Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Bảy, 18/2/2017 21:35'(GMT+7)

Đưa “Kiều” đến khán giả trẻ

Cảnh trong vở Kiều 	Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Cảnh trong vở Kiều Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

10 buổi diễn liên tiếp

Tại họp báo chiều 17.2, Giám đốc Nhà hát Nguyễn Thế Vinh cho biết: Vở diễn đã ra mắt cuối năm 2016, nhưng do yêu cầu chỉnh sửa một số chi tiết trong tác phẩm, hơn nữa, nghệ sĩ ở các đoàn tập trung vào vở tham dự các liên hoan sân khấu, nên Nhà hát đã “để dành” Kiều đến đầu xuân mới chính thức công diễn. Buổi diễn mở màn tối 18.2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vé đã được bán hết. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Nhà hát phối hợp với Công ty Đông Đô (Đông Đô Show) tổ chức diễn liên tục vào 20h các ngày từ 1 - 10.3, tại sân khấu số 1 Tràng Tiền, nhằm giới thiệu Kiều đến đông đảo khán giả yêu sân khấu.

Trong điều kiện sân khấu ngày càng thưa vắng người xem, việc lần đầu tiên Đông Đô Show phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu tác phẩm kịch đến khán giả rất đáng ghi nhận. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Oanh - Giám đốc Đông Đô Show: “Chúng tôi luôn cân nhắc khi quảng bá cho các chương trình nghệ thuật. Từng đồng hành với các nhà hát, đặc biệt là phối hợp tổ chức gần 100 đêm diễn kịch Lưu Quang Vũ ở TP Hồ Chí Minh, tôi thấy rằng, mỗi chương trình đều có đối tượng khán giả riêng nếu biết cách tìm đến họ, và thể loại chính kịch cũng vậy. Sân khấu nhỏ cũng có thuận lợi, chỉ cần nghệ sĩ bước ra khỏi cánh gà là khán giả đã thấy cái thần của họ cũng như tinh thần của vở kịch mà diễn viên truyền tải”. Đến nay, 3/10 buổi diễn trong tháng 3 đã được bán hết vé (khoảng 200 chỗ ngồi/đêm diễn). Trong số khán giả đã mua vé, có nhiều giáo viên, chị em phụ nữ tại các cơ quan... đúng như mong muốn của Nhà hát, đưa vở diễn trở thành món quà dành tặng phái đẹp nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3.

Trước sự trợ giúp của đơn vị tổ chức sự kiện, đạo diễn Kiều - NSND Anh Tú cho rằng: “Điểm mới nhất của vở Kiều lần này là có “bà đỡ”, khiến nghệ sĩ đỡ vất vả rất nhiều. Sân khấu từ xưa đến giờ luôn cần những mạnh thường quân, “bà đỡ” mát tay, có như vậy con đường của nghệ sĩ và tác phẩm đến với công chúng sẽ gần hơn, thuận lợi hơn”.

Thay đổi sân khấu, hướng tới vẻ đẹp tinh thần

 “Trước Tết Đinh Dậu, Nhà hát biểu diễn phục vụ thầy trò Trường PTDL Lương Thế Vinh, Hà Nội. Xem xong, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của khán giả trong từng ánh mắt vui tươi. Các cô giáo dạy văn chia sẻ rằng họ đã cố gắng giảng nhiều, giảng kỹ về kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng càng ngày các bạn trẻ đọc Truyện Kiều càng ít. Nếu không tìm cách tiếp cận mới thì tiếp nhận của các em về một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Việt Nam sẽ bị mai một. Và vở diễn Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam là một trong những hình thức mới ấy”.

 NSƯT Xuân Bắc (vai Hồ Tôn Hiến)

Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã từng xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, ca kịch, ballet, kịch hình thể… và lần này được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể kịch bản cho các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. NSND Anh Tú nhấn mạnh, ở vở Kiều anh giữ nguyên bài học hiện thực phê phán như nguyên tác, nhưng nhấn mạnh vào tinh thần “vạn vật hữu linh”, xoáy vào vẻ đẹp tinh thần trong mỗi người. “Với các vở diễn, tôi đều đau đáu nỗi niềm về nhân tình thế thái, những phi lý, bất công trong cuộc sống. Đến Kiều, không chỉ nói về thân phận phụ nữ tài sắc, mà còn có tính dự báo, khi đời sống xã hội mà quyền lực, đồng tiền lên ngôi, những giá trị về đạo đức, giá trị về con người sẽ bị truất ngôi. Tôi đặt mình trong từng vai diễn, tìm cái tốt trong từng nhân vật. Ví dụ, khi dựng nhân vật cho NSƯT Thúy Phương, tôi tìm cái tốt trong con người Tú Bà, nhưng vẫn không đủ để neo phần thiện trong họ...”.

Dàn dựng Kiều, đạo diễn thống nhất với họa sĩ bỏ hết bục bệ, phông nền; sử dụng ánh sáng, màn trang trí và dàn trống làm đạo cụ linh hoạt để biểu đạt những ý nghĩa khác nhau trong mỗi đoạn diễn; áp dụng kịch hát và thơ trong nhiều đoạn. Hình ảnh hoa sen, tượng trưng cho những giai đoạn trong cuộc đời của Kiều được nhấn mạnh và là thiết kế chủ đạo của vở kịch... “Hiện nay, xem kịch chủ yếu là khán giả trung niên, ít thanh niên, có thể nói đây là báo động của sân khấu. Về điều này, ở TP Hồ Chí Minh, các đoàn đã làm tốt với những vở nhạc kịch về đề tài đồng tính, ma quái... Chưa bàn tới hay, dở, nhưng họ đã kéo đông đảo thanh niên đến rạp. Vì vậy, với Kiều, tôi cố gắng thay đổi để khán giả không chán bằng cách đưa vào nhiều yếu tố thử nghiệm, nhằm hấp dẫn khán giả trẻ, dù biết rằng điều này không thể thay đổi bằng một vở diễn, trong ngày một ngày hai” - NSND Anh Tú khẳng định.

Ngọc Phương (Báo ĐBND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất