Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Malaysia trong
hai ngày 8 và 9/8 vừa qua, sau đó sang Singapore tham dự Lễ kỷ niệm 50
năm Ngày Độc lập của quốc gia này ngày 9/8. Nhân sự kiện này, phóng viên có bài phỏng vấn giáo sư Artha
Nantachukra, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phupan, Nguyên cố vấn Bộ trưởng
Bộ Văn hóa Thái Lan.
- Thủ tướng Việt Nam vừa có chuyến thăm chính thức đến Malaysia từ
ngày 7-8/8 vừa qua. Đây được coi là chuyến thăm quan trọng khi hai nước
nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược. Giáo sư đánh giá như thế nào
về ý nghĩa của chuyến thăm?
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Malaysia đã
thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực hợp
tác chính trị, quốc phòng, kinh tế, mở ra một chương mới cho sự phát
triển mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị hai nước trong thời gian tới.
Kết quả nổi bật nhất là hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ thành Đối
tác chiến lược. Đây là bước phát triển của mối quan hệ tin cậy, hợp tác
toàn diện giữa Việt Nam-Malaysia mà hai nước đã quyết tâm thúc đẩy trong
suốt thập kỷ qua.
Tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược là bước phát
triển vượt bậc trong quan hệ hai nước sau 42 năm thiết lập quan hệ ngoại
giao, tạo khuôn khổ cho việc thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác trên tất cả
các lĩnh vực giữa hai nước.
Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia sẽ góp phần tăng cường
đoàn kết, thống nhất nội bộ; duy trì vai trò trung tâm và tiếng nói
chung của ASEAN trong các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, lợi ích của
mỗi nước và của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN chính thức thành
lập cộng đồng vào cuối năm nay, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác
và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Chuyến thăm Malaysia, sau đó là Singapore có giá trị và ý nghĩa
như thế nào trong bối cảnh Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) sẽ
được thành lập vào cuối năm 2015?
Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu tạo dựng một môi
trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua
việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Malaysia và Singapore là nhằm làm
sâu sắc hơn mối quan hệ với hai quốc gia này, trong đó thúc đẩy hợp tác
trên lĩnh vực chính trị-an ninh và chia sẻ các vấn đề mà các bên đều
quan tâm.
Nhìn vào chương trình nghị sự của hai chuyến thăm, có thể thấy, đây cũng
là dịp mà các các cơ quan, ban ngành của Việt Nam và Malaysia,
Singapore gặp gỡ, trao đổi nhằm tăng cường hơn nữa công tác điều phối,
phối hợp khi Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN chính thức được thành lập
nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể của ASEAN về
lĩnh vực chính trị-an ninh.
Hơn thế nữa, hiện nay, Việt Nam, Malaysia và Singapore đều chia sẻ quan
ngại chung đối với các thách thức an ninh tại khu vực, đặc biệt là những
diễn biến phức tạp trên Biển Đông đang đe dọa hòa bình, ổn định, thịnh
vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó khiến nhu cầu hợp tác
trong nội khối ASEAN nhằm tìm kiếm giải pháp và tiếng nói chung đối với
các thách thức bên ngoài trở nên cấp thiết hơn.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy nỗ lực của Việt Nam
trong việc Việt Nam mong muốn phối hợp với các quốc gia trong khu vực
củng cố đoàn kết giữa các nước ASEAN, xây dựng năng lực tập thể để cùng
ứng phó với các thách thức chung đó.
- Giáo sư đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng
“lòng tin chiến lược” đối với các quốc gia trên thế giới, nhất là các
nước ASEAN?
Kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu dẫn đề “Xây dựng
lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” tại
Hội nghị An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12, ở Singapore,
tôi đã rất quan tâm đến vấn đề này và dõi theo những nỗ lực của của Việt
Nam trong xây dựng “lòng tin chiến lược” đó.
Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã tăng cường tiềm lực quốc phòng,
hiện đại hóa quân đội nhưng tôi cho rằng mức tăng này là hợp lý và nhằm
bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,
đồng thời khẳng định không là đồng minh quân sự của nước nào và không để
nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như
bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, biển Đông…, Việt Nam đã kiên trì
nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc
tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nước khác.
Việt Nam là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp trong các cơ chế,
diễn đàn xây dựng lòng tin ở khu vực như TAC, EAS, AMM, ADMM+, ARF.
- Theo giáo sư Thái Lan, với tư cách thành viên sáng lập ASEAN, nhìn
nhận và đánh giá như thế nào về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đối
với hai nước thành viên ASEAN trên?
Thái Lan, Malaysia và Singapore đều là ba nước sáng lập của ASEAN. Dưới
nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2008-2009 của Thái Lan, Hiến chương ASEAN đã
được ký kết nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN thúc đẩy hòa bình, thịnh
vượng, tiến bộ xã hội tại khu vực.
Tôi tin rằng cũng như các thành viên khác của Hiệp hội, Thái Lan luôn
mong muốn ASEAN sẽ phát triển thành một trụ cột kinh tế, an ninh, đóng
vai trò ngày càng quan trọng đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.
Việc Việt Nam thắt chặt quan hệ song phương với Malaysia, Singapore,
ngoài những lợi ích của mỗi nước, còn đóng góp tích cực vào việc thúc
đẩy hợp tác, đoàn kết nội khối ASEAN, chia sẻ với các thành viên ASEAN;
trong đó có Thái Lan trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á
và châu Á Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, tháng Bảy năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Thái Lan.
Nhân dịp này, hai nước đã tổ chức cuộc họp nội các chung, một sự kiện phản ánh lòng tin và sự hợp tác ở tầng cao.
Trước Malaysia, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia duy nhất trong Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN đến nay có thiết lập Đối tác chiến
lược với nhau. Như vậy, Việt Nam và Thái Lan cũng rất coi trọng nhau
trong chính sách đối ngoại của mình.
Xin cảm ơn Giáo sư!
(Nguồn: Báo VietnamPlus)