Tiếp tục chương trình làm việc sáng 5/4, các đại biểu Quốc hội làm việc
tại hội trường, biểu quyết thông qua hai dự án Luật trẻ em và Luật báo
chí (sửa đổi).
Với 89,88% tán thành, Quốc hội thông qua dự thảo Luật trẻ em. Luật gồm 7 chương, 106 điều.
Luật này quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp
bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở
giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của
trẻ em.
Đối tượng áp dụng của luật là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã
hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công
lập, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục, gia đình, công dân Việt
Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh
thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (sau đây
gọi chung là cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân).
Trước khi thông qua dự thảo Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trẻ em.
Báo cáo cho biết đa số các ý kiến thống nhất đổi tên Luật thành Luật trẻ
em. Về độ tuổi trẻ em, nhiều đại biểu không tán thành việc điều chỉnh
độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý
kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án (Phương án 1: “Trẻ em là người
dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”).
Kết quả lấy phiếu cho thấy có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm
85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số đại biểu Quốc hội; 50/397 ý
kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18%
tổng số đại biểu Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề
nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành.
Về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào
khoản 1 Điều 10 các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em lánh
nạn, tị nạn; trẻ em di cư; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều
trị dài ngày, bệnh hiếm theo quy định của Bộ Y tế.
Cũng có ý kiến băn khoăn việc bổ sung nhóm “trẻ em chưa hoàn thành phổ
cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống” vào đối tượng trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt vì không rõ phổ cập giáo dục ở cấp nào.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung
vào khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật các nhóm “trẻ em mắc bệnh hiểm
nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo”
(điểm n khoản 1) và nhóm “Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa
xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc” (điểm o khoản 1).
Về nhóm trẻ em “chưa hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục phải bỏ
học kiếm sống,” Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình và tiếp thu như
sau: Nhóm trẻ em này chịu rất nhiều thiệt thòi trong xã hội như: bị mất
quyền học tập, mất cơ hội tiếp cận tri thức, nghề nghiệp để hoàn thiện
nhân cách và tạo lập cuộc sống ổn định khi trưởng thành; có nguy cơ cao
bị xâm hại, bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp
luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhóm trẻ em này là trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt và bổ sung cụm từ “trung học cơ sở” sau cụm từ “phổ cập
giáo dục” để làm rõ hơn nhóm đối tượng này.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017. Luật Bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật
này có hiệu lực./.
Theo TTXVN