Hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình,
ổn định của khu vực Biển châu Á” diễn ra từ 22-23/7 tại Tokyo, Nhật Bản.
Hội thảo do Trung tâm
Nghiên cứu chính sách quốc tế trường Đại học Meiji tổ chức, với sự diễn
giải của những chuyên gia hàng đầu thuộc các trường Đại học lớn của Nhật
Bản, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc... Đặc biệt có sự
tham gia của Cựu Phó Đô đốc Hải quân Nhật Bản, Tướng Yoji Koda.
Ngoài ra còn có hàng trăm người tham gia là những học giả, nhà nghiên cứu về Biển của Nhật Bản, các nước ASEAN...
Hội thảo chia làm hai phần: Phần 1 là những
tham luận liên quan tới “Nhận thức của các nước lớn và các nước xung
quanh khu vực châu Á về Biển Đông”; Phần 2 là những nghiên cứu, đánh giá
về tình hình an ninh châu Á.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ một số
hình ảnh và hoạt động xây dựng, cải tạo, san lấp, bồi đắp các đảo nhân
tạo của Trung Quốc tại khu vực biển Đông. Các đại biểu chỉ ra rằng hoạt
động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ trực tiếp nguy hại cho hệ
sinh thái và môi trường tại Biển Đông; khẳng định yêu sách “đường lưỡi
bò” chính là nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn ở Biển Đông trong suốt
thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng đường băng
trên các đảo nhân tạo có thể đặt Mỹ vào tình trạng nguy hiểm trong thời
bình.
Vì vậy, vấn đề xây dựng lòng tin lẫn nhau
giữa các nước trong khu vực được các học giả đánh giá có ý nghĩa quan
trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tiến trình hòa bình và ổn định ở khu
vực; đồng thời vấn đề các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước
Luật Biển năm 1982 được các đại biểu xem là điều kiện tiên quyết trong
giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về chính sách của Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tình
hình ổn định tại khu vực Biển Đông đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm
trọng do những căng thẳng liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa
Trung Quốc và một số nước ASEAN, đặc biệt là hành động đơn phương xây
dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc thời gian qua.
Điều này khiến dư luận trong khu vực và cộng
đồng quốc tế đặc biệt chú ý và tỏ rõ sự quan ngại sâu sắc, nhất là tại
châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Các học giả cũng nhấn mạnh vai trò trung
gian của ASEAN cũng như của các nước lớn khác trong và ngoài khu vực
trong việc giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột, đồng thời nhấn
mạnh sự cần thiết phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC);
đồng thời đề nghị các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng, tránh các
hành động khiêu khích và tìm cách mở rộng vùng kiểm soát bằng cách giải
pháp quân sự để duy trì một vùng biển hòa bình, an toàn và ổn định./.
Theo VOV