Thứ Hai, 30/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 5/5/2011 22:12'(GMT+7)

Nhiều điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị định nêu rõ, các ngày lễ lớn trong nước sắp xếp theo thứ tự thời gian trong năm gồm: 1. Ngày Tết Nguyên đán (1/1 Âm lịch); 2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930); 3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch); 4. Ngày Chiến thắng (30/4/1975); 5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954); 6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890); 7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945).

Dự thảo cũng quy định chi tiết các hoạt động kỷ niệm từng ngày lễ trên.

Không tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của Ban, Bộ, ngành... vào các năm lẻ, năm tròn

Một trong những điểm mới của dự thảo là đã bổ sung quy định về việc kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; năm mất của các danh nhân, nhân vật lịch sử; bổ sung quy định về việc kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngày kỷ niệm khác.

“Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”;

“Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”;

“Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại.

Đối với các ngày kỷ niệm trên, dự thảo nêu rõ, vào các năm lẻ, năm tròn sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào các năm chẵn. Riêng kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo, lễ kỷ niệm ngày sinh lần đầu là khi tròn 100 năm; các lần kỷ niệm tiếp theo là 10 năm/lần.

Dự thảo cũng nhấn mạnh không tổ chức diễu binh, diễu hành trong các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành. Khi cần thiết do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hạn chế số lượng khách mời

Bộ VHTTDL cho biết, trong thời gian vừa qua, việc mời khách, đặc biệt là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới dự lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, ở nhiều nơi, nhiều lúc, không thực hiện đúng Điều 12 Quy định số 60-QĐ/TW ngày 11/02/2003 của Bộ Chính trị về tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít-tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị và tiếp các đoàn đại biểu trong nước của các đồng chí Bộ Chính trị. Nhiều nơi mời quá nhiều lãnh đạo, nhiều khách gây phô trương, lãng phí.

Khắc phục tình trạng trên, dự thảo cũng quy định số lượng khách mời hạn chế hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/2001 về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài.

Cụ thể, chỉ mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 3 chức danh: Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tham dự lễ dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào các năm chẵn. (Nghị định 82/2001/NĐ-CP cho phép mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước... vào cả các năm chẵn và năm tròn).

Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo)

Dự thảo cũng dành riêng một chương quy định về hình thức tổ chức buổi lễ như trang trí buổi lễ, cờ truyền thống, trang phục, biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi. Đặc biệt, trong chương này có quy định rõ: không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo); không tổ chức chiêu đãi (trừ trường hợp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh) nhằm tránh lãng phí, tốn kém.

Theo số liệu thống kê của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật vào năm 2009, thì tổng số ngày kỷ niệm trong nước và quốc tế tại Việt Nam là 428 ngày, trong đó có 120 ngày lễ kỷ niệm trong nước và 308 ngày lễ kỷ niệm quốc tế. Số liệu này còn chưa bao gồm những hoạt động mang tính chất kỷ niệm diễn ra thường xuyên như kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, kỷ niệm năm chẵn ngày Việt Nam tham gia các Tổ chức quốc tế lớn (ASEAN, Liên Hợp quốc, APEC, WTO…), các hoạt động giao lưu năm quốc gia, ngày văn hóa các nước tại Việt Nam, kỷ niệm các tổ chức kinh tế, văn hóa…

Có nhiều ngày được tổ chức kỷ niệm trong các năm tròn, chẵn, lẻ tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các Bộ, ngành, địa phương kỷ niệm ngày thành lập ngành, ngày nâng cấp thành phố, thị xã, ngày thành lập, tái lập tỉnh, ngày thành lập đơn vị, ngày đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, chủ yếu dựa vào khả năng, điều kiện của Bộ, ngành, địa phương theo xu hướng tự phát. Số lần tổ chức có xu hướng gia tăng. Thời gian tổ chức không chỉ vào năm tròn, năm chẵn mà còn cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua tràn lan, thiếu lành mạnh. Các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp cũng thường xuyên tổ chức ngày kỷ niệm, ngày truyền thống.

Với các quy định tại dự thảo này khi được ban hành sẽ góp phần đưa hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn đảm bảo trang trọng, văn minh, tiết kiệm mà hiệu quả.


(Theo: chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất