(TG) - Sáng nay 29/8, Học viện Báo chí - Tuyên truyền phối hợp với Bộ Thông và Truyền thông tổ chức buổi toạ đàm: "Quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay: Mô hình, thực trạng và giải pháp". Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước mã số KX.01.10/16-20.
Buổi toạ đàm tập trung làm rõ thực trạng quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam; trao đổi về mô hình, vấn đề đặt ra và giải pháp quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại buổi toạ đàm, đại diện của Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình và Internet, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chỉ rõ bức tranh phát triển mạng xã hội hiện nay. Đó là, sự gia tăng các mạng xã hội trong và ngoài nước; số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng cao; vấn nạn tin giả, thông tin sai trái, thù địch, xấu độc... xuất hiện trên mạng xã hội ngày càng nhiều; một số sự kiện, sự vụ đang bị mạng xã hội dẫn dắt... Trong khi đó, hệ thống văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện...
Từ thực trạng đó, các đại biểu cũng đóng góp các ý kiến, các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên; trong đó, tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, các biện pháp kinh tế; đồng thời cũng đưa ra giải pháp giáo dục, định hướng thông tin cho người sử dụng.
|
Đại diện Cục Báo chí - Bộ Thông tin Truyền thông cho biết: "Trong năm qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra, đánh giá những sai phạm trong quá trình sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên số vụ xử phạt rất ít, chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội". |
Theo đó, một số giải pháp và mô hình quản lý thông tin và truyền thông trên mạng xã hội được đề ra như sau:
Một là, xây dựng đề án về mô hình quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đủ năng lực để quản lý các dòng thông tin căn bản trên mạng xã hội, đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng.
Hai là, có chiến lược sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách, song song với phát triển năng lực truyền thông trong cộng đồng.
Ba là, đổi mới công tác quản lý báo chí, xây dựng cơ chế và nguồn nhân lực để vận hành quá trình quản lý tất cả các dòng thông tin và các hoạt động truyền thông công cộng được lưu hành trên mạng xã hội.
Bốn là, thay đổi phương thức tiếp cận và tiếp nhận thông tin, năng lực truyền thông xã hội của công dân, giới trẻ thông qua giáo dục, định hướng.
Năm là, đảm bảo công cụ cho quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội.
Sáu là, quy hoạch, đào tạo và xây dựng bộ máy thực hiện, quản lý truyền thông chính sách trên mạng xã hội.
Bảy là, phát triển năng lực truyền thông xã hội và giáo dục luật pháp, đạo đức, trách nhiệm xã hội, kiến thức, kỹ năng và văn hoá truyền thông cho người dân tham gia và sử dụng mạng xã hội để phát triển...
Tuấn Đạt