Gần 20 năm qua, xóa đói giảm nghèo - một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện toàn diện, đồng bộ với nhiều cách làm hiệu quả đã đem lại cuộc sống tốt hơn và cả niềm tin đến với người nghèo trên toàn quốc.
ĐIỂM SÁNG THOÁT NGHÈO
Những ngày Thu này, gia đình anh Đỗ Văn Liệu ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội, rất vui. Xưởng sơn mài của gia đình anh ở Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái luôn rộn ràng, người ở tứ xứ tìm đến đặt mua sản phẩm khiến anh Liệu cũng như 6 công nhân trong xưởng làm việc luôn tay. Đôi khi những lúc bận rộn pha sơn, bó vóc, mài sơn, phơi tranh hay miệt mài sơn son thếp vàng những tác phẩm sơn mài, anh Liệu lại nhớ đến những ngày tháng chưa có nhà xưởng, chưa có khách hàng ổn định, chỉ luẩn quẩn với cái nghèo.
“Gia đình tôi có nghề sơn mài nhưng làm lụng quanh năm vẫn chưa đủ ăn. Vì thế khi trưởng thành, xây dựng gia đình, tôi tâm niệm phải cố gắng thoát nghèo. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng cùng vốn vay 20 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thường Tín, năm 2011, tôi xây dựng nhà xưởng làm sơn mài ở Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái. Sau một thời gian làm việc cật lực, chăm chỉ tìm mối hàng và nhờ uy tín sản phẩm cùng chút may mắn, đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo. Số tiền kiếm được hằng năm, tôi trả hết nợ, mở rộng xưởng, tạo việc làm cho 6 công nhân tại xưởng với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng…", anh Liệu kể.
Với gia đình chị Đặng Thị Thêm, một trong những điển hình về thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, thì 40 triệu đồng vốn ban đầu mà chị được chính quyền xã, huyện tạo điều kiện cho vay để giải quyết việc làm theo chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội cách đây mấy năm vô cùng quý báu. Số tiền đó đến đúng lúc, có thêm sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, đã giúp gia đình chị thực hiện được mong muốn - “liều” đầu tư trang trại, nuôi cá và lợn. Nhờ đó, đến nay, gia đình chị Thêm đã thoát nghèo, có của ăn của để, nuôi các con ăn học trưởng thành.
Gia đình anh Đỗ Văn Liệu và gia đình chị Đặng Thị Thêm ở Hà Nội chỉ là hai trong số hàng triệu hộ thoát nghèo theo hướng bền vững trong ba năm qua trên cả nước. Sự thay đổi đáng mừng đó, ngoài nỗ lực, ý chí của những người như anh Liệu, chị Thêm, còn nhờ “động lực” khác là những chủ trương, chiến lược xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương.
Số liệu từ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn khoảng 5,35%, giảm 1,35% so với cuối năm 2017. Trong năm 2019, cả nước tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Đặc biệt, 12 tỉnh đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong một năm, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắk, Trà Vinh và Sóc Trăng. Trong đó, Sóc Trăng và Trà Vinh là hai vùng có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất vùng Tây Nam Bộ, còn Hà Giang, Tuyên Quang từng là những vùng rất khó khăn nhưng hiện cũng đã có cách làm hiệu quả giúp người dân giảm nghèo.
Trước những thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận trong báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố vào tháng 4 vừa qua: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.
KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, được nhân dân trong nước đồng tình, dư luận quốc tế đánh giá cao, nhưng xóa đói giảm nghèo ở nước ta vẫn chưa thật sự bền vững, khoảng cách giàu nghèo vẫn rộng và có xu hướng gia tăng. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Hướng đổi mới này là hỗ trợ có điều kiện, không tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, phát huy tinh thần tự lực, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo đa chiều và bền vững. Làm tốt các chương trình xóa đói giảm nghèo cũng từng bước góp phần ổn định, phát triển kinh tế- xã hội trên từng địa bàn thôn, bản, xã, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa bàn, nhóm dân cư, thực hiện mục tiêu: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Dẫn chứng là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1722/QĐ-TTG ngày 2/9/2016. Chương trình này nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin.
Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai hàng loạt đề án, giải pháp đã được ban hành. Trong đó, tập trung thực hiện sắp xếp dân cư, giao đất, giao rừng, phát triển các mô hình sản xuất mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên nền tảng ứng dụng khoa học kỹ thuật và kết nối với thị trường, doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch để tạo thêm sinh kế cho người dân...
Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ thể chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà là trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để bảo đảm kịp thời phát huy ý nghĩa an sinh xã hội đối với người dân, nhất là các hộ nghèo./.
Theo TTXVN