnh cần cử cán bộ xuống ngay địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đặc biệt, cần nhanh chóng triển khai việc di dời dân ra khỏi vùng thấp, trũng có nguy cơ ngập sâu, vùng có khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tàu cá mang biển số HT 2203 với5 lao động của Hà Tĩnh đã được 2 tàu: HT 2201, HT 2258 ứng cứu lúc 10h45 ngày 16/10 và đã trở về đảo Bạch Long Vĩ an toàn. Tuy nhiên, tàu cá NA 93584 với 7 lao động của ông Thắm huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nhiều khả năng đã bị chìm. Hiện chưa có thông tin về 7 lao động trên tàu. Biên phòng tỉnh Nghệ An đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tìm kiếm thông tin, tìm kiếm cứu nạn đối với 7 lao động trên tàu.

Đêm ngày 16 và sáng ngày 17/10, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã xảy ra mưa rất lớn. Lượng mưa đo được từ 1h đến 4h 17/10 tại một số trạm như sau: Sơn Giang (Quảng Ngãi): 91mm; An Chỉ (Quảng Ngãi) 89mm; Khâm Đức (Quảng Nam): 60mm; Trà My (Quảng Nam) 60mm; Thượng Nhật (Huế) 94mm. Hiện nay, lũ tại khu vực miền Trung đang lên rất nhanh, đặc biệt là tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh các địa phương đang khẩn trương đối phó với lũ.

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định cần khẩn trương đối phó với lũ đang lên nhanh

** Ngày 17/10, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - TKCN các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Ban chỉ huy PCLB&TKCN các bộ: Quốc Phòng, Công An, Giao thông Vận tải. Nội dung Công điện như sau:

Từ ngày 15/10 đến trưa ngày 17/10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Tính đến 7h sáng nay, lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, một số nơi có mưa rất to như Sơn Tây (Quảng Ngãi) 545mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 357mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 331mm, Sơn Giang (Quảng Ngãi) 326mm, Trà My (Quảng Nam) 392mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 364mm, Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 374mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 351mm. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Bình Định đang lên, một số sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi đã vượt báo động III và còn tiếp tục lên. Dự báo ngày và đêm nay, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lũ trên các sông tiếp tục lên, riêng các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi nhiều nơi sẽ vượt báo động III trên 1,0m. Đặc biệt sông Bồ có thể xảy ra lũ lớn cục bộ; đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống lũ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ: Triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung công điện số 60CĐ/PCLBTW ngày 16/10/2008 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Cử cán bộ xuống ngay địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Triển khai việc di dời dân ra khỏi vùng thấp, trũng có nguy cơ ngập sâu, vùng có khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, các bến đò, đường ngầm hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ. Kiểm tra và bổ sung dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết, nhất là lương thực, thực phẩm để đối phó với lũ cao kéo dài; đặc biệt những khu vực dễ bị chia cắt. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương chỉ đạo ngành giáo dục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với học sinh. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để có biện pháp xử lý kịp thời và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Các tỉnh miền Trung chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ

Thừa Thiên- Huế: Lúc 14 giờ chiều 17/10, lũ trên các con sông ở Thừa Thiên- Huế đều vượt mức báo động 3. Mực nước trên sông Hương tại Kim Long 3,04 m, vượt báo động 3 là 0,04m; tại Phú Ốc trên sông Bồ là 4,72m, vượt báo động 3 là 0,22m; tại Phong Bình trên sông Ô Lâu là 1,96m, xấp xỉ mức báo động 3. Thừa Thiên- Huế đang có mưa vừa và mưa to, dự báo nước trên sông Hương sẽ đạt đỉnh 4m vào đêm 17/10. Nước ở hồ Truồi vượt đỉnh tràn 2,2m vào 17/10 (cao trình đỉnh tràn 36m); mực nước hồ chứa công trình thuỷ điện Bình Điền cũng vượt qua đỉnh tràn là 73m. Các phường Kim Long, Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Hậu, Xuân Phú (thành phố Huế) bị ngập lụt gần 0,5 m. Đoạn qua Đập Đá ngập tràn 0,7 m đến 1m. Các vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang…đều bị nước ngập sâu hơn 0,5- 1 m. Đường 14B lên huyện miền núi Nam Đông bị ngập nhiều đoạn sâu trên 1 m, nhất là các điểm cầu Khe Mồng và khe Sâu làm cho giao thông bị gián đoạn. Trước dó, vào rạng sáng 17/10, một cơn lốc lớn cấp 7, cấp 8 tràn qua huyện Phú Lộc, làm tốc mái gần 20 ngôi nhà dân và hàng trăm cây bị đổ gãy (15 nhà ở xã Lộc An, 2 nhà và một trường mẫu giáo ở xã Xuân Lộc). Ngay sau đó, huyện Phú Lộc đã huy động lực lượng giúp dân lợp lại nhà kịp thời để tránh mưa lũ. Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, tỉnh chuẩn bị phương án di dời 18.000 hộ dân sống ở vùng ngập lụt, sạt lở đất; đồng thời kiên quyết nghiêm cấm các phương tiện di chuyển trên các bến đò ngang, qua những vùng nước chảy siết và ngập lụt dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Thành phố Huế giúp dân vạn đò di chuyển lên hướng hai bên bờ sông Đông Ba, An Cựu và sông Hương để tránh lũ..
** Quảng Nam: Thành phố Hội An (Quảng Nam) liên tục có mưa vừa đến mưa to và rất to, mực nước các sông lên nhanh, có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân. Thành phố đang tập trung huy động các lực lượng có kế hoạch di dời gần 2 ngàn người dân ở những vùng trũng thấp nguy hiểm như Minh An, Cẩm Phô, Thanh Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam... đến nơi an toàn. Các lực lượng Công an, Quân đội, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ của thành phố đã có phương án sẵn sàng di dời dân trong trường hợp khẩn cấp; tăng cường bảo vệ các di tích và chèn chống 71 ngôi nhà cổ trước nguy cơ mưa lũ đang uy hiếp. Thành phố Hội An tăng cường kiểm tra, giám sát giao thông đường thuỷ nội địa, kiên quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện tàu thuyền chở quá số lượng người hoặc hành khách không mặc áo phao. Thành phố đã có phương án bảo vệ du khách, chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và có kế hoạch cho học sinh nghỉ học khi mưa lũ lớn xảy ra, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

** Tại Quảng Ngãi, mưa liên tục, có nơi mưa rất to đã làm ảnh hưởng đến công tác di dời dân ở những vùng sạt lở, nứt núi ở các huyện miền núi và các vùng ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Đến ngày 17/10, tỉnh vẫn còn 200 hộ trong vùng sạt lở nhưng chưa chịu di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm… 60 hộ với 282 khẩu là đồng bào dân tộc Kor ở làng Choeng- nơi có nguy cơ nứt núi cao tại núi Cà Bót, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng đang bị đe dọa tính mạng, nhưng chính quyền xã và huyện Trà Bồng vẫn chưa di dời được dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở nặng do chưa có mặt bằng, chưa xây dựng nhà tạm cho dân ở. Huyện chỉ mới đầu tư 14 triệu đồng dựng vài lán trại tạm bằng lều bạt cho các hộ dân, vì quá chật nên dân chưa di dời. Đến giữa tháng 10/2008, Quảng Ngãi đã di dời 550 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ nứt núi, sạt lở đến ở ổn định \ tại 4 điểm tái định cư thuộc xã Ba Vinh (huyện Ba Tơ), xã Sơn Linh (Sơn Hà), xã Trà Phong (Tây Trà), xã Bình Minh (Bình Sơn) và một số điểm xen ghép khác. Tổng kinh phí xây dựng các điểm tái định cư và di dời hơn 7,4 tỷ đồng.

** Quảng Trị: Rạng sáng 17/10, một cơn lốc xoáy đã xảy ra tại thôn Nại Cữu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Lốc xoáy trải qua với chiều rộng chừng 50m, dài gần 500m, làm ảnh hưởng khu vực dân cư của 40 ngôi nhà, đã làm tốc mái 10 ngôi nhà. Cũng thời điểm trên, một cơn lốc khác xảy ra tại xã Triệu Vân, làm tốc mái hoàn toàn ngôi nhà tình nghĩa của ông Lê Hữu Trắc, bố của liệt sỹ, ở thôn 7. Lốc xoáy làm gãy đổ nhiều cây lưu niên và hư hại nhiều hoa màu vụ thu đông năm 2008 của nhân dân. Ngay sau khi cơn lốc đi qua, chính quyền các địa phương đã có mặt kịp thời động viên và tổ chức nhân dân khắc phục hậu quả, tu sửa lại nhà cửa, che chắn lương thực tránh ẩm ướt, dọn dẹp cây đổ, sớm ổn định cuộc sống./.

TG-VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất