Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 15/10/2008 15:32'(GMT+7)

Thực hiện tốt phong cách "Gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân"

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết kết quả và hạn chế trong công tác "dân vận khéo" của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thời gian qua?

Ðồng chí Hà Thị Khiết: Dân vận khéo là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài  Dân vận, đăng trên báo Sự Thật ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận để làm dân vận khéo cũng là một trong những yêu cầu của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Người.

Khó có thể đánh giá đầy đủ kết quả và hạn chế trong công tác "dân vận khéo" của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thời gian qua, nhưng nhìn tổng thể từ sau Ðại hội X của Ðảng đến nay có thể thấy những điểm nổi bật sau: Trong hơn hai năm qua, BCH T.Ư Ðảng đã có những nghị quyết quan trọng về công tác vận động nhân dân.

Ðiển hình là các nghị quyết về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước; xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước; vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH. Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư cũng đã chỉ đạo xây dựng các đề án về:  đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội; về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị,...

Ðồng thời tiếp tục chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận như: Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở,... 

Triển khai nghị quyết, chỉ thị của T.Ư Ðảng về công tác vận động nhân dân, cấp ủy đảng các tỉnh, thành phố, ngoài việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, còn có nghị quyết chuyên đề về công tác vận động quần chúng ở địa phương mình. Nội dung các nghị quyết chuyên đề về vận động quần chúng của các địa phương đã thể hiện rõ chủ trương hướng mạnh về cơ sở, chú trọng giải quyết những vấn đề thực tiễn từ công tác vận động quần chúng ở cơ sở.

Ðó là các vấn đề về phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở,... Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng quy chế công tác dân vận của cấp ủy; tiếp tục kiện toàn ban tham mưu về công tác dân vận của cấp ủy; phân công cán bộ có năng lực, uy tín phụ trách công tác dân vận; chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu vận động và tập hợp quần chúng trong giai đoạn mới.

Chính quyền kịp thời thể chế các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng về công tác dân vận; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong quản lý điều hành có nhiều đổi mới: cơ chế một cửa, công khai các thủ tục hành chính, biểu thuế, các mức thu phí, lệ phí, hồ sơ, giấy tờ, quy định thời gian giải quyết công việc để nhân dân theo dõi, giám sát.

Ðã có nhiều hình thức, phương pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chính quyền như công khai hóa thông tin, lập đường dây nóng, hòm thư góp ý, các hình thức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ,... Ðặc biệt, đã triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị ở cơ sở.

Các lực lượng vũ trang làm công tác dân vận rất hiệu quả. Có nhiều nội dung, hình thức làm dân vận như: lập tổ đội công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; hành quân dã ngoại; phối hợp tham gia giải quyết các vụ, việc phức tạp; kết nghĩa đơn vị quân đội với các đoàn thể địa phương, cơ sở; chương trình quân dân y kết hợp, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị; hậu thuẫn cho chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong đấu tranh, xử lý các hành vi sai phạm.

Tuy vậy, công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng còn những mặt hạn chế. Việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư về công tác dân vận chưa thật sâu rộng, thấu đáo tới mọi đối tượng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác kiểm tra việc thực hiện và sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết về dân vận có lúc chưa được thường xuyên và  chưa được quan tâm đúng mức. Việc nắm bắt tình hình nhân dân ở một số khu vực, đơn vị chưa sâu sát, chưa nhanh nhạy, kịp thời. Giải quyết vướng mắc, khó khăn, bức xúc của nhân dân còn chậm. Phối hợp hoạt động trong công tác vận động nhân dân còn chưa đồng bộ, chưa thành quy chế...

PV: Thưa đồng chí, công tác vận động quần chúng gắn liền với triển khai thực hiện cải cách hành chính. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và nhân dân có ý kiến cho rằng cải cách hành chính và thủ tục hành chính còn phiền hà, tiêu cực, xảy ra ở một số nơi. Vậy ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Ðồng chí Hà Thị Khiết: Mục tiêu cải cách hành chính theo tinh thần nghị quyết của Ðảng là nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực để quản lý có hiệu quả công việc của Nhà nước, phục vụ tốt đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội.

Những yêu cầu về cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức suy cho cùng cũng là nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Cải cách hành chính và vận động quần chúng có quan hệ mật thiết với nhau, chất lượng vận động quần chúng phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính.

Ðể vận động nhân dân, trước hết cơ quan nhà nước phải có chính sách đúng. Chính sách đúng ở đây cần hiểu là đúng với chủ trương, đường lối của Ðảng, tăng cường được hiệu lực quản lý của Nhà nước, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Chính sách đúng, hợp lòng dân sẽ tạo được sự hứng khởi, là cơ sở và động lực để hình thành và phát triển các phong trào thi đua yêu nước của quần chúng.

Công tác quản lý, điều hành dưới góc độ vận động quần chúng đòi hỏi cán bộ, công chức luôn phải thấm nhuần quan điểm quần chúng của Ðảng, của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Do đó việc đổi mới công tác quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính trước hết phải nhằm phục vụ nhân dân  chứ không phải chỉ nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước.

Vì vậy, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý điều hành trong hệ thống công quyền phải hết sức tôn trọng dân, thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại giải quyết dứt điểm các công việc của dân và doanh nghiệp đề nghị chính đáng, coi đó là việc làm của cải cách hành chính cần được ưu tiên.

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước bằng cách "Gần dân, hiểu dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân"; việc mở rộng và phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức chính quyền, bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng: "Mọi đường lối, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân".

PV: Ðề nghị đồng chí cho biết biện pháp của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể để thực hiện tốt phong cách "Gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân" mà Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã đề ra?

Ðồng chí Hà Thị Khiết: Phong cách gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân là một trong những yêu cầu của công tác vận động quần chúng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) và Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng cũng đã khẳng định phải xây dựng phong cách "Gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân", đồng thời đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế để nhân dân bày tỏ ý kiến đối với những quyết định lớn của Ðảng và Nhà nước; xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Ðề cao trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước đối với nhân dân. Nghị quyết của Ðảng về đổi mới phong cách công tác, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong thời kỳ mới khá cụ thể rõ ràng. Ðể thực hiện hiệu quả chủ trương  này, T.Ư Ðảng đã có những quy định cụ thể chỉ đạo các cấp ủy tổ chức thực hiện. Những quy định cụ thể có thể kể đến, đó là Quy định 76 của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

Việc thực hiện Quy định 76 đã tạo điều kiện cho đảng viên gần gũi nhân dân, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với những công việc của dân nơi cư trú, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ người đảng viên, góp phần củng cố quan hệ giữa Ðảng với nhân dân. Quy định 51 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy, quy định trách nhiệm của Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối với công tác dân vận và tới đây Trung ương sẽ ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận.

Về phía các cơ quan chính quyền, trách nhiệm công tác dân vận đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy của Nhà nước. Pháp luật của nước ta đều quy định cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; không được quan liêu hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.

Ðối với cấp cơ sở, nơi trực tiếp giải quyết công việc hằng ngày của nhân dân theo Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn  định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt của chính quyền cấp xã. Ðặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác dân vận, trong đó yêu cầu: cán bộ, công chức ở T.Ư, tỉnh, huyện phải có chương trình đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với những quy định pháp luật đã ban hành, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với nhân dân, quan tâm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Các đoàn thể nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu công tác quần chúng trong thời kỳ mới. Trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các đoàn thể đều chủ trương chuyển mạnh hoạt động về cơ sở, sâu sát quần chúng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của quần chúng, phản ánh kịp thời cho Ðảng, Nhà nước.

Ðã quan tâm thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; từng bước thực hiện có hiệu quả việc giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức chính quyền, đại biểu dân cử trong thực thi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

 (Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất