Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 19/8/2015 22:1'(GMT+7)

Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 của Ngành Giáo dục


Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong năm học 2014-2015 Ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả nổi bật, đáng được ghi nhận trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, đó là: Có sự thống nhất trong quản lý, chỉ đạo từ trung ương tới địa phương. Công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục như đánh giá học sinh tiểu học, tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được chú trọng triển khai, bước đầu có kết quả, được xã hội đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong năm học vừa qua giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên vẫn còn những hạn chế như: Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được mục tiêu, còn nhiều hạn chế trong giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Hiện tượng dạy thêm học thêm, thu chi không đúng quy định vẫn còn nhiều. Tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và công tác định hướng, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chậm, không đáp ứng được yêu cầu.

Trong năm học 2015-2016, ngành giáo dục tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất là đổi mới công tác quản lý giáo dục: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong quản lý giáo dục. Tiếp tục tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp.

Thứ hai
là đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục: Đối với giáo dục mầm non, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi nhằm hoàn thành đúng lộ trình đạt chuẩn theo quy định. Đối với giáo dục phổ thông, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; thực hiện xóa mù chữ. Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan. Phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.

Thứ ba là rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân: Bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Chú trọng tới việc sáp nhập các trung tâm giáo dục trên địa bàn cấp huyện.

Thứ tư là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ. Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tăng cường các hình thức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với các hoạt động bồi dưỡng cấp chứng chỉ và công tác tuyển dụng, sử dụng, thực hiện chế độ làm việc của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ năm là đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn vốn đầu tư: Tập trung, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; xây dựng Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2025. Trình Chính phủ ban hành một số chính sách về tài chính như cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các địa bàn khó khăn và đối tượng chính sách;… Tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư, công tác đấu thầu, công tác quyết toán trong xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị của các đơn vị. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục mầm non.

Thứ sáu là hợp tác quốc tế trong giáo dục: Củng cố và mở rộng hợp tác đa phương và song phương, tiếp tục đàm phán thương lượng ký kết các thỏa thuận hợp tác về giáo dục với các nước. Đẩy mạnh hợp tác về giáo dục nghề nghiệp với các quốc gia có kinh nghiệm tốt và các tổ chức quốc tế

Ngô Thanh Long
 Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất