Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 8/4/2013 14:22'(GMT+7)

Nhật Bản đối phó với đòn “bất ngờ” của Triều Tiên

Tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết Triều Tiên đã di chuyển tên lửa đạn đạo tầm trung về phía biển Nhật Bản. Tên lửa Musudan có tầm bắn trên 3.000km của Triều Tiên có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ.

Cuối tháng 3/2013, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-Un đã thừa nhận kế hoạch sẽ tấn công vào “lãnh thổ Mỹ, Hawaii và Guam” với điều kiện là “Mỹ tấn công trước”.

Báo Rodong - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - còn cho rằng các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản như Yokozuka, Misawa và Okinawa cũng là đối tượng tấn công của tên lửa Triều Tiên.

Có thể thấy, mục tiêu chính của Bình Nhưỡng qua một loạt lời lẽ gây hấn là nhằm khoa trương sức mạnh tấn công trong và ngoài nước đồng thời nâng cao uy thế của chính quyền. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng không thể bỏ qua những động thái gia tăng cẳng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.

Trước tình hình này, Nhật Bản cần tăng cường liên minh với Mỹ và Hàn Quốc để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những tình huống bất trắc. Mỹ đã phái hai tàu Aegis và radar nổi cơ động SBX-1 có khả năng cảnh báo sớm đến Tây Thái Bình Dương và vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Washington cũng quyết định chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) tối tân nhất hiện nay tới đảo Guam trong vài tuần tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, “nguy cơ là thực tế và rõ ràng”. Có lẽ Mỹ đã nghiêm túc thừa nhận sự phát triển năng lực tấn công hạt nhân của Triều Tiên và coi đó như là mối đe dọa đối với Mỹ và các nước đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thực tế là Nhật Bản nằm trong tầm ngắm của tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong của Triều Tiên. Do đó, Tokyo cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát và cảnh giới mọi động tĩnh từ phía Triều Tiên.

Những lần phóng tên lửa đạn đạo tầm xa trước đây vào năm 2009 và 2012 thường được Bình Nhưỡng thông báo trước là “phóng vệ tinh nhân tạo”. Tuy nhiên, nhiều khả năng lần phóng tới đây của Triều Tiên sẽ không được báo trước thời gian và điểm rơi của tên lửa.

Tờ Yomiuri cho rằng Chính phủ Nhật Bản cần dự liệu mọi tình huống nhằm xây dựng một kế hoạch kỹ lưỡng nhất cho vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong thời gian tới. Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị Văn phòng quản lý nguy cơ thuộc Nội các Nhật Bản thực hiện triệt để ba nhiệm vụ: Thu thập và phân tích triệt để thông tin liên quan đến Triều Tiên; cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác cho người dân; đảm bảo an ninh và an toàn cho dân.

Để chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa có khả năng xảy ra, Chính phủ Nhật Bản hiện đang xem xét ra “Lệnh tiêu diệt” với khả năng sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa MD của Lực lượng phòng vệ để đối phó. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm toàn quốc “J-Alert” cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng. Nhật Bản cũng cần khẩn trương hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc, đảm bảo hỗ trợ công dân Nhật ở nước này nhằm chuẩn bị cho tình huống xảy ra biến cố trên bán đảo Triều Tiên./.

Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất