Từ lâu, bà con người dân tộc Ja Rai, Ba Na ở tỉnh Gia Lai đã nhận thức được phải học cái chữ mới có hiểu biết, mới tiến bộ và thoát được nghèo nàn, lạc hậu.
Tuy nhiên, con đường đến với cái chữ của trẻ em ở nhiều buôn làng trong tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng chỉ vì nhà xa trường, xa lớp; bố mẹ lại không có điều kiện để đưa đi học. Trước những khó khăn đó, ở Gia Lai đã có nhiều tấm gương người dân hiến đất để xây dựng các điểm trường ngay tại các buôn làng, rút ngắn con đường đến trường cho con em mình.
Điểm trường buôn Hoanh, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa là một trong những điểm trường được hình thành bằng quỹ đất do người dân hiến tặng. Nằm cách trung tâm tỉnh Gia Lai hơn 100km về phía Đông Nam, điểm trường buôn Hoanh được xây dựng khang trang với 2 lớp học rộng rãi, thoáng mát trên mảnh đất rộng hơn 2000 m2. Trường được xây dựng ngay giữa buôn nên chỉ mất vài phút là các em đến được lớp. Điều này khác hẳn với trước kia, trường học cách xa buôn đến hơn 5km. Lúc đó, học sinh đến trường phụ thuộc hoàn toàn vào việc người lớn đưa đi. Đó cũng chính là lý do mà trước kia, hầu hết trẻ em buôn Hoanh độ tuổi từ 5 đến 8 không đi học, bởi bố mẹ các em phải lo đi làm nương, làm rẫy.
Cô giáo R’Com H’Yoa, phụ trách lớp 2A, điểm trường buôn Hoanh, Trường Tiểu học Chu Văn An, xã Ia Rbol, thị xã Ajun Pa cho biết: Có điểm trường ở gần học sinh chăm chỉ đến lớp hơn. Trước đây lớp học xa nhà nên các em nghỉ học nhiều, nhất là vào vụ mùa, vào những lúc mưa gió. Với chị Nay Hiệp, người buôn Hoanh, có con 3 tuổi, đang học tại lớp mầm non của điểm trường ngay tại buôn thì đây thực sự là điều may mắn. Dù đang là mùa gặt lúa, nhưng cả gia đình chị vẫn ra đồng vì không còn phải lo việc đưa đón con đi học nữa. Chị phấn khởi cho biết: Có trường học ngay tại buôn nên vào mùa này vợ chồng chị có thể yên tâm ra đồng gặt lúa đổi công, giao việc đưa đứa con nhỏ đi học cho đứa con lớn 8 tuổi. Trước kia, trường mầm non ở tận ngoài trung tâm thị xã, trường cách chừng chục cây số thì hoặc là phải cho con ở nhà hoặc vợ, chồng chị phải thay phiên đưa đón con nhỏ.
Có được ngôi trường như hiện nay cho con em học hành, bà con trong buôn Hoanh đều cảm động trước tấm lòng của già làng Nay Hoai, trưởng thôn Ksor Nghe và ông Nay Khơng. Ba người đã tự nguyện hiến tổng cộng hơn 2000m 2 đất để xây ngôi trường cho trẻ em trong buôn. Già làng Nay Hoai kể, từ lâu lắm, hồi Nhà nước mới định canh, định cư cho bà con, già đã thấy con đường đến trường của con em trong buôn xa xôi, khó khăn. Già đã muốn và mong có một cái trường ngay tại buôn cho con em đi học, thoát cảnh con em bỏ học, mù chữ. Cuối năm 2009, Phòng Giáo dục đến đặt vấn đề xây điểm trường cho buôn nhưng không có đất. Già đồng ý hiến đất ngay và tổ chức họp buôn để thông báo thì hai người khác là trưởng buôn Ksor Nghe và ông Nay Khơng có đất liền kề với già làng cũng hưởng ứng theo. Ba người cùng hiến sẽ có đám đất đủ rộng, đủ làm ngôi trường đàng hoàng cho con em. Già làng Nay Hoai cho biết: Ở đây khó khăn quá, mấy đứa cháu đi học xa quá cho nên tôi hiến đất cho mấy đứa cháu có chỗ học hành. Có người mua đất nhưng tôi không bán, tôi để đất làm trường cho các cháu. Giờ thì đã có trường học cho các cháu rồi, tôi vui lắm.
Giữa năm 2010, điểm trường buôn Hoanh, thuộc Trường Tiểu học Chu Văn An, xã Ia Rbol được khởi công xây dựng. Năm học 2011 – 2012, điểm trường bắt đầu đi vào hoạt động. Đến nay, trường có 3 lớp học với hơn 70 em, gồm: Lớp mẫu giáo với 27 em, lớp một với 23 em và lớp 2 với 20 em. Các em từ lớp hai trở lên thì theo học tại trường chính ở trung tâm xã.
Ông Nguyễn Hữu Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rbol cho biết: Việc 3 người dân trong buôn Hoanh hiến đất làm trường học, hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng là rất đáng quý. Đây sẽ là tấm gương điển hình để xã nhân rộng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, xã đang đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới. Những tấm gương như thế sẽ góp phần giúp chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới tại xã đạt kết quả cao hơn./.
Quang Thái - TTXVN