Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 22/8/2015 21:39'(GMT+7)

Tham vấn công chúng, bao giờ cũng quan trọng

Hội nghị giới thiệu quy trình tổ chức hội nghị tham vấn do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức. (Ảnh: QĐND)

Hội nghị giới thiệu quy trình tổ chức hội nghị tham vấn do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức. (Ảnh: QĐND)

Lý luận, thực tiễn cả ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, việc tham vấn ý kiến nhân dân về các dự án văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Nó phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực chính trị trong việc tham gia công việc Nhà nước của nhân dân, thực hiện quyền tham gia của người dân đã được Hiến pháp quy định. Tham vấn còn tạo điều kiện cho người dân phát biểu ý kiến của mình vào những vấn đề quốc sách, dân sinh được quy định trong văn bản pháp luật và được chính quyền trực tiếp lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu. Tham vấn cũng là nguồn thu thập thông tin kiểm chứng, bổ khuyết việc thiết kế chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách…

Ở Việt Nam vẫn thường nghe nói “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” và kêu gọi cần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Muốn như vậy thì trước hết, chính sách, pháp luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và để làm được điều đó đòi hỏi phải xem người dân, xã hội có cần đến chính sách, đạo luật đó hay không, có nghĩa là đưa cuộc sống vào chính sách, pháp luật trước. Từ đó, tham vấn có vai trò quan trọng đưa chính sách sát, gần với cuộc đời hơn, đồng thời nâng chính sách lên tầm nhìn cao hơn, rộng hơn, bao quát hơn.

Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây, công tác tham vấn ở Việt Nam đã được quan tâm, triển khai. Theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và các văn bản liên quan, đối tượng được tham vấn, lấy ý kiến trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL bao gồm: Các cơ quan Nhà nước có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của văn bản, cộng đồng doanh nghiệp (trong trường hợp phạm vi điều chỉnh của văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp), các tổ chức xã hội, các cá nhân, tổ chức liên quan chịu tác động trực tiếp của các văn bản; các chuyên gia, nhà khoa học.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, việc thực hiện các quy định của Luật BHVBQPPL về việc lấy ý kiến người dân đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có những hạn chế nhất định. Việc lấy ý kiến người dân được quy định tập trung tại giai đoạn soạn thảo mà chưa chú trọng trong các giai đoạn khác như hình thành chính sách, thẩm tra. Chưa có nhiều các hình thức để khuyến khích người dân tham gia góp ý kiến.

Trong tham vấn, việc xác định đúng đối tượng lấy ý kiến là một trong những yêu cầu tiên quyết nhằm đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm của hoạt động này. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân chưa đúng đối tượng đã gây ra tình trạng lãng phí, hình thức.

Chẳng hạn, một chuyên gia pháp lý ở Thừa Thiên-Huế cho biết, tại một hội nghị tham vấn về dự thảo Luật Bình đẳng giới, cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã không lựa chọn trước đối tượng để tham vấn và cũng không tính đến đặc trưng văn hóa vùng, miền tại đây. Vì thế, khi gửi giấy mời các chủ hộ gia đình tham dự hội nghị tham vấn, đa số là nam giới, có rất ít đại diện tham dự là nữ giới. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng ý kiến và tính đại diện của các ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo.

Cùng với đó, về nội dung tham vấn, xã hội cũng đa phần quan tâm đến ba vấn đề cơ bản là: Tính khả thi của văn bản; các chính sách lớn; các chính sách tác động lên người dân, các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng chung của các ban soạn thảo là gửi toàn văn dự thảo để lấy ý kiến công chúng; trong đó có nhấn mạnh một số nội dung như tính khả thi, kỹ thuật soạn thảo, một số nội dung lựa chọn chung chung, không phân biệt đối tượng tham vấn. Các công trình nghiên cứu về tham vấn công chúng cho thấy rằng, các tài liệu liên quan đến dự án, như tờ trình, bản thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động… hiếm khi được ban soạn thảo gửi kèm dự thảo luật để xin ý kiến. Trong khi, đó lại là những văn bản hỗ trợ tốt nhất, giúp người được xin ý kiến hiểu rõ về nội dung dự thảo cần được góp ý.

Đây là những đòi hỏi phải sớm có những hành động khắc phục. Cụ thể  là cần có những quy trình tổ chức tham vấn cụ thể, hiệu quả để người dân tham gia ý kiến một cách chủ động, có cơ chế thống nhất tiếp thu ý kiến của nhân dân để việc tham vấn công chúng đạt kết quả cao nhất, giúp cho các VBQPPL không còn tình trạng “trên trời” mà mỗi khi ban hành nhanh chóng đi vào đời sống, được nhân dân, xã hội ủng hộ, đem lại hiểu quả cao nhất cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước./.

Xuân Dũng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất